Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 08:12

Giáo dục nhân bản cho thiếu nhi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giáo dục nhân bản cho thiếu nhi

TÒA GIÁM MỤC XUÂN LỘC
BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO – GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

GIÁO DỤC NHÂN BẢN CHO THIẾU NHI

MỤC LỤC

Lời ngỏ 
Bài 1: Sự cần thiết giáo dục nhân bản 8
Bài 2: Lịch sự khi ăn uống 12
Bài 3: Lịch sự trong lời nói 16
Bài 4: Lịch sự khi tặng quà và nhận quà 21
Bài 5: Lịch sự khi mượn đồ – trả đồ 26
Bài 6: Lịch sự khi sử dụng điện thoại – phương tiện truyền thông 30
Bài 7: Lịch sự trong cử chỉ và y phục 36
Bài 8: Lịch sự trong cách chào hỏi 41
Bài 9: Lịch sự khi tiếp khách và khi ta là khách 46
Bài 10: Lịch sự khi sống trong giáo xứ và khu xóm 50
Bài 11: Lịch sự trong cách giới thiệu 56
Bài 12: Lịch sự nơi công cộng bệnh viện – rạp hát – nhà hàng – siêu thị 61
Bài 13: Lịch sự trong giao tế 68
Bài 14: Lịch sự khi ta giúp người – người giúp ta 73
Bài 15: Lịch sự trong việc tang chế – cưới hỏi 77
__________ o O o __________

Lời ngỏ
Các bạn Giáo Lý Viên và các em Thiếu Nhi thân mến!
Việc giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi nhằm đào tạo nên những con người toàn diện, trưởng thành trong đời sống đức tin và vững vàng trong đời sống nhân bản, theo khuôn mẫu là Chúa Giêsu. Trong quá trình huấn luyện, các em được hướng dẫn để mỗi ngày lớn lên: thêm tuổi thì thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và mọi người (Lc 2,51-52).
Tập Giáo Dục Nhân Bản cho Thiếu Nhi được soạn thảo dựa trên một số tài liệu sẵn có hiện nay. Đây là một tài liệu hỗ trợ cho các anh chị giáo lý viên trong các lớp giáo lý. Các anh chị có thể sử dụng đan xen vào các giờ giáo lý hoặc cũng có thể sử dụng như một môn học riêng biệt. Tài liệu được phân chia thành từng bài, mỗi bài đều đặt trên nền tảng là câu Lời Chúa. Phần nội dung được đánh số để các em dễ nhớ.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bậc phụ huynh, các anh chị Giáo Lý Viên và các em Thiếu Nhi tập Tài liệu Giáo Dục Nhân Bản, mong các phụ huynh, các anh chị và các em đón nhận.
Dù đã cố gắng nhiều nhưng cũng không thể tránh được những sai sót, kính mong mọi người vui lòng góp ý để mỗi ngày tập sách được hoàn thiện hơn.
Ban Giáo dục Công Giáo – Giáo Phận Xuân Lộc
Linh mục Trưởng Ban
Giuse Đỗ Đức Trí
__________  __________

BÀI 1 : SỰ CẦN THIẾT GIÁO DỤC NHÂN BẢN
Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52).
1. Nhân là người, bản là gốc – giáo dục nhân bản là dạy cho tuổi trẻ những đức tính căn bản để các em cư xử và sống xứng đáng là con người. “Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy.
2. Cha ông chúng ta dạy: nuôi con nên thân – nên người (thân xác – tinh thần).
3. Giáo dục nhân bản là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành người Kitô hữu. Từ đó giúp cho người Công Giáo dễ dàng giữ 10 điều răn của Thiên Chúa và bước lên bậc thánh nhân khi sống theo Hiến Chương Của Nước Trời (Tám Mối Phúc).
4. Trong những đức tính nhân bản, người ta thường tóm lại trong 8 đức tính lớn phù hợp với văn hóa Việt Nam là: CẦN – KIỆM – LIÊM – CHÍNH – TRÍ – TÍN – DŨNG – NHÂN. Trong đó phép lịch sự được xem như “khúc dạo đầu” của các nhân đức trên.
5. Lịch sự là cách ăn nói và xử thế tốt đẹp, là những hình thức lễ phép bên ngoài được xã hội quy chuẩn và đề nghị tuân giữ.
__________  __________

BÀI 2 : LỊCH SỰ KHI ĂN UỐNG
Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa (1 Cr 10,31).
6. Trước bữa ăn em nhớ làm Dấu Thánh Giá cầu nguyện cảm ơn Chúa cho em có của ăn để nuôi dưỡng thân xác. Sau đó, em mời những người trên dùng cơm để thể hiện tính lễ phép, biết ơn.
7. Đến bữa ăn, người nhỏ hơn không được ngồi vào bàn trước người lớn tuổi hoặc có chức vị lớn hơn mình.
8. Đến giờ ăn, em đang làm việc gì thì cũng phải dừng lại để chuẩn bị vào bàn ăn; bởi vì giờ ăn còn là giờ thể hiện và nối kết tình thân trong gia đình.
9. Bữa ăn gia đình rất quan trọng, góp phần làm cho gia đình được hạnh phúc; nên em luôn ăn cơm chung với bố mẹ và anh chị em, tránh ngồi riêng hoặc vừa ăn vừa xem tivi, chơi game hoặc đọc truyện.
10. Khi ăn, em tránh dùng đũa, muỗng, nĩa của mình đang ăn để lấy thức ăn chung, phải lấy những muỗng nĩa chung để lấy thức ăn chung.
11. Khi ăn các món lỏng như: canh, cháo súp… em nên dùng nhẹ nhàng để tránh tạo ra những âm thanh.
12. Nếu có sử dụng nước uống, nên uống từng hớp, đừng uống khi trong miệng đầy đồ ăn; cũng đừng vừa nhai đồ ăn lại vừa nói chuyện. Tránh hò hét trước khi uống.
13. Khi gắp thức ăn, nên nhìn trước sẽ gắp phần thức ăn nào, rồi mới đưa đũa ra gắp. Tránh việc dùng đũa “đào bới” trong đĩa thức ăn chung, rất khó coi và mất vệ sinh.
14. Trong khi ăn, em không chê trách hay cáo tội người khác trong bữa ăn, và cũng không chê các món ăn khi món ăn không được ngon; trái lại, nên có lời khen về một điểm nào đó về các món ăn đang dùng.
15. Khi để lại phần ăn cho người vắng mặt, phải để riêng ra trước khi dùng bữa.
__________  __________

BÀI 3 : LỊCH SỰ TRONG LỜI NÓI
Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe (Ep 4,29).
16. Những lời chào – hỏi ngắn gọn, lễ phép, đơn sơ, nhưng lại giúp dễ dàng gây thiện cảm với bất cứ người nào em gặp. Lời chào hỏi cũng biểu lộ người lịch sự, có giáo dục.
17. Trong gia đình, em luôn giữ lễ phép với người trên qua việc “đi thưa, về trình”.
18. Gặp những người trên, em luôn chào hỏi cách lễ phép, không trợn mắt nhìn hoặc cười ruồi rồi quay đi.
19. Đối với bất cứ ai đã giúp em làm một việc gì dù nhỏ, em hãy nhớ nói lời cảm ơn để biểu lộ lòng biết ơn đối với người đó.
20. Khi nhận được lời cảm ơn, em đừng toét miệng cười; hãy trả lời: thưa không có chi ạ! Hoặc con vui khi làm việc đó…
21. Khi có việc cần vượt qua người đi trước, em hơi cúi đầu và nói: xin phép ông, xin phép bà… tuy là những câu nói vắn tắt, nhưng nó sẽ giúp em gây thiện cảm với mọi người, và tránh được rất nhiều những xích mích nhỏ nhen.
22. Mỗi khi làm điều chi sai lỗi, hoặc nói gì không đúng, em hãy cố can đảm cất lời: “tôi xin lỗi”, “tôi lầm” để nhận lỗi với người khác.
23. Hãy biết lắng nghe và đừng cắt ngang lời người khác khi họ đang nói.
24. Trường hợp em bị người khác sơ ý làm phiền, người ta xin lỗi, em nên lịch sự bỏ qua và vui vẻ trả lời: “thưa không có chi”. Đừng lườm nguýt cũng đừng tỏ ra khó chịu.
25. Khi nói chuyện với người khác, em cố gắng nhận ra cái lý của họ và thành thực cảm phục họ bằng cách dùng câu nói: anh có lý… chị nói đúng. Làm vậy sẽ gây được cảm tình và có thêm bạn bè mới.
26. Khi không đồng ý với ai về một vấn đề, và muốn trình bày ý kiến của mình, thì hãy mở đầu bằng câu nói: anh nói đúng, nhưng có chi tiết này, chúng ta cần nhận xét lại xem… . Nói thế em sẽ tránh được làm phiền và chạm tới tự ái người khác.
27. Khi đã hứa với ai chuyện gì, phải giữ đúng lời hứa. Nếu vì trường hợp đột xuất có việc quan trọng hay không thể chu toàn được phải báo lại cho người đó biết.
__________  __________

BÀI 4 : LỊCH SỰ KHI TẶNG QUÀ VÀ NHẬN QUÀ
Chúa Giêsu dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận. (Cv 20,35).
28. Quà được tặng vào dịp tết, sinh nhật, cưới hỏi, lễ bổn mạng… có mục đích biểu lộ sự vui mừng, quý mến, thân thiện, hay lòng biết ơn.
29. Ghi vào lịch để nhớ những kỷ niệm của người thân, như sinh nhật, ngày lãnh bí tích thánh tẩy, hôn phối, bổn mạng, ngày giỗ… đến ngày đó em nên có lời chúc mừng, xin lễ cầu nguyện và nếu thuận tiện, kèm theo món quà tặng.
30. Tặng quà là cách con người thể hiện sự quan tâm đến nhau. Có một điểm chung mà ta dễ dàng nhận thấy khi tặng quà, đó là món quà luôn làm cho người nhận cảm thấy vui vẻ.
31. Giá trị của món quà không quan trọng bằng tấm lòng và sự quan tâm của người tặng dành cho người nhận. Cho nên, khi có người tặng quà cho mình, em nên nhận với sự nhiệt tình và thích thú, ngay cả khi những món quà ấy không phải là món đồ em thích.
32. Hãy nhớ bóc tem ghi giá trên các món quà. Đừng gói bọc một cách cẩu thả, giấy gói nhăn nhúm, không thắt nơ, không có bưu thiếp chúc mừng.
33. Khi biếu quà cho người trên, quà phải gói cho đẹp, ăn mặc lịch sự, đưa hai tay với lời chúc mừng.
34. Khi nhận quà, dù là người trên cũng nên đưa hai tay đón lấy và nói: “Cảm tạ Chúa, cảm ơn cháu (ông, bà,…)”.
35. Dù là người trên hay kẻ dưới, khi được tặng quà, thì không được khước từ. Có thể mình không thích món quà đó, hay đã có dư; nhưng khi nhận cần phải nói: “Cảm tạ Chúa, cảm ơn bác…”.
36. Người cho phải tôn trọng quyền sử dụng của người nhận. Nếu người nhận đem chia sẻ cho người khác, thì người cho vẫn vui vẻ, vì người cho không được bắt người nhận sống ích kỷ.
__________  __________

BÀI 5 : LỊCH SỰ KHI MƯỢN ĐỒ – TRẢ ĐỒ
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó. (Mt 7,12).
37. Khi có ai ngỏ ý muốn mượn đồ dùng gì của em, nhất là trong lúc cần kíp, em hãy sẵn lòng cho mượn.
38. Có những món đồ quý hiếm, đắt tiền em không nên mượn, vì có thể làm cho gia chủ khó cư xử, không vui lòng; vì cho mượn thì có thể hư hoại không kiếm ra cái mới, mà không cho mượn thì mang tiếng keo kiệt.
39. Khi mượn cái gì của ai, thì em phải gìn giữ cẩn thận hơn cả đồ dùng của chính mình và phải trả đúng thời hạn đã nói trước. Để tránh quên sót hoặc trễ hẹn, em nên viết vào tờ giấy tên người cho mượn, số điện thoại, ngày trả và gởi lại cho chủ.
40. Tuyệt đối không mượn những đồ dùng mang tính riêng biệt để dùng chung như: khăn mặt, bàn chải đánh răng, điện thoại cá nhân…
41. Không bao giờ được đoán ý người sẵn sàng cho mình mượn đồ, rồi tự ý lấy mà không hỏi chủ trước.
42. Mượn đồ của ai, nếu khi trả không còn nguyên vẹn như lúc mượn, thì em phải nói với người cho mượn và xin bồi thường.
43. Khi mượn xe người khác, lúc trả phải đổ xăng đầy bình hay nếu có hư hoại gì phải thay mới và báo lại cho chủ xe.
__________  __________

BÀI 6 : LỊCH SỰ KHI SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI VÀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
“Anh em hãy đi khắp thế gian và loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. (Mc 16,15).
44. Khi điện thoại reo, em nhấc máy lên và nói: “Alô, tôi là A xin nghe”.
45. Nếu gọi điện thoại cho ai, em nên hỏi: “Xin lỗi, đây có phải là nhà ông (bà) A không ạ? Xin cho tôi được gặp ông (bà) A… tôi là B ở Đồng Nai”.
46. Trong trường hợp nghe đầu dây bên kia bảo ta lầm số, thì em xin lỗi và đọc lại số điện thoại em đã gọi tới, để người nghe biết là ta gọi đúng hay lầm! Đợi trả lời, rồi nói: “xin cảm ơn”.
47. Khi nhấc điện thoại lên nghe, nếu biết rõ người muốn nói chuyện với mình, thì chào người đó ngay.
48. Nếu người gọi đến không gặp đối tượng họ cần, thì em xin họ để lại lời nhắn, hay số điện thoại.
49. Khi gọi điện thoại, em cố gắng nói ngắn gọn. Tránh “nấu cháo” điện thoại. Cuối câu chuyện nên nói lời kết thúc: “xin chào”.
50. Không sử dụng điện thoại trong giờ tham Thánh Lễ vì hai lý do:
Thứ nhất: Tiếp chuyện với Chúa là quan trọng nhất.
Thứ hai: Có thể gây chia trí cho những người khác.
Nếu có cuộc gọi đến, ta để lễ xong sẽ liên lạc lại.
51. Khi sử dụng điện thoại ở những nơi công cộng cần sự tập trung như lớp học, các buổi họp cần chuyển sang chế độ rung.
52. Nếu đang dùng bữa mà có điện thoại ta xin phép để ra ngoài nghe, tránh nói cười to tiếng khi sử dụng điện thoại ở những nơi công cộng.
53. Nếu đang dùng điện thoại mà cuộc nói chuyện bị ngắt, hoặc khi em thấy có cuộc gọi nhỡ thì em nên gọi lại cho họ, và nói rõ lý do.
54. Khi gọi điện thoại nói với người trên, em nên khiêm tốn nói, ví dụ: thưa cha sở…, con xin làm phiền cha một chút được không ạ? Bạn nên nhớ rằng cách tiếp xúc của bạn phải tỏa ra “hương thơm của Đức Kitô” (2 Cr 2,15).
55. Trừ trường hợp cấp bách hoặc có hẹn trước, không nên gọi điện đến nhà riêng vào các giờ nghỉ ngơi, giờ cơm.
56. Nếu muốn đăng hình ảnh và chuyện đời tư người khác trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter… thì em phải hỏi ý kiến và xin phép người ấy. Nếu muốn đăng hình của mình em cũng cân nhắc kỹ có nên hay không. Không nên đăng những hình quá riêng tư.
57. Không dùng các lời phê bình chỉ trích thô tục trên mạng xã hội như facebook, twitter… để nhận xét và phê bình người khác; làm như thế vừa không lịch sự, vừa lỗi đức bác ái.
58. Nếu muốn góp ý ai cách chân thành, thì em gặp trực tiếp hoặc gửi tin nhắn riêng kèm theo tên và địa chỉ của mình, không sử dụng thư hoặc tin nhắn nặc danh.
59. Khi nhận được thư điện tử (email) hay tin nhắn (message) của ai, ta cần hồi âm để người gửi biết là ta đã nhận được.
__________  __________

BÀI 7 : LỊCH SỰ TRONG CỬ CHỈ VÀ Y PHỤC
Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do (Gc 2,12).
60. Những cử chỉ cần tế nhị:
+ Khạc nhổ: mọi nơi mọi lúc, không được khạc nhổ xuống đất. Khi có nhu cầu, thì khạc nhổ vào khăn tay và làm cách nhẹ nhàng, kín đáo.
+ Hắt hơi, ho, hỉ mũi: phải dùng khăn tay và nhẹ nhàng.
+ Ngáp: khi ngáp, ợ, phải dùng tay che miệng.
+ Gãi, ngoáy tai/mũi, cắn móng tay,… phải tránh làm những cử chỉ này nơi công cộng trước mặt người khác.
+ Xỉa răng: người lịch sự chỉ xỉa răng lúc ngồi bàn ăn, không xỉa răng khi đi đường hoặc lúc nói chuyện với người khác. Không ngậm tăm trong miệng sau khi rời bàn ăn.

ĐẦU TÓC VÀ ÁO QUẦN
61. Người lịch sự phải biết giữ cơ thể vệ sinh, sạch sẽ. Ra đường phố, đến trường học hay những nơi công cộng, phải lưu ý tới y phục của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh; cũng cần mang theo khăn tay và sử dụng khăn cho lịch sự.
62. Đầu tóc cần phải chải chuốt cho gọn gàng. Bàn tay, ngón tay phải giữ cho sạch sẽ. Sau giờ làm việc, sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn phải rửa cho sạch.
63. Khi tham dự Thánh Lễ hay đến các nơi thờ phượng, trang phục phải xứng đáng không mặc quần áo ngắn hoặc hở hang.
64. Áo quần phải đứng đắn, trang nhã, không nên lòe loẹt, diêm dúa. Cúc áo, khóa quần phải cài cẩn thận. Những người chưa quen biết, họ sẽ đánh giá ta qua vẻ bên ngoài và kiểu cách ăn mặc.
65. Ta không nên vội bắt chước lối ăn mặc quá cầu kỳ, hay quá mới của một số nghệ sĩ. Lý do giản dị là vì ta không phải là nghệ sĩ. Nghệ sĩ nổi danh không phải vì kiểu cách ăn mặc, nhưng vì tài nghệ. Em không có tài như họ mà đã vội vã bắt chước cách ăn mặc của họ, thì sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.
66. Khi đi đường ta không chỉ chỏ vào người khác rồi phá lên cười hô hố, hoặc nhìn chằm chằm ai đó rồi thì thầm với nhau.
__________  __________

BÀI 8 : LỊCH SỰ TRONG CÁCH CHÀO HỎI
Bà Maria vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,40).
67. Chào hỏi là biểu lộ sự thân thiện, quen biết, đồng thời là một phương tiện đặc biệt để gây thiện cảm. Người dưới gặp người trên mà không chào hỏi sẽ là kẻ thiếu lễ độ. Còn người trên không biết đáp lại lời chào của người dưới sẽ bị mang tiếng là kẻ hách dịch, khinh người.
68. Đối với bất cứ người quen biết nào, em có thể cúi đầu chào họ. Gặp người trên, em cúi đầu, hai tay xuôi theo người. Gặp người ngang hàng, em chỉ cần cúi đầu hay vẫy tay chào.
69. Khi chào hỏi người trên, nếu đang đội nón hay mũ, em phải cất nón, mũ ra. Trường hợp miệng đang ngậm thuốc lá, thì cũng phải bỏ thuốc lá. Trong lúc cúi đầu chào, em nói: con chào cha, cháu chào ông, cháu chào bà, cháu chào bác ạ, em chào thầy ạ… gặp người em biết rõ chức vị của họ, em có thể nói chức vị của họ ra. Thí dụ: chào giám đốc, chào bác sĩ…

BẮT TAY
70. Gặp người trên, em không được tự tiện đưa tay ra trước, mà phải chờ người trên đưa tay ra trước, em mới được phép bắt tay họ. Gặp người ngang hàng, hoặc người dưới, em có thể chào bằng cách bắt tay họ.
71. Phải đưa tay phải ra bắt lấy tay mặt của người ta. Đã bắt tay, em phải nhìn vào họ và bắt với tất cả sự niềm nở, thân mật, đừng bắt gượng gạo, quá mềm nhũn, nhưng cũng đừng xiết tay họ chặt quá, hoặc lắc tay họ hai ba cái, như kiểu thử sức họ.
72. Trong trường hợp tay đang dơ, ướt hoặc đang mang bao tay, mà gặp người đưa tay ra bắt, em nên lịch sự từ chối một cách khéo léo: xin lỗi ông, tay tôi đang dơ… nếu chỉ mang bao tay vì thời tiết quá lạnh, em có thể để bao tay mà bắt.
73. Đang đi với người trên mà gặp người ngang hàng, để người trên khỏi phải chờ đợi, em chỉ cần cúi đầu chào hoặc bắt tay qua. Nếu cần nói chuyện lâu, em phải xin lỗi người trên và giới thiệu người dưới với người trên để hai người chào hỏi nhau.
74. Đang ngồi nói chuyện với nhau, mà gặp người trên tới, em phải đứng dậy, cúi đầu chào.
75. Đang ngồi trong lớp, thấy thầy giáo hay người trên vào, để biểu lộ sự kính trọng và chào hỏi, toàn thể học sinh trong lớp đó phải đứng dậy, hai tay để xuôi. Trong lớp, muốn hỏi thầy cô điều gì, phải giơ tay lên ra hiệu cho thầy cô.
__________  __________

BÀI 9 : LỊCH SỰ KHI TIẾP KHÁCH VÀ KHI TA LÀ KHÁCH
+ Ông Ápraham ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các Ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. (St 18,2-4).
+ Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. (Ep 6,7).
76. Khi có khách đến nhà, ta đứng lên khoanh tay chào lễ phép: “cháu chào ông, cháu chào bác, con chào cha…”.
77. Khi có khách đến nhà, cần phải giữ chó lại, dù chó có hiền lành nhưng cũng không cho đến gần khách, kẻo làm khách sợ.
78. Khi khách đến nhà thì kéo ghế mời khách ngồi và rót nước mời khách uống. Khi rót nước em rót ¾ ly.
79. Khi người trên nói chuyện với khách, em không được ngồi hóng chuyện hay nghe lỏm trừ khi khách muốn thế.
80. Khi đến nhà ai chơi, em nhớ ấn chuông hay gõ cửa nhẹ, đợi chủ nhà mời em mới bước vào. Sau khi bấm chuông hoặc gõ cửa khoảng 2 phút sau nếu không thấy chủ nhà ra em mới bấm hoặc gõ cửa lại.
81. Khi đến nhà ai chơi, không tự ý lục lọi đồ đạc, không tự ý đến những nơi trong nhà khi chủ nhà không mời.
82. Khi chủ tới, em nên đứng dậy chào hỏi và khi chủ ngồi xuống, em mới được ngồi. Khi đến nhà ai chơi, ta không tự ý hái hoa quả hay xin cái này, món đồ kia.
83. Nếu nghỉ nhà người ta lâu, trước khi rời khỏi phòng phải dọn dẹp sạch sẽ.
84. Đến nhà ai nói chuyện, thấy người ta nhìn đồng hồ thì biết họ đang có chuyện cần phải làm gấp nên xin phép ra về.
__________  __________

BÀI 10 : LỊCH SỰ TRONG GIÁO XỨ VÀ KHU XÓM
Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà thần khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. (Ep 4,2-3).
85. Nhà thờ là nhà Chúa, em không ăn uống, nô giỡn trong nhà thờ và xả rác bừa bãi nơi khuôn viên nhà thờ.
86. Vào nhà thờ phải đi chậm rãi, cung kính; khi đi qua Thánh Thể Chúa phải quỳ lạy hay cúi mình, còn đối với ảnh tưởng chỉ cúi đầu để tỏ lòng tôn kính.
87. Khi có Thánh Thể Chúa được rước qua vị trí em đang hiện diện, em phải giữ thinh lặng và đứng lên, cúi đầu tỏ lòng tôn kính.
88. Không nói chuyện trong các giờ phụng tự, nếu có chuyện cần kíp phải trao đổi thì nói nhỏ, khi cần giải thích lâu giờ thì ra ngoài.
89. Không rồ máy xe lớn tiếng, không chạy quá tốc độ nơi nhà thờ và khu xóm. Phải tắt máy xe, dắt bộ khi cộng đoàn đang cử hành Thánh Lễ hoặc cầu nguyện chung trong thánh đường.
90. Tôn trọng hoa cỏ, cảnh vật, cây xanh của nhà thờ. Không ngắt hoa, bẻ cây hay xả rác nơi nhà thờ và trong khu xóm. Thấy rác thì nhặt bỏ vào thùng rác.
91. Phải giữ vệ sinh chung trong khu xóm, nơi công cộng. Không viết vẽ, hoặc khắc dấu lên bàn ghế, lên tường, hay khạc nhổ bừa bãi ở nơi nhà thờ và nơi công cộng.
92. Cười nói sao cho vừa phải, tạo bầu khí vui tươi chứ không lố lăng, ồn ào…
93. Các đồ đạc chung, nếu muốn mượn thì phải hỏi người có trách nhiệm. Nếu làm mất hay hư hoại thì phải bồi thường.
94. Sử dụng đồ dùng chung ở đâu, khi xong phải đặt về chỗ cũ để thuận tiện cho người sau sử dụng.
95. Không để súc vật nhà mình được tự do phóng uế khắp nơi, hay phá hoại cây cối trong khu vực nhà thờ hay khu xóm.
96. Phải biết tôn trọng không gian và thời gian riêng tư của người khác. Không mở nhạc, tivi hay hát karaoke lớn tiếng, nhất là giờ nghỉ trưa hay lúc đêm khuya như bắt người khác phải nghe.
97. Không vất rác, đổ nước dơ ra đường, xuống cống rãnh hay nhà bên cạnh.
98. Không vất xác thú vật chết ra đường hoặc xuống ao hồ, cống rãnh vì sẽ gây ô nhiễm, nguy hại cho sức khỏe của mình và người khác. Nếu có xác thú vật chết thì phải chôn cẩn thận xa nơi ở.
99. Đi đường thấy cái gì nguy hiểm cho người khác em cần dọn đi. Ví dụ thấy cái đinh dựng lên giữa đường, em nhặt lấy; thấy hòn đá chặn ngang đường, em dọn đi ngay.
__________  __________

BÀI 11 : LỊCH SỰ TRONG CÁCH GIỚI THIỆU
Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philipphê, người Bếtxaiđa, miền Galile, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”. Ông Philipphê đi nói với ông Anrê. Ông Anrê cùng với ông Philipphê đến thưa với Đức Giêsu. (Ga 12,20-22).
100. Tại gia đình – theo sự lễ độ, khi em dẫn một người bạn vào nhà, em phải đưa người đó tới chào ba má. Đồng thời, khi đến nhà một người bạn, em nhớ nhắc người bạn dẫn em tới chào ba má của người bạn.
101. Trong bữa ăn – những dịp đặc biệt, em mời ba bốn người đến tham dự bữa cơm thân mật, nếu họ chưa biết nhau, thì em giới thiệu tên và chức vị của mỗi người để tiện cho việc xưng hô và trò chuyện.
102. Giới thiệu người dưới với người trên trước – thí dụ: em dẫn người bạn đến thăm thầy giáo, hai người chào thầy xong, em nói: Thưa thầy, đây là anh T…, bạn con đang học lớp 9 trường Ngô Quyền. Hoặc em đang đi đường với ba má, gặp một chị bạn cùng lớp, sau khi chào nhau, em giới thiệu chị bạn với ba má: thưa ba má, đây là chị H… học cùng lớp với con. Nói thế, tức là chị H đã biết người đi chung với em là ai rồi. Như vậy, thường chỉ giới thiệu người dưới với người trên là đủ.
103. Nơi công cộng – khi em đang đi với anh chị mà gặp thầy dạy, em muốn đứng lại nói chuyện, trước hết cần giới thiệu anh chị của em cho thầy giáo: Thưa thầy, đây là anh chị con. Rồi giới thiệu thầy lại cho anh chị: Đây là thầy A, dạy văn ở trường em.
104. Khi được giới thiệu – hai người cúi đầu chào nhau, hoặc có thể bắt tay nhau và nói: “hân hạnh được biết…”. Nếu là người trên và người dưới, thì người trên đưa tay ra và người dưới mới được bắt. Không cần giới thiệu hai người đã quen nhau. Trong trường hợp này, em chỉ cần nói: chắc hai anh chị đã quen nhau.
105. Cách giới thiệu chức danh – em giới thiệu tên người đó trước và danh vị họ sau. Thí dụ: xin giới thiệu ông Nguyễn Văn A, giáo viên Anh văn. Trong một buổi lễ, đối với một vị khách đặc biệt, chỉ cần giới thiệu danh vị cho mọi người tham dự. Thí dụ: xin giới thiệu, Cha quản hạt X.
__________  __________

BÀI 12 : LỊCH SỰ NƠI CÔNG CỘNG: BỆNH VIỆN – RẠP HÁT – NHÀ HÀNG – SIÊU THỊ
Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,16).
106. Khi ra đường, em phải lưu ý áo quần cho sạch sẽ, đầu tóc phải chải cho gọn ghẽ.
107. Thận trọng giữ luật đi đường, để tránh những tai nạn cho mình cũng như cho người khác.
108. Tại các công sở, thường có nhân viên giữ cổng hoặc có người hướng dẫn, chúng ta hãy hỏi người giữ cổng hay nhân viên tiếp tân tại bàn hướng dẫn.
109. Khi chờ đợi tại nơi công cộng, cần phải xếp hàng theo thứ tự, ai đến trước có quyền đứng trước. Không có gì bất lịch sự cho bằng sự chen lấn, tranh quyền ưu tiên của người đến trước. Tuy nhiên nếu thuận tiện, nên ưu tiên nhường các chỗ cho người già, người bệnh, trẻ em hoặc phụ nữ có con nhỏ.
110. Khi chạy xe ngang khu vực bệnh viện, không nhấn còi inh ỏi, hoặc để động cơ xe gầm rú gây ồn ào náo động, mất đi bầu khí yên tĩnh của các bệnh nhân đang đau đớn bệnh tật…
111. Khi tới bệnh viện, cần tuân thủ nội quy tại đây; tránh trò chuyện, cười nói lớn tiếng…
112. Khi thăm hỏi người bệnh, nên dùng những lời cầu chúc tốt đẹp, động viên họ lạc quan tin tưởng khi chữa trị. Tránh những lời nói như: nước da của chị xấu lắm rồi! Hoặc: trước đây có người phát bệnh này chỉ 2 tháng sau là chết… .
113. Khi đi mua sắm cũng phải có thái độ tôn trọng người bán hàng. Nếu không mua hàng mà chỉ xem qua cho biết, cần nói rõ ngay cho người bán hàng biết điều đó và tránh làm phiền quá nhiều.
114. Khi ngồi trên xe hay nơi công cộng, tránh không liếc mắt nhìn điện thoại hay đọc trộm sách của người khác; nếu muốn đọc có thể lịch sự hỏi mượn.
115. Khi thấy tai nạn, cuộc cãi vả hay ẩu đả, biết không thể giúp họ được gì thì em đừng hiếu kỳ xúm lại xem.
116. Trong lúc đi đường hoặc ở nơi công cộng, nên tránh những lời thì thầm, chỉ chỏ vào người khác rồi phá lên cười.
117. Không đứng ngoài cửa nhìn vào nhà người khác, tránh những cử chỉ gây lộn, cãi cọ, ồn ào ở nơi công cộng.
118. Gặp một đám tang, người lịch sự biết mở mũ nón, hoặc cúi chào khi qua linh cữu để biểu lộ cử chỉ tiễn biệt một người về nơi an nghỉ cuối cùng.
119. Đi vệ sinh phải dội nước thật sạch trước khi ra.
120. Khi ăn uống ở nơi công cộng, tuyệt đối tránh xả rác bừa bãi, không được vứt rác trên bãi cỏ, xuống sàn nhà, xuống hồ hay nhét vô hộc bàn.
__________  __________

BÀI 13 : LỊCH SỰ TRONG GIAO TẾ
Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. (1 Tm 4,12).
121. Hai người đang nói chuyện với nhau, mà em có chuyện cần muốn gặp một trong hai người đó, em phải xin phép người kia.
122. Nên gọi chính tên của mỗi người, không dùng biệt danh để gọi họ. Ví dụ: H khùng, T què…
123. Khi muốn thưa chuyện với người trên thì em nên gọi chức vụ của họ. Ví dụ: Thưa cha xứ, thưa cha phó, thưa ông chủ tịch, thưa bác sĩ…
124. Nói với người trên bao giờ cũng tỏ ra tôn kính, như: dạ, vâng, thưa không, thưa biết; chứ đừng nói trống: hả, ừ, biết, không, muốn… hoặc chỉ lắc, gật đầu!
125. Khi ngồi trên xe buýt,… em thấy có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật, em nên nhường chỗ ngay.
126. Khi thấy có người già, trẻ em cần qua đường, em hãy sẵn sàng giúp họ.
127. Không nên đùa giỡn chọc ghẹo người khác bằng những lời lẽ mang nội dung hạ phẩm giá của họ. Ví dụ: “Chị quá khổ người thế này, sống chi cho chật đất!”, hoặc “chị xấu thế này sao lấy chồng được!”…
128. Không ưa ai, em cũng không được gọi họ là thằng, nó, con mẹ đó… trái lại, luôn lịch sự dựa trên địa vị, tuổi tác người đó mà nói. Cụ thể: ông cụ X, chị Z, bà A…
129. Cũng không đối thoại với ai bằng cách xưng hô mày tao, mà nên thân mật gọi nhau bằng anh, chị, em hoặc gọi tên nhau.
130. Muốn bắt tay ai, người dưới phải đợi người trên đưa tay ra trước.
131. Khi nói chuyện với ai, em phải nhìn vào mặt người đang nói.
132. Phải tôn trọng nhau trước tập thể, dù em quá quen thân với họ, nếu người ấy có chức vụ, em phải tỏ ra tôn kính, chứ đừng tỏ cử chỉ suồng sã, kiểu cá mè một lứa.
__________  __________

BÀI 14 : LỊCH SỰ KHI TA GIÚP NGƯỜI – NGƯỜI GIÚP TA
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1 Cr 13,4-6).
133. Sống ở đời ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác, có những sự giúp đỡ âm thầm kín đáo, có những giúp đỡ trực tiếp công khai.
134. Khi có người khác nhờ ta giúp đỡ, em quảng đại và vui vẻ nhận lời. Nếu không thể giúp được vì có hẹn hay có việc đã định trước thì nên nói cho họ biết lý do.
135. Khi đã nhận lời giúp ai thì ta phải hoàn thành, nếu có việc quan trọng không thể tiếp tục giúp được thì phải báo lại cho người mình hứa giúp.
136. Khi giúp đỡ người khác, em không đi kể lể rêu rao cho mọi người biết, vì khi làm phúc đừng cho tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6,3).
137. Khi ta nhờ ai làm việc gì, ta nên tạo điều kiện cho họ làm việc tốt. Cụ thể:
+ Bênh vực họ khi bị kẻ khác cản phá.
+ Đưa tiền trước cho họ, để họ có phương tiện làm việc.
+ Cần bồi dưỡng với lòng biết ơn người đã giúp mình.
138. Thỉnh thoảng nên ân cần thăm hỏi xem họ có gặp khó khăn gì khi làm công việc em nhờ họ giúp.
139. Khi em là người được giao đi mua sắm, nên viết giấy liệt kê các món đồ đã mua, cùng giá tiền mua mỗi món cho chủ. Nếu chủ đưa dư tiền thì phải trả lại ngay.
140. Đã tín nhiệm nhờ ai mua đồ giúp ta, khi họ đã mua về, đừng than mua đắt hoặc chê đồ dzỏm! Nếu em biết thực sự là mua đắt, vật mua không vừa ý, thì im lặng, lần sau không nhờ người đó nữa.
141. Khi người khác đã giúp em hoàn thành công việc, em phải cảm ơn họ và nếu có tốn phí phải trả theo lẽ công bằng.
__________  __________

BÀI 15 : LỊCH SỰ TRONG VIỆC TANG CHẾ – CƯỚI HỎI
Vui với người vui, khóc với người khóc. (Rm 12,15).
142. Khi đến thăm người quá cố, em không được đùa giỡn, nên nói nhỏ nhẹ vừa nghe.
143. Khi cầu nguyện bên linh cữu, thấy có những người khác đang chờ đợi thì cần ngắn gọn, không dài dòng, lê thê.
144. Không lấy lý do canh xác người quá cố để chơi cờ bạc hay ăn nhậu.
145. Khi quan tài còn ở nhà, không kèn trống, hát xướng mãi tới khuya làm hàng xóm mất ngủ.
146. Không nên gào khóc lớn tiếng, kể lể dài dòng, có khi người nghe hiểu lầm là mượn tiếng khóc để chửi xéo họ.
147. Không nên đề bảng “miễn phúng điếu”, vì đức ái là phải biết nhận và biết cho (x. Ga 13,6t).
148. Tạo điều kiện cho người quá cố có quà tặng. Cụ thể thay vì phúng vòng hoa, em dùng tiền để nhà hiếu có điều kiện chia sẻ. Thí dụ: gởi cha sở thưởng cho em nào học giáo lý giỏi, hoặc chia cho người túng thiếu. Nếu em bắt chước thói đời chỉ phúng vòng hoa, thì không tạo điều kiện cho người quá cố trả lời Chúa khi tới cửa trời, Ngài sẽ hỏi: “sống trên đời, ngươi có chia sẻ không?” (x. Mt 25,31-46).
149. Phúng vòng hoa sinh nhiều bất lợi:
+ Tốn kém, làm phiền nhà hiếu mỗi khi dịch chuyển, không có nơi đặt…
+ Người nghèo nhìn thấy xót xa phận mình.
+ Khác với lương dân, khi đưa quan tài ra nghĩa trang, họ còn rải quà dọc đường cho ma đói ăn; người Công Giáo cũng nên tiết kiệm để chia cho người đói ăn, người có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp này.
150. Khi đến nhà hiếu thăm viếng người quá cố và cầu nguyện cho họ, em phải bỏ hẳn kiểu nói của nhiều người không có đức tin. Thí dụ: không được nói: “nhà héo”, mà phải nói “nhà hiếu”; không nói: “đây là một mất mát vô cùng to lớn, không gì bù đắp lại được!”. Nếu nói như thế là nghịch đức tin Kitô Giáo, vì giáo lý Công Giáo dạy: chết là “sinh thì”, nghĩa là thời gian sống, nhất là được Chúa đưa về thiên đàng sống hạnh phúc với Chúa và các thánh.
151. Khi đi dự tiệc cưới, tiệc mừng nên đúng giờ kẻo bắt người khác phải chờ.
152. Khi dự tiệc cưới tránh mặc toàn đồ đen hay những đồ “rách rưới”, hoặc thời trang “bãi biển”.
153. Dự tiệc cưới không ăn nhậu quá đà say xỉn không kiểm soát được lời nói và hành động. Cũng không ngồi nhậu lâu giờ bắt người khác chờ đợi.

Read 3752 times Last modified on Thứ ba, 24 Tháng 1 2017 14:29