Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 10 Tháng 11 2016 17:45

Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 3:Giáo Hội-Dấu Chỉ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 3:Giáo Hội-Dấu Chỉ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Tin mừng: (Mt 10:1-8)
Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Đức Giêsu – Dung mạo của Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Suốt chiều dài lịch sử, dân Do Thái đã cảm nghiệm và ý thức rằng Đức Giavê – Đấng họ tôn thờ - là Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng thương xót và trung tín:
“Lòng Thương Xót của Ngài biểu lộ một cách cụ thể trong nhiều khoảnh khắc của lịch sử cứu độ, nơi đó, sự tốt lành của Ngài rốt cục đã chiến thắng hình phạt và sự hủy diệt. Các Thánh Vịnh đã diễn tả một cách đặc biệt về sự vĩ đại này trong hành động của Thiên Chúa. Ngài chính là “Đấng tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:3-4). Với cách thức rõ ràng hơn, một Thánh Vịnh khác còn liệt kê ra những dấu chỉ của Lòng Thương Xót: “Xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7-9). Và để kết thúc, còn có một lời nữa của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. […] Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147:3.6). Tóm lại, chúng ta có thể nói, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái của họ nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình Yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và bởi sự tha thứ.” (Tông sắc năm thánh Lòng Thương Xót, số 6)

Thiên Chúa giàu lòng thương xót được tỏ lộ cách mới mẻ nơi ĐGK
Toàn bộ hành trình cuộc đời nơi dương thế của ĐG là một mạc khải về TC Cha. ĐG, trong mọi hành động, việc làm, đều tỏ cho chúng ta thấy về TC. Người nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14:9). ĐG nói về “Cha” cho chúng ta theo hai nghĩa: “thứ nhất, TC là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự; đồng thời, là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc hết mọi con cái Ngài” (GLHTCG, số 239).

Không chỉ mạc khải Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót qua lời nói, ĐG còn mạc khải Cha qua chính những hành động đón nhận kẻ tội lỗi, cứu chữa bệnh tật, tha thứ và yêu thương (Lc 15: con chiên bị mất; đồng bạc bị thất lạc; người cha nhân hậu) trong tác động của Thần Khí. Nơi những hành động của ĐG, “chúng ta thấy được điều cốt lõi của Tin Mừng và của Đức Tin chúng ta, vì Lòng Thương Xót được giới thiệu như là sức mạnh vượt thắng tất cả, sức mạnh ấy lấp đầy con tim với niềm vui và sự ủi an thông qua sự tha thứ”. (Tông sắc năm Lòng Thương Xót, số 9). Cách đặc biệt, mầu nhiệm Thiên Chúa giàu lòng thương xót được ĐG thể hiện trong tác động của Thần Khí cách cụ thể và sinh động nơi cái chế nhuốc hổ trên thập giá và phục sinh vinh quang vì yêu con người.

Do đó, quan niệm về một Đấng Cứu Độ của Cựu Ước được thay đổi vì không còn phù hợp nơi ĐG. Bởi lẽ, Thiên Chúa giàu lòng thương xót thực thi lời hứa ban ơn cứu độ của Ngài không chỉ về phương diện chính trị, vật chất … nhưng giờ đây, lòng thương xót được thể hiện qua việc giải thoát con người khỏi tội lỗi và trả lại phẩm giá làm người, và được gọi TC là “Cha”. Vì vậy, tất cả những lời hứa nơi Cựu Ước được tìm thấy một cách hoàn toàn mới mẻ và trọn vẹn nơi ĐGK.

Cách riêng, như đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe, cùng với việc căn dặn các môn đệ rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu còn ra lệnh cho các ông phải “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” trong dân. Một sự quan tâm trọn vẹn đối với nhân loại. ĐG quan tâm con người một cách toàn vẹn: không chỉ nói cho con người sứ điệp vui mừng, nhưng còn phải làm cho họ thực sự mừng vui khi chữa lành tất cả mọi bệnh tật mà họ đang mang (không chỉ bệnh hoạn tật nguyền thể lý của kiếp nhân sinh, nhưng còn cả bệnh hoạn tật nguyền trong tâm hồn, những căn bệnh do sự tổn thương trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân), trả lại cho nhân loại một cuộc sống bình an, xứng với phẩm giá là hình ảnh, là con của Thiên Chúa.

Giáo Hội – dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa
Giáo Hội – dấu chỉ của lòng Thương Xót.
Lumen Gentium đã khẳng định như sau: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG, số 1). Vậy ta cũng có thể nói, Giáo Hội là dấu chỉ, khí cụ, là nơi cư ngụ của Lòng Thương Xót. Bởi chưng, chính ĐG là dung mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha; và bởi vì là thân thể của ĐK, Giáo Hội chắc chắn phải là nơi Lòng Thương Xót ngự trị, nơi Chúa Cha muốn quy tụ đoàn dân của Ngài: “Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em" (Rm 8,29). Thế nên, Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội” (LG, số 2).

Quay trở lại với đoạn Tin Mừng chúng ta lắng nghe đầu giờ, chúng ta đọc thấy ĐG luôn quan tâm đến chúng ta, vì biết nhân loại cần đến sứ điệp Tin Mừng Cứu Độ, cần đến sự nâng đỡ, chữa lành cho kiếp nhân sinh, Người tuyển chọn và sai các môn đệ ra đi thi hành những điều đó. Bên cạnh đó, sứ điệp của lời rao giảng và hành vi chữa lành của các môn đệ không gì khác hơn là “NƯỚC TRỜI”. Hóa ra, Nước Trời không phải là một sứ điệp mông lung, không là những câu nói, lời rao giảng suông, nhưng còn là một thái độ và hành động của việc phục vụ cúi xuống và đụng chạm đến những những con người cùng khổ nhất, những nỗi đau ẩn kín nhất của con người. Đây chính là sứ mạng của Giáo Hội, dấu chỉ, công cụ của Lòng Thương Xót.

Chúng ta hãy đọc lại những lời giáo huấn của ĐTC Phanxico trong buổi họp toàn thể Hội Đồng Tòa Thánh về Thúc Đẩy Tân Phúc Âm Hóa tại Vatican vào chiều ngày 29.5.2015 như một lời mời gọi cho chúng ta ý thức về sứ vụ của Giáo Hội khi ngài nhắc nhớ chúng ta “phải nhận ra lòng thương xót và trao ban cho anh chị em”. ĐTC nói như sau: “Con người ngày nay mong đợi điều gì nơi Giáo Hội: đó là Giáo Hội đồng hành với họ, làm chứng về điều mình tin, sống tinh thần hiệp nhất đại đồng, đặc biệt liên đới với những người nghèo khổ, cô độc và bị loại trừ. Thế giới hôm nay có quá nhiều người nghèo! Nghèo vật chất. Nghèo tâm linh. Họ đang chờ Tin Mừng có sức mạnh giải thoát họ!”

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi khai mở Công Đồng Vatican II, ngài đã chỉ ra con đường phải theo: ‘Giờ đây Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng dược phẩm lòng thương xót chứ không phải là vũ khí của sự hà khắc… Giáo Hội Công Giáo, khi giơ cao ngọn đuốc chân lý Công Giáo tại Công Đồng Đại kết này, muốn thể hiện mình là một người mẹ yêu thương mọi người; kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm và nhân hậu với những con cái đã xa đàn’.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với cùng một mạch văn vào lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng tôi muốn chỉ ra lòng bác ái đã là tính năng tôn giáo chủ yếu của Công Đồng này như thế nào… câu chuyện xưa về người Samaritanô nhân hậu đã là mô hình cho linh đạo của Công Đồng… một làn sóng tình cảm và ngưỡng mộ đã tuôn chảy từ Công Đồng trên thế giới hiện đại của nhân loại. Những sai lầm, cố nhiên, là bị lên án vì lòng bác ái đòi hỏi điều này không thua gì những đòi hỏi của sự thật, nhưng đối với chính những cá nhân chỉ có sự khuyên nhủ, lòng tôn trọng và tình yêu. Thay cho những chẩn đoán chán chường, là những phương dược khích lệ; thay cho những dự đoán kinh khủng, là những thông điệp của niềm tin được Công Đồng đưa ra cho thế giới ngày nay. Những giá trị của thế giới hiện đại không chỉ được tôn trọng nhưng được vinh danh, nỗ lực của thế giới được chấp nhận, nguyện vọng của nó được thanh tẩy và chúc lành… Một điểm khác nữa chúng ta phải nhấn mạnh là điều này: tất cả giáo huấn phong phú này được chuyển theo một hướng là sự phục vụ nhân loại, trong mọi điều kiện, trong mỗi nhược điểm và nhu cầu” (số 04).

ĐTCha Phanxico nhắc nhớ: “Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu hiện diện; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. Giáo Hội “có một ước muốn bất tận để tỏ lòng thương xót… Tuy nhiên, thiếu vắng chứng tá cho lòng thương xót, cuộc sống trở thành vô ích và vô sinh, như thể bị cô lập trong một sa mạc cằn cỗi. Đã đến lúc Giáo Hội phải đón nhận lời mời gọi hân hoan để thương xót lần nữa” (số 10).

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với tinh thần Giáo Hội cần rao giảng và sống và làm chứng tá cho lòng thương xót, Ngài còn thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá cho lòng thương xót trong thế giới đương đại: ‘Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô.. . buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới’.

Đức TC Phanxicô viết: “Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rặp khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. Ngày nay, Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha.Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và thể hiện bản thân nó như sự trao ban chính mình. Do đó,bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót”

Giáo Hội làm lan tỏa Lòng Thương Xót qua việc trở nên chứng tá về Lòng Thương Xót
Thông điệp Redemptor Hominis (số14) khẳng định rằng định mệnh của con người là được chọn, gọi, sinh ra và chết, được cứu độ hay hư mất đều liên hệ cách chặt chẽ và dứt khoát với Đức Kitô. Cho nên, Giáo Hội như khí cụ cứu rỗi cho mọi người và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. LG 9 và 17). Ánh sáng cho trần gian và muối cho đất trong sứ vụ của Giáo Hội chính là phải làm lan tỏa, làm cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi sâu, thấm đượm vào mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh của trần gian, mọi lĩnh vực, và cách riêng là mỗi cá nhân.

Chúng ta xác tín rằng Giáo Hội phải tiến bước theo chân của ĐG trên mọi nẻo đường của thế giới để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, vì “được Đức Giêsu gọi và quy tụ, và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy” (AG 5). Như thế, mỗi chúng ta (các GM, LM), tế bào, chi thể của Giáo Hội, cũng phải mang nơi mình một món nợ đối với nhân loại, đó là món nợ ‘loan báo Lời cứu độ’ (x. VD 95). Đồng thời, chúng ta “cần phải hiểu rằng, thật rất cần có ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi mọi lãnh vực của nhân loại: gia đình, trường học, văn hoá, việc làm, việc giải trí và các lãnh vực khác của đời sống xã hội” (VD 93).

Tuy nhiên, ở đây, liên quan đến việc loan báo Tin Mừng, tôi xin được nhắc đến 2 điểm lưu ý quan trọng sau:
Thứ nhất, “sứ mạng riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo. Nhưng, bởi chính sứ mạng tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và hơn nữa, phải phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự. […] Hơn nữa, bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. […] Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng” (GP 42).

Thứ hai, “trách nhiệm của chúng ta không giới hạn vào việc đề nghị cho thế giới những giá trị chung nhưng phải đi đến chỗ minh nhiên loan báo Lời Thiên Chúa. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô [...]. Không có việc phúc âm hoá thực sự nếu thánh danh, giáo huấn, cuộc đời, các lời hứa, Vương Quốc và Mầu nhiệm Đức Giêsu Nadarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo” (VD 98).

Tông Sắc năm thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxico đã đưa ra một hướng cho Giáo Hội ngày nay, trong việc công bố Lòng Thương Xót. Ngài khẳng định: “Chiếc trụ đỡ nâng đời sống Giáo Hội chính là Lòng Thương Xót. Toàn bộ hoạt động mục vụ của Giáo Hội nên được bao bọc bởi sự trìu mến mà với nó, Giáo Hội hướng về các tín hữu; việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và chứng tá của Giáo Hội đối với thế giới sẽ không thể diễn ra mà không có Lòng Thương Xót. Tính đáng tin của Giáo Hội được xúc tiến trên con đường Tình Yêu nhân hậu và cảm thông. Giáo Hội “cảm thấy mình có một ước muốn vô hạn trong việc giới thiệu Lòng Thương Xót” […] Nếu như không có chứng tá về sự tha thứ thì chỉ còn lại một cuộc sống khô cằn và vô sinh, giống hệt như khi người ta sống trong một sa mạc thê lương. Đối với Giáo Hội, đã đến lúc tái dành thời gian để công bố một cách vui mừng về sự tha thứ. Đây chính là thời gian để tái trở về lại với những gì là căn bản và chính yếu, cũng như để đón nhận những người yếu đuối, những người đang gặp khó khăn nhất trong số những người anh chị em của chúng ta. Sự tha thứ chính là một sức mạnh làm cho tái sinh để trở thành một cuộc sống mới, cũng như trao tặng sự can đảm để hướng cái nhìn về tương lai một cách tràn đầy hy vọng” (số 10).

Tông sắc viết tiếp: “Giáo Hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, công bố con tim đang sôi sục của Tin Mừng. Nhờ đó, Lòng Thương Xót sẽ đạt tới được con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Chúa Kitô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình, và đi đến với tất cả mọi người cũng như không loại trừ bất cứ ai. Lời ĐTC Phanxico dạy bảo trong Tông Sắc cần phải được trở thành một ý lực sống cho mỗi chúng ta:“Một chặng mới của việc loan báo Tin Mừng càng ngày càng được mong chờ để được hoàn tất, giờ đây đã bắt đầu. Một trách vụ mới đối với tất cả các Kitô hữu chính là việc làm chứng cho Đức Tin của mình với niềm hăng hái được củng cố và với tất cả sức thuyết phục. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm trong việc phải trở nên dấu chỉ sống động cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha ở giữa trần gian” (số 4). Dấu chỉ sống động đó được thể hiện cụ thể trong mối quan tâm đến con người nơi các giáo huấn và những hoạt động cụ thể của con cái mình. Những giáo huấn và hoạt động cụ thể đan dệt và trở nên một trong sứ mạng của Giáo Hội.

Lời khẳng định của Chân phước giáo hoàng Phaolo VI trong bài diễn văn bế mạc công đồng Vat II rằng tất cả những lời dạy bảo của Giáo Hội “đều có một mục đích duy nhất, và cụ thể đó là việc phục vụ con người. Quả thật, “trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn” (GP 40).

Chúng ta có thể trích dẫn ra đây một số ví dụ:
Nói đến phẩm giá và lương tâm con người, Giáo Hội khẳng định: “Phúc Âm loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ vì mọi ách nô lệ rốt cuộc đều bởi tội lỗi mà ra. Phúc Âm tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, lại không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người” (GP 41).

Khi nói về Ðức tin và văn hóa, Giáo Hội dạy rằng: “khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nẩy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (GP 57).

“Các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô giáo. Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực của họ lớn lên song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ” (GP 62)

Hoặc khi bàn về vấn đề đối thoại, Giáo Hội dạy: “Chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự” (GP 92).

Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng có nói về tinh thần truyền giáo của Giáo Hội như sau: “Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận động năng truyền giáo này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà không trừ ai. Nhưng phải ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một định hướng rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên hết là những người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, những người không có gì để trả lại cho anh em (x.Lc 14,14).

Hôm nay và mãi mãi, người nghèo là những người nhận được đặc quyền của Tin Mừng, và việc loan báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giê-su đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng, có một sự liên kết bất khả phân ly giữa Đức Tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (số 48). “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (số 49).

Rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là trách nhiệm đầu tiên Giáo Hội cần làm. Giáo Hội cần rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, mà Thiên Chúa đang bị cho ra rìa, và nhiều người đang lờ đi không nhìn đến Thiên Chúa, hay nói khác đi nhiều người đang sống trong một tâm thức: Thiên Chúa đâu có giúp họ làm giàu và đâu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của con người. Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. Quay mặt đi và không quan tâm đến Ngài là thượng sách. Rất nhiều người trẻ ở Tây Phương đang mang tâm thức này. Họ đang bị những khuynh hướng tục hoá tân thời lôi kéo ra xa khỏi Thiên Chúa. Ngay trong xã hội tục hoá tinh vi này, lòng thương xót của Thiên Chúa cần được rao giảng nhiều hơn bao giờ hết. Chính trong bối cảnh xã hội này, mà chúng ta cần lắng nghe lại lời của Thánh Phê-rô: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3,15).

Giữa một xã hội đầy xáo trộn và bất an, Giáo Hội công giáo phải làm gì? Đức Thánh Cha đã trả lời: phải loan truyền lòng thương xót của Chúa và phải thực thi lòng thương xót đối với nhau. Ngài ước mong Giáo Hội sẽ là nơi ẩn náu của những ai đang đi tìm lòng nhân hậu và sự bao dung thứ tha. “Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hoà lòng thương xót” (Sđd, số 12). Như các “thành trú ẩn” của thời Cựu ước được nhắc tới trên đây, Giáo Hội của Chúa hôm nay phải là nơi trú ẩn cho các tội nhân, những người đang tìm một nơi ẩn nấp cuối cùng, khi họ bị xã hội xua đuổi và xa lánh. Nơi đó, con người gặp được lòng thương xót và nhân ái, giữa một xã hội dầy rẫy những bất công và hỗn loạn. Những cộng đoàn Đức tin ở các cấp độ khác nhau, phải là những nơi con người thời nay tìm đến để hưởng một môi trường tâm linh thánh thiện, cảm nhận rõ sự hiện diện của Đấng Tối cao.

Tất cả những giáo huấn của Giáo Hội không chỉ là những lý thuyết suông, nhưng là những quyết định, là lời cam kết, là chương trình sống và dấn thân cho nhân loại, làm cho nhân loại nhận ra được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thật vậy, các chi thể của Giáo Hội là “các Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn” (GP 93). Chính vì thế mà chúng ta thấy trong Giáo Hội có những cơ quan, những bộ chuyên biệt không phải chỉ để giữ kỹ luật của Giáo Hội nhưng đúng hơn là để cổ võ, thăng tiến toàn diện con người và thế giới.

Giáo Hội, người mẹ của chúng ta luôn khắc khoải trong mối bận tâm lo cho con cái mình. Chúng ta, những linh mục của Chúa, chúng ta có khắc khoải, bận tâm và có dám đưa ra và thực thi những kế hoạch, những quyết định nhằm hướng đến lợi ích của đoàn dân mà Chúa trao hay không?
gpbamethuot.vn

Read 2053 times Last modified on Thứ sáu, 11 Tháng 11 2016 19:01