Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 6:Sống Lòng Thương Xót
Posted by Ban Biên Tập
Bài 6: SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT
TM: Lc 1:39-45
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Chúng ta đã cùng nhau trở về nguồn, nguồn cội của sứ mạng Giáo Hội, của từng thành phần trong Giáo Hội (giáo sĩ, giáo dân). Chúng ta ý thức rằng, dù đứng trước biết bao những khó khăn, thử thách của thời đại, Giáo Hội và mọi thành phần trong Giáo Hội phải trở nên và phải là dấu chỉ Lòng Thương Xót cho thế giới, cho con người hôm nay. Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể cải hóa và thay đổi thế giới, làm cho thế giới này “xanh-sạch” hơn không chỉ trên phương diện vật chất, nhưng còn trong khía cạnh đời sống thiêng liêng. Và có thể nói, đó là một thế giới mà chúng ta mong muốn truyền lại cho thế hệ sau; một thế giới mà ĐTC Phanxico vẫn hằng thao thức và đặt ra cho chúng ta.
Vậy, trong bài cuối cùng của những ngày ân sủng này, chúng ta cùng nhìn lên Đức Maria. Chúng ta hãy để cho Mẹ - Bà giáo dịu hiền – dạy chúng ta sống Lòng Thương Xót trong cuộc sống thường ngày.
Vội vã
Chúng ta hãy hình dung lại biến cố Maria - một thôn nữ nơi làng quê Nazareth - sau khi nghe biết người chị họ đã lớn tuổi đang mang thai,đã vội vã khăn gói lên đường đến với người chị của mình. Có lẽ, một quãng đường chừng gần 140km (từ Nazareth-nhà của thiếu nữ Maria- đến Ain Karim-nhà của bà Elisabeth) không dài đối với chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, đối với một thiếu nữ mới tuổi trăng tròn tại đất nước Do Thái ngày xưa cách đây hơn 2000 năm, đó là một quãng đường đầy khó khăn. Đồng thời, sự khó khăn dành cho thiếu nữ ấy không chỉ ở độ dài quãng đường, đồi núi, phương tiện đi lại, … nhưng còn ở việc, thiếu nữ ấy đang mang thai. Vậy mà, thôn nữ ấy vẫn can đảm cất bước ra đi, đi một cách vội vã.
Thiếu nữ Maria đã vội vã lên đường vì tình thân và Tình Yêu.
Thiếu nữ Maria, trong tâm trạng của người nhà, của tình chị em, đã rất bận tâm, lo lắng cho người chị họ đã luống tuổi mà giờ đây đang mang thai. Sự bận tâm, lo lắng đó phải được hiện thực bằng chính hành động của bản thân. Đường xá xa xôi, cách trở, nguy hiểm ư? Mệt mỏi và khó chịu của cảnh đang mang thai ư? Không, tất cả những điều đó không là trở ngại có thể khiến tình người, tình thân bị gián đoạn, không được thể diễn tả ra. Đức Maria mạnh mẽ cất bước, cất bước một cách vội vã.
Đặc biệt, việc lên đường của Đức Maria đến với người chị họ còn được thôi thúc bằng Tình Yêu, một tình yêu khởi đi từ Thiên Chúa. Chắc chắn, sự bất ngờ và bâng khuâng trong biến cố Truyền Tin vừa mới xảy ra vẫn còn đang tác động cách mạnh mẽ nơi Mẹ. Nói một cách bình dân là Mẹ vừa mới bị một cú sock khủng khiếp, liên quan không chỉ đến cuộc đời Mẹ nhưng còn liên quan đến toàn thế giới, đến ơn cứu độ và còn liên quan đến Thiên Chúa. Thế nhưng, Mẹ không để cho cú sock ấy làm cho việc phụng sự Thiên Chúa nơi Mẹ qua việc phục vụ tha nhân bị giảm sút, bị trì trệ. Với ý thức là một “tỳ nữ của Thiên Chúa”, ý thức bản thân được diễm phúc cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng là Tình Yêu nhập thể, Mẹ lên đường.
Chúng ta khám phá ra dung mạo Lòng Thương Xót được diễn tả rất cụ thể, rất sinh động nơi thiếu nữ Maria. Quả thật, thiếu nữ Maria là một người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, quảng đại dấn thân, yêu thương và phục vụ người khác. Lòng nhiệt thành, hy sinh đó đã được làm cho nên trọn hảo bằng chính Đức Giêsu Kitô, dung mạo đích thực của Lòng Thương Xót, đang ngự trong cung lòng của Mẹ.
Như thế, thế giới này đang cần đến những con người vội vã lên đường như Thiếu nữ Maria, hay nói khác đi, chúng ta đang cần đến những con người mang tinh thần trẻ (quảng đại, dấn thân) được thúc đẩy bởi Lòng Thương Xót. Bởi lẽ, việc Phúc Âm Hóa trong thời đại ngày nay chính là chúng ta làm tươi trẻ lại diện mạo ĐK và lời của Người trong đời sống. Nếu không mang nơi mình một sự thôi thúc mãnh liệt phục vụ, quan tâm đến tha nhân, một tinh thần tươi trẻ của Tin Mừng, chúng ta sẽ không thể vội vã lên đường đến với người khác như Đức Maria.
Vui mừng
Thánh Luca mô tả cuộc gặp gỡ giữa hai phụ nữ, hai thai phụ, hai người mẹ thật đặc biệt. Đó là một cuộc gặp gỡ đầy Niềm Vui (không chỉ là niềm vui gặp gỡ giữa con người, tình thân với nhau, nhưng còn là niềm vui đích thực, đó chính là niềm vui trong ân sủng của TC).
Đáp lại lời chào của Đức Maria, bà Elisabeth đã cất lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Đây là một lời chào khác thường của bà Elisabeth để đáp lại lời chào của Đức Maria.
Chúng ta không biết rõ Đức Maria đã chào bà Elisabeth như thế nào. Tuy nhiên, một cách thông thường, theo tục lệ của người Do Thái, tiếng “Shalom-bình an” được cất lên khi gặp nhau và cả khi chia tay để cầu chúc nhau có được một sự bình an thực sự (một sự bình an bao hàm những giá trị: thân thiện với mọi người, hòa giải với Thiên Chúa, có đời sống an bình, may lành và hạnh phúc. Nói ngắn gọn shalom có nghĩa là có được cuộc sống viên mãn hay trọn hảo). Và vì vậy, nếu bình thường, bà Elisabeth cũng sẽ cất lên tiếng “Shalom” để đáp lại lời chào và để cầu chúc Đức Maria cũng được Shalom. Nhưng không, lời chào của bà Elisabeth lại cho thấy sự Bình An thực sự đã hiện diện, đang tỏ hiện nơi Đức Maria và đang đụng chạm thực sự vào con người và cuộc đời của bà Elisabeth cũng như đứa con của bà. Chính vì thế, trong sự hân hoan vui mừng, lời chào của bà đã trở nên một lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa về điều kỳ diệu trước mắt bà là Đức Maria được TC chúc phúc và cưu mang Nguồn Ơn Phúc. Chính Nguồn Ơn Phúc mà Mẹ đang cưu mang đã làm cho hài nhi trong bụng bà Elisabeth nhảy lên vui mừng, vui mừng vì được TC đến thăm.
Vì vậy, trong từng công việc mục vụ, chúng ta hãy làm cho từng cuộc gặp gỡ của chúng ta với tất cả mọi đối tượng đều trở thành những cuộc gặp gỡ của niềm vui, niềm vui của những con người cảm nghiệm được rằng mình được TC chúc phúc, được TC yêu thương.
Sống Lòng Thương Xót
Sứ mạng phục vụ con người và xã hội
Một lần nữa, chúng ta phải khẳng định với nhau rằng mỗi người trong chúng ta (các Kitô hữu, giáo dân hay giáo sĩ) có sứ mạng phục vụ con người và thế giới hôm nay và mãi mãi cho đến ngày ĐK ngự đến lần thứ hai. Sứ mạng đó được khởi đi, được nuôi dưỡng, được kín múc từ chính trong Tình Yêu – từ chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước … và tiếp tục yêu chúng ta trước; chính vì thế mà chúng ta có thể đáp trả lại bằng tình yêu” (Deus Caritas est, 17). Tình yêu đáp trả đó được thể hiện qua việc “yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó… tôi học cách nhìn người khác không phải chi bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô” (Deus Caritas est, 18). Đồng thời, sứ mạng phục vụ của chúng ta “không những là đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế” (Sắc lệnh tông đồ giáo dân, 5) và quy hướng chúng về cùng đích của mình là Thiên Chúa nhờ-với-trong ĐK.
Như vậy, con người và thế giới là đối tượng chúng ta phải dấn thân, phải ôm ấp vào lòng như Vat. II đã khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô” (GP, 1).
Lòng Thương Xót chi phối tất cả mọi hoạt động
Tất cả những ưu tư, bận tâm của chúng ta cho con người ngày nay phải được hiện thực bằng chính hành động, bằng những kế hoạch mục vụ của chúng ta dành cho những đối tượng mà chúng ta được giao cách cụ thể. Nhưng chúng ta phải ghi khắc rằng Lòng Thương Xót phải chi phối tất cả mọi hoạt động của chúng ta.
Chúng ta được ĐTC Phanxico nhắc nhở trong Tông sắc năm thánh Lòng Chúa Thương Xót: “Như người ta thấy, Lòng Thương Xót chính là một từ khóa trong Kinh Thánh để mô tả về hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không tự giới hạn trong việc cam đoan về Tình Yêu của Ngài, nhưng Ngài làm cho Tình Yêu ấy trở nên rõ ràng và cụ thể … Nếu như Thiên Chúa là Đấng Thương Xót thì chúng ta cũng được kêu gọi để xót thương nhau” (số 9). Lòng thương xót không mù mờ nhưng rõ ràng trong mọi hoạt động.
Cụ thể:
*THA THỨ: Sự tha thứ cho sự bất công đã mắc phải chính là một sự diễn tả rõ ràng nhất về Tình Yêu nhân hậu, và đối với các Kitô hữu chúng ta, nó trở thành một mệnh lệnh mà chúng ta không thể khước từ. Việc càng ngày càng phải tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một nhạc cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù chính là một điều kiện cần thiết đối với một cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận lời khuyên của Thánh Tông Đồ: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4:26). Và trước hết, chúng ta hãy nghe Lời của Chúa Giê-su, Đấng đã làm cho Lòng Thương Xót trở thành một lý tưởng sống cũng như trở thành tiêu chuẩn cho sự chính xác nơi việc làm chứng của Đức Tin chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7) – đó là mối phúc mà chúng ta nên để cho mình được khích lệ trong Năm Thánh này với sự hy sinh đặc biệt.
*“ĐỪNG XÉT ĐOÁN, KẾT ÁN, NÓI XẤU “Nếu anh em không xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ ban cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:37-38). Như vậy, Ngài nói trước tiên rằng, chúng ta đừng nên phán xét, cũng đừng nên kết án. Ai không muốn bị điệu đến trước tòa án của Thiên Chúa, người ấy không được phép biến mình thành quan tòa của anh em mình. […] Những lời nói đã gây ra biết bao nhiêu là những điều ác khi những lời ấy được quả quyết bởi lòng ghen tị và bởi sự cao ngạo! Nói xấu những người anh em vắng mặt, những người chị em vắng mặt, có nghĩa là đẩy biết bao nhiêu là những người như thế vào trong ánh sáng tồi tàn, gây thiệt hại cho thanh danh của họ, và trao họ cho lời ong tiếng ve. Đừng phán xét và cũng đừng kết án, có nghĩa là ở trong sự trong sáng để nhận ra điều tốt lành trong bất cứ một con người nào, và đừng để xảy ra việc những người này phải đau khổ vì những lời kết án bị hạn chế của chúng ta, cũng như vì sự kiêu căng của chúng ta, tưởng rằng mình biết rõ mọi chuyện rồi. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để diễn tả Lòng Thương Xót. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải tha thứ và phải trao hiến chính bản thân mình hầu trở nên những khí cụ của sự tha thứ, vì trước hết, chúng ta đã có kinh nghiệm về ơn tha thứ của Thiên Chúa, để trở nên quảng đại đối với tất cả trong sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa cũng đang thể hiện lòng hảo tâm của Ngài một cách rất rộng lượng đối với chúng ta” (số 14).
*QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG NGƯỜI BÊN LỀ XÃ HỘI. “Chúng ta hãy mở cõi lòng mình ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện sinh mà thế giới hiện tại tạo ra chúng, nhưng thường là trong những cách thức bi ai” (số 15); “Mang đến cho người nghèo một lời và một cử chỉ ủi an” (số 16).
Kế hoạch sống Lòng Thương Xót
Đâu là kế hoạch của chúng ta sống Lòng Thương Xót trong cuộc đời mình?
Ở đây, tôi không dám đưa ra một lược đồ, một bản kế hoạch, một chiến lược cho việc sống Lòng Thương Xót (vì tùy mỗi môi trường, mỗi hoàn cảnh sẽ có những nét riêng). Tôi chỉ muốn gợi nhắc lại cho mỗi người chúng ta hai nguyên tắc:
*Trước nhất là chúng ta phải có một kế hoạch mục vụ cụ thể. Cách riêng, kế hoạch đó phải cho thấy nỗ lực dấn thân của chúng ta “trong việc chữa trị những vết thương của người nghèo, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng Lòng Thương Xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng có tính bổn phận. Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm, tức thái độ hạ thấp nhân phẩm, đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc mà nó ngăn cản việc khám phá ra một cái gì đó mới mẻ, đừng rơi vào thói cay độc vì nó hủy hoại tất cả. Chúng ta hãy mở cặp mắt mình ra để nhìn thấy những nỗi khốn cùng của thế giới này, những vết thương của rất nhiều anh chị em mà họ đang bị cướp đi phẩm giá của họ. Chúng ta hãy cảm thấy mình đang bị thách đố trong việc lắng nghe tiếng kêu cứu của họ”. (Dung mạo Lòng Thương Xót, số 15)
*Thứ hai, kế hoạch đó phải bao gồm hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn. Nói khác đi, đó phải là một đường hướng mà mọi thành phần trong Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ cùng quyết tâm thực hiện; nó thể hiện sự hiệp nhất và cộng tác.
ĐGM giảng phòng tâm tình với linh mục đoàn:
*Chúng ta có thể nói cho mọi người biết mục tiêu, biết đường hướng; nhưng để họ nghe và làm theo, chính chúng ta phải là người đầu tiên thực hiện mục tiêu đó.
*Một cộng đoàn (nhóm) hoạt động có hiệu quả thì có giá trị hơn (to lớn hơn) tổng số các thành phần của nó; và ngược lại, một cộng đoàn (nhóm) hoạt động kém hiệu quả thì đạt được những kết quả kém hơn các cá nhân có thể đạt được khi các cá nhân đó tự làm việc theo khả năng của mình.
Như thế, “đưa ra đường hướng và bản thân phải là người trước tiên thực thi đường hướng đó” là điều không thể tách biệt trong tất cả mọi hoạt động mục vụ, và cũng là một thách thức cho chúng ta khi dấn thân phục vụ trong sứ mạng linh mục thừa tác không chỉ trong năm nay mà trong cả cuộc đời của chúng ta.
Kết : Trong dịp Đức Thánh Cha Phanxico thăm viếng Philippines từ 15-18/1/2015; khi tiễn Ngài sau thánh lễ trọng thể, Đức Hồng Y Antonio Tagle, Tổng giám mục Manila – Philippines đã bày tỏ rất cảm động như sau…:
ĐTC thường kết thúc cuộc gặp gỡ với mọi người bằng một câu nói rằng, "Tôi xin quý vị cầu nguyện cho tôi." Chúng con hứa sẽ cầu nguyện cho ĐTC. Nhưng chúng con cũng muốn đảm bảo với ĐTC rằng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho ĐTC. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: "Ta đã cầu nguyện cho con để con được vững mạnh trong đức tin." (Luca 22:32). Thưa Đức Thánh Cha, ĐTC thật là may mắn. Chúa Giêsu cầu nguyện cho ĐTC. Những người Phi Luật Tân yêu quý của ĐTC cũng đang hiệp thông với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện cho ĐTC lên Đức Chúa Cha.
ĐTC đến Phi Luật Tân cách đây ba ngày. Ngày mai ĐTC sẽ ra đi. Mọi người Phi Luật Tân cũng muốn đi theo ĐTC - không phải đến Rome - nhưng là đến những vùng ngoại vi, đến những khu ổ chuột, những nhà tù, bệnh viện, đến tới thế giới chính trị, tài chính, nghệ thuật, khoa học, văn hóa, giáo dục và truyền thông xã hội. Chúng con sẽ đi đến thế giới để mang tới ánh sáng của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là trung tâm của chuyến thăm mục vụ của ĐTC và là nền tảng của Giáo Hội. Chúng Con sẽ đi tới những nơi mà ánh sáng của Chúa Giê-su đang cần thiết ở đó. Ở đây tại công trường Luneta (Còn gọi là Rizal Park), trên khán đài Qurino này, nơi mà các anh hùng được tôn kính, nơi mà các tổng thống tuyên thệ nhậm chức và các vị giáo hoàng gặp mặt các tín hữu Phi Luật Tân, là nơi cuả những khởi đầu mới, xin hãy sai chúng con đi loan truyền ánh sáng. Vậy trước khi ra đi, Đức Thánh Cha hãy sai chúng con đi loan toả ánh sáng của Chúa Giêsu. Hãy để cho ánh sáng của Chúa Kitô tỏa sáng!
Hy vọng, chúng ta sẽ noi gương Đức Maria trong biến cố thăm viếng bà Elisabeth. Để một khi vì lợi ích các linh hồn, chúng ta sẽ “vội vã lên đường” một cách “vui mừng”, bất chấp tất cả những khó khăn, những bất tiện sẽ xảy đến cho chính mình. Đây chính là một trong những cách thế thể hiện Lòng Thương Xót rõ nét nhất không chỉ đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxico trong năm Lòng Thương Xót nhưng còn phản ảnh dung mạo đích thực của Giáo Hội, của Đức Kitô – Đấng chỉ yêu thương và tha thứ, sẵn sàng đi bước trước và hy sinh trong từng giây phút của cuộc sống thường nhật.
Đọc bài “Điều con xin Chúa”
Con xin Chúa lấy đi sự kiêu ngạo ở trong con, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng” sự kiêu ngạo không phải để Chúa lấy đi, nhưng là để con từ bỏ.
Con xin Chúa chữa lành sự tật nguyền của con, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng: tinh thần mới là sự tuyệt hảo, còn thân xác chỉ là tạm thời.
Con xin Chúa giúp con đừng gặp chước cám dỗ, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng : Cám dỗ sẽ dạy con biết con là ai, và giúp con biết nương tựa vào Chúa mà thôi.
Con xin Chúa ban cho con hy vọng, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng: Hy vọng sẽ đến khi con biết cách tránh xa sự thất vọng.
Con xin Chúa ban cho con sự kiên nhẫn, và Chúa nói không/ Chúa nói rằng: Sự kiên nhẫn là sản phẩm của sự thống hối, nó không phải được ban tặng, nó phải được tìm kiếm.
Con xin Chúa ban cho con hạnh phúc, và Chúa nói không/ Chúa nói rằng: Chúa sẽ ban ơn lành, còn hạnh phúc tùy thuộc vào con.
Con hỏi Chúa rằng: Chúa có yêu con không? Và Chúa nói CÓ. Vậy con xin Chúa giúp con yêu người khác nhiều như Chúa yêu con. Chúa nói: cuối cùng con đã hiểu ý Cha”.
Gpbanmethuot.vn