Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 12 Tháng 8 2019 07:00

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (12/8) tới CN XX-TN Năm C (18/8)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (12/8) tới CN XX-TN Năm C (18/8)


Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Mt 17:22-27 (Thứ 2, XIX-TN)

(22) Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Ðức Giêsu nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, (23) họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy". Các môn đệ buồn phiền lắm. (24) Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" (25) Ông đáp: "Có chứ!" Ông về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi đón ông: "Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu thuế? Con cái mình hay người ngoài?" (26) Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài". Ðức Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. (27) Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện ngược đời về việc Đức Giê-su phải nộp thuế Đền Thờ và một phép lạ nhỏ ít được chú ý.

Người Do Thái có lẽ muốn bắt bẻ thầy trò Đức Giê-su về việc trốn thuế, nên hỏi ông Phê-rô rằng "Thầy các ông không nộp thuế sao?". Điều nghịch lý ở đây là, Đền Thờ là Nhà Cha của Đức Giê-su, nên Đức Giê-su không cần nộp thuế vì Người là Con Thiên Chúa. Dẫu biết là thế, nhưng vì nhiều người Do Thái không tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhiều người chưa nhận biết chân lý này, nên Đức Giê-su vẫn đón nhận sự giới hạn vốn dĩ của con người. Có thể nói Đức Giê-su hoàn toàn dìm mình vào trong dòng sông của nhân loại, để giúp dòng sông được trong sạch.

Hơn nữa, nếu đọc đoạn Tin Mừng hôm nay và chú ý hai câu đầu tiên, chúng ta sẽ nhận thấy một điều nghịch lý và đau buồn khác, đó là lời tiên báo về cái chết của Đức Giê-su và các môn đệ của Người đau buồn khi nghe những lời ấy. Một người sẵn sàng chết để chuộc tội cho nhân loại, vậy mà nhân loại lại bắt người ấy đóng thuế nộp sưu. Đúng ra, sự đau buồn này phải đến từ con tim của Đức Giê-su chứ không phải của các học trò.

Một chi tiết khác ít được chú ý, đó là phép lạ Đức Giê-su làm để có tiền nộp thuế Đền Thờ. Đức Giê-su bảo Phê-rô đi câu cá, và cá dính câu sẽ ngậm trong miệng đồng tiền bốn quan (một quan tiền bằng một ngày lương (x. Mt 20:9), theo luật Do Thái một người đàn ông hai mươi tuổi trở lên mỗi năm phải nộp thuế bảo dưỡng Đền Thờ hai quan tiền (x. Xh 30:13)). Nếu đây là một phép lạ thực sự, các môn đệ của Thầy Giê-su sẽ bàn tán và ghi tạc, thế nhưng, chúng ta chỉ nghe tác giả TM viết lại khá vắn gọn và kết thúc ngay câu chuyện nộp thuế. Vì vậy, rất có thể đây là lối viết văn hoa mỹ của người Do Thái, đặc biệt chỉ có tác giả Tin Mừng Mát-thêu ghi lại biến cố này, nghĩa là, ông Phê-rô đi câu cá hoặc đánh bắt cá, sau đó ông bán số cá bắt được, lấy tiền nộp thuế.

Với những gợi ý trên, khi cầu nguyện với đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn có thể suy nghĩ về những điều nghịch lý đã và đang diễn ra trong đời bạn và nhìn xem bạn đã đón nhận nó với thái độ ra sao? Có những điều nghịch lý, "oái ăm"... xảy đến khiến bạn than trách Chúa và khó đón nhận nó với tinh thần tự hủy như Chúa Giê-su.

Bạn hãy tâm sự với Thầy Giê-su, mẫu gương "hiền lành và khiêm nhường", "nhịn nhục và hy sinh", "hòa đồng chứ không hòa tan" vào dòng người tội lỗi và vô ơn với Thiên Chúa, để xin Người giúp bạn học với Người để sống một đời sống đẹp lòng Thiên Chúa và vui lòng người xung quanh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Tâm sự với Chúa:

Lạy Chúa Giê-su,
Được ở lại với Chúa trong những giây phút vừa qua,
Tâm hồn chúng con cảm thấy được an ủi
vì những nghịch lý Chúa phải chịu là nguồn động lực
giúp chúng con vượt qua những nghịch lý trong đời sứ mạng của chúng con.

Chúng con,
tuy chưa phải là những môn đệ đích thực của Chúa như lòng Chúa mong muốn,
nhưng đã và đang tập tành lao tác
trên cánh đồng của Chúa với những giới hạn của bản thân.

Chúng con nhận thấy
cánh đồng chúng con đang đi, đang làm việc là của Chúa,
chúng con là những người đang học làm thợ gặt trên cánh đồng này,
nhưng chúng con không hoàn toàn được tự do làm việc.
Đó là điều nghịch lý trong đời sứ vụ của chúng con.
Chúng con phải đối diện với những kẻ cướp,
tự nhận cánh đồng là của họ và không cho phép ai được lui tới cánh đồng ấy.

Chúng con luôn phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng
chịu bắt bớ, xua đuổi, hù dọa, cản trở, thậm chí có thể bị đánh đập...

Bài học chúng con lãnh hội được từ Chúa
là tinh thần "dĩ hòa vi quý" trước những nghịch lý chúng con phải đối diện,
như Chúa đã từng thốt ra từ miệng lời kêu xin cùng Chúa Cha
rằng "xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm".

Tinh thần này của Chúa
có thể giúp chúng con vượt thắng những nghịch lý nào đó,
chứ không phải là tất cả.
Bởi lẽ, có những nghịch lý khác nữa
không phải đến từ những kẻ chống đối Chúa vì không tin Chúa,
nhưng đến từ những người con cái trong Nhà Chúa,
những người anh chị em đồng đạo của chúng con.
Chúng con phục vụ và tìm kiếm vinh quang cho Chúa,
nhưng họ lại tìm cách chống đối và làm chúng con khổ sở.

Đối với những kẻ xa lạ cố tình chống đối chúng con,
chúng con cảm thấy dễ đón nhận;
Còn đối với những người quen biết, chúng con cảm thấy buồn phiền lắm!
Tuy nhiên, chúng con cũng nhận ra
rằng những nghịch lý oái oăm này
là phương tiện giúp chúng con rèn luyện nhân đức
để sống xứng đáng hơn trong ơn gọi làm môn đệ của Chúa
như kinh nghiệm của Thánh Phao-lô,
vị thầy đáng kính của chúng con trong đời sống lao tác trên cánh đồng của Chúa,
rằng "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người" (Rm 8:28).

Vâng, chúng con cần ý thức chúng con đang làm việc của Chúa,
làm việc cho Chúa,
làm việc vì lòng mến Chúa và tình yêu dành cho các linh hồn;
khi đó, mọi nghịch lý đều trở thành phương tiện giúp chúng con được gần Chúa hơn.
Vâng, chúng con cũng thực sự cần ơn Chúa,
và phần chúng con, những người thợ non nớt của Chúa,
cũng cần đoàn kết, hiệp thông, liên đới... với nhau
để giúp nhau vượt qua những điều nghịch lý này.

Chúng con xin Chúa giúp chúng con
biết khôn ngoan đương đầu với
những nghịch lý diễn ra trong đời sống và sứ vụ của chúng con,
để mọi sự đều được đẹp lòng Chúa và vui lòng mọi người,
để chúng con được bảo toàn sinh mạng và sứ mạng Chúa trao phó,
nhờ đó tiếp tục lao tác và biến điều nghịch lý thành phương tiện
giúp chúng con làm chứng cho Tin Mừng cách sống động hơn. Amen.

II.Tin Mừng Mt 18:1-5.10.12-14 (Thứ 3, XIX-TN)

(1) Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" (2) Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông (3) và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? (13) và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. (14) Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất."


Bạn thân mến,

Hôm nay, bạn có thể đọc một câu duy nhất và là câu đầu tiên (Mt 18:1) trong đoạn Tin Mừng Mt 18:1-5.10.12-14 để cầu nguyện "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" (Mt 18:1) và tự trả lời cho câu hỏi của các môn đệ Thầy Giê-su đặt ra cho Người. Nếu bạn không thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, bạn hãy tiếp tục đọc những câu sau của đoạn Lời Chúa hôm nay.

Đầu tiên, Chúa Giê-su ví người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa tựa như một em nhỏ: "Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18:3). Nói đúng hơn, người lớn nhất trong Nước Trời phải có đời sống tinh thần như một trẻ nhỏ, nghĩa là ý thức mình yếu đuối, giới hạn, luôn cần đến người lớn, luôn bám chặt lấy Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta có một thái độ khiêm hạ trước Thiên Chúa và những người anh chị em xung quanh mình: "Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời " (Mt 18:5).

Sau đó, Chúa Giê-su ví người bé mọn như một con chiên lạc: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? " (Mt 18:12) và "Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất" (Mt 18:14).

Tóm lại, khiêm tốn là đức tính cao quý và đẹp lòng Thiên Chúa. Với đoạn Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cần duyệt xét lại bản thân xem mình đã đạt được mức độ khiêm tốn như Chúa muốn hay chưa? Làm thế nào để nhận ra điều đó? Đức Giê-su và cuộc sống trần gian của Người có phải là mẫu gương khiêm tốn cao cả nhất của chúng ta? Khi đối diện với một người khiêm tốn, bạn có thái độ ra sao?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 18:15-20 (Thứ 4, XIX-TN)

(15) Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (18) Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. (19) Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".


Bạn thân mến,

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta cách thức sửa lỗi và khuyên giải người khác. Chúa muốn chúng ta sửa lỗi và khuyên giải như thế nào để sinh ích lợi cho linh hồn người khác? Khi cầu nguyện với đoạn Lời Chúa này, chúng ta cố gắng tìm hiểu xem thông điệp Chúa muốn gửi tới chúng ta là gì?

Trước tiên, Chúa Giê-su nói rằng "nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em". Kế đến, Chúa mở thêm nhiều cánh cửa hòa giải khác, nghĩa là, nếu người anh em đó không chịu nghe lời của một mình chúng ta thì hãy kêu thêm hai hoặc ba người nữa để chứng kiến. Sau cùng, nếu nó vẫn không chịu nghe thì đưa sự việc ra Hội Thánh, nơi có cả một cộng đoàn dân Chúa quy tụ với nhau để làm chứng.

Tuy nhiên, có phải ý Chúa chỉ đơn giản thế thôi sao? Chúng ta hãy tiếp tục đọc những câu kế tiếp trong đoạn Lời Chúa hôm nay để tìm hiểu xem ý Chúa muốn thế nào, Chúa dạy chúng ta cách xử lý tình huống dựa trên nền tảng nào?

Chúa nói thế này: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho" (Mt 18:19). Như thế, có phải Chúa muốn chúng ta sửa lỗi và khuyên giải những người anh chị em xúc phạm đến chúng ta dựa trên nền tảng của sự cầu nguyện?

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết đến với Chúa, lắng nghe lời khuyên của Người trước khi đi khuyên người khác. Yếu điểm của chúng ta là dễ dàng phản ứng trước những sai phạm của người khác trong sự nóng giận, kết án người khác trong sự thù hận và ganh ghét. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến mình, các bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Lc 1:39-56 (Lễ Đức Mẹ HXLT, 15/8)

(Thứ NămTuần XIX Thường Niên)

(39) Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (41) Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

(46) Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
(47) thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
(48) Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
(49) Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
(50) Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
(51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
(52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
(53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
(54) Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
(55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
(56) Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây là một trong bốn đặc ân Thiên Chúa dành cho Mẹ được Giáo Hội cẩn trọng và mạnh mẽ tuyên tín. Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là tín điều cuối cùng (1950), sau ba tín điều khác về Đức Mẹ là "Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa" (431), "Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời" (649), "Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" (1854).

Cả bốn tín điều về Đức Mẹ đều xuất phát từ ơn phúc của Thiên Chúa dành cho Mẹ như trong bài đọc Tin Mừng hôm nay: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1:42). Với ơn Chúa, Mẹ có thể làm được những điều Chúa muốn và Chúa cũng thực hiện những điều cao cả nơi con người của Mẹ. Người Con yêu dấu của Mẹ đã lên trời vinh hiển, thì Mẹ cũng phải được như thế, bởi vì Con Mẹ ở đâu thì Mẹ ở đó.

Mẹ hiệp thông trọn vẹn với Con Mẹ trong công trình cứu chuộc được Thiên Chúa trao phó. Ngay khi Con Mẹ chưa chào đời, Mẹ đã lên đường trước. Mẹ lên đường để loan báo Tin Mừng Tình Thương cho bà con của mình (Lc 1:39-56). TM Tình Thương ấy đang được Mẹ ấp ủ trong lòng. Đến nỗi khi Con Mẹ chào đời, Mẹ vẫn không ngừng ra đi với Con Mẹ tới mọi ngõ ngách, dù nơi ấy an bình hay hiểm nguy. Mẹ dẫn Con Mẹ chốn sang Ai Cập để thoát khỏi bàn tay vấy máu của Hê-rô-đê. Mẹ sốt ruột tìm kiếm Con Mẹ khi cậu bé mất tích lúc 12 tuổi. Mẹ cùng Con Mẹ đi dự tiệc cưới Cana. Mẹ theo sát Con Mẹ trên đường rao giảng, để khi nghe tin con trai đang bị chống đối và bị cho là "tâm thần", Mẹ có mặt ngay. Trên đường thập tự, các môn đệ sợ hãi lẩn trốn, còn Mẹ, Mẹ không lìa bỏ nhưng luôn lê bước, dõi nhìn Con với những dòng lệ tuôn tràn trên khuôn mạt dịu hiền của Mẹ. Khi Con Mẹ về trời, Mẹ vẫn giữ trọn lời hứa trên thập giá của Con Mẹ - "Này là con mẹ!" - để Mẹ ở lại với các môn đệ của Con Mẹ cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần với tư cách của một người mẹ trung tín và yêu thương.

Với những công đức cao cả và hồng phúc dư đầy của Mẹ, Mẹ xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng, để cả hồn và xác của Mẹ lên trời hiển vinh. Đó cũng là lời hứa của Thiên Chúa dành cho những ai noi gương Mẹ sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Qua ngày lễ hôm nay và việc cầu nguyện với đoạn Tin Mừng Lc 1:39-56, bạn được đánh động điều gì nhất? Thiên Chúa gửi tới bạn thông điệp gì? Bạn học được nơi Mẹ Maria đức tính gì?

Chúng ta hãy xin Chúa ơn khiêm nhường và lòng mến Chúa yêu người như Mẹ Maria để chúng ta luôn mau mắn thi hành ý Chúa, biết đến với người xung quanh bằng lòng mến và sự khiêm tốn phục vụ, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 19:3-12 (Thứ 6, XIX-TN)

(3) Khi ấy, những người Pharisêu đến gần Ðức Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?" (4) Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ",(5) và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt". (6) Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". (7) Họ thưa với Người: "Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" (8) Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không thế đâu. (9) Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình". (10) Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". (11) Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. (12) Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su đứng trước vấn nạn ly dị của nhân loại. Đây là vấn đề của mọi thời đại. Tuy nhiên, khi cầu nguyện với đoạn TM này, chúng ta có thể nhìn nó dưới một chiều kích khác.

Người ta đặt vấn đề về việc có được phép ly dị hay không? Quan điểm của Đức Giê-su rất rõ ràng, đó là "sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19:6). Kế đến, Đức Giê-su nói về đời sống độc thân như để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa hai bậc sống điển hình của người Ki-tô hữu.

Có ba loại độc thân: loại bất lực, loại hoạn quan, loại dâng hiến. Độc thân dâng hiến là loại độc thân của sự chọn lựa chủ động và có ý nghĩa nhất vì nó diễn tả một sự từ bỏ và hy sinh, hiến thân cho Nước Trời, xả thân phục vụ nhân loại với tình yêu đặc biệt dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Độc thân dâng hiến là một ơn gọi cao quý đến từ Thiên Chúa và nhờ ơn Thiên Chúa cũng như sự hợp tác của con người trong tinh thần quảng đại và tín thác. Với câu nói "sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19:6), chúng ta có thể nhận thấy rằng ơn gọi dâng hiến cũng tựa như ơn gọi hôn nhân gia đình, đó là một sự kết hợp khắng khít của con người với Thiên Chúa, một mối giao hòa yêu thương giữa Thiên Chúa và những người thành tâm thiện chí. Ơn gọi này được sống và thăng tiến, trung thành và dấn thân trọn vẹn là nhờ sự gìn giữ của Thiên Chúa, vì "sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Thiên Chúa ban đủ ơn sủng của Người cho những ai sẵn sàng sống độc thân vì Nước Trời. Đây quả thực là niềm an ủi và sự khích lệ lớn lao cho những ai muốn sống ơn gọi này.

Bạn thân mến, bạn có đang do dự sống đời dâng hiến? Đâu là nỗi trắc trở của bạn trước sự chọn lựa đời sống này: gia đình, cha mẹ, anh chị em, người yêu, sự khổ cực, lòng vâng phục, đời sống khiết tịnh và tinh thần nghèo khó, v.v.? Bạn có đủ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho bạn khi chọn lựa sống độc thân vì Nước Trời không?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn nhận ra tiếng mời gọi của Người trong đời sống sứ mạng của chúng ta, các bạn nhé!

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 19:13-15 (Thứ 7, XIX-TN)

(13) Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. (14) Nhưng Ðức Giêsu nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng". (15) Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay khá ngắn, nhưng lại dạy chúng ta về hai thái độ trong đời sống tương quan của con người: xua đuổi trẻ nhỏ và đón nhận trẻ nhỏ.

Các môn đệ thấy trẻ nhỏ bu quanh Đức Giê-su thì la rầy chúng, xua đuổi chúng, bởi vì trẻ nhỏ ồn ào, cản trở lối đi, làm người lớn bận tâm.

Đức Giê-su có thái độ ngược lại. Người đón nhận trẻ nhỏ như chúng là, bởi vì bản chất trẻ nhỏ là thế, hiếu động nhưng dễ gần, đơn sơ, trong sáng và biết cậy dựa vào người lớn.

Thực tế, "trẻ nhỏ" trong đời sống tương quan con người không đơn giản như vậy. "Trẻ nhỏ" chính là những người thích làm phiền người khác, thích phá rối, thích chứng tỏ mình, v.v.. Trong đời sống sinh hoạt đức tin của Giáo xứ, đoàn thể, nhóm nhỏ, chúng ta thường gặp những loại "trẻ nhỏ" này. Noi gương Đức Giê-su, chúng ta hãy đón nhận chúng, vì có thể chúng làm chúng ta bận tâm, khổ sở..., nhưng lại giúp chúng ta lớn lên trong đời sống nhân đức.

Bên cạnh đó, Đức Giê-su cũng có ý nói về bản chất của trẻ nhỏ và người lớn cần có một tinh thần như trẻ thơ. Trẻ thơ không biết lo lắng nhưng hoàn toàn cậy dựa vào sự sắp đặt của mẹ cha. Trẻ thơ hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ và xem cha mẹ như thần tượng và là người vĩ đại nhất trong cuộc đời chúng. Trẻ thơ biết sợ hãi và dễ vâng nghe lời khuyên dạy của người lớn. Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ Người rằng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cần phải đạt tới mức độ của mối tương quan giữa trẻ nhỏ và mẹ cha, giữa trẻ em và người lớn.

Cầu nguyện với đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn thấy mình giống loại trẻ nhỏ nào? Bạn nhận ra Chúa dạy bạn bài học gì?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII. Tin Mừng Lc 12:49-53 (CN XX-TN Năm C)

(49) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! (51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại me; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".

Bạn thân mến,

Tôi biết có nhiều người thích thú khi đọc đoạn Tin Mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay vì nó tương đối ngắn, nhưng lại làm dấy lên trong tâm hồn họ nhiều câu hỏi, có khi là những sự đối kháng với Lời Chúa bởi vì nó nghịch lý. Ý tôi muốn nói rằng nhiều người sẽ đặt vấn đề là tại sao Chúa là Thiên Chúa của sự bình an - "Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời, Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm" - lại đem sự chia rẽ đến cho nhân loại; tại sao Chúa phải ném lửa vào trần gian, một phép rửa nữa Chúa phải chịu là phép rửa gì?

Lửa của Chúa là ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu và hy vọng, của chân lý và sự thật. Chúa đến trần gian để những ai tin vào Người sẽ có được tình yêu của Người, đặt hy vọng vào Người, sẽ biết yêu thương người khác và sống hạnh phúc hơn, bình an hơn, tự do hơn, cũng như vươn tới sự hoàn thiện, đạt tới chân lý và sự thật toàn vẹn là chính Chúa và vương quốc của Người.

Phép Rửa mà Chúa Giê-su sẽ chịu là phép rửa bằng chính máu của Người, máu đổ ra trên thập giá. Phép Rửa ấy sẽ đem lại ơn giải thoát cho những ai hết lòng tin tưởng, yêu mến và đặt hy vọng nơi Người.

Chính vì tin vào Chúa qua Phép Rửa của Người, qua ngọn lửa được Người gieo vào tâm hồn của người thiện tâm, họ bị những người không tin chống đối, bách hại và bắt bớ. Trong một gia đình, sẽ có những người tin Chúa và những người chưa tin Chúa, sẽ có những người yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, sẽ có những người sống phản Ki-tô, phản Tin Mừng, phản Luật Chúa. Đó là nguyên nhân gây chia rẽ giữa những người đang sống cùng một mái nhà. Những người tin Chúa và thi hành luật yêu thương của Người sẽ có sự bình an đích thực trong tâm hồn. Những người chưa tin, hoặc không tin Chúa, hoặc chống đối chân lý và sự thật, hoặc sống phản Tin Mừng sẽ không gặp thấy bình an, hoặc sự "bình an" trong tâm hồn họ là sự bình an giả tạo.

Đối diện với Lời Chúa hôm nay, bạn nhận thấy bản thân mình có bừng cháy ngọn lửa Giê-su trong tâm hồn không? Ngọn lửa của Chúa trong tâm hồn bạn đang cháy bừng bừng hay đang dần lịm tắt? Bạn đang bình an hay bất an? Nếu gia đình bạn đang bất hòa vì Lời Chúa, bạn sẽ phải làm gì để hàn gắn những đổ vỡ trong tương quan gia đình?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta và những người xung quanh ngọn lửa mà Người đã gieo xuống trần gian và xin Người giúp chúng ta làm cho ngọn lửa ấy bừng lên, để nhờ ngọn lửa ấy, từng mái nhà, từng con người đều được sống trong niềm tin và hy vọng, trong tình yêu và chân lý, trong sự thật và bình an đích thực, các bạn nhé!

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 13876 times