Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 07 Tháng 8 2019 12:06

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (05/8) tới CN XIX-TN Năm C (11/8)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (05/8) tới CN XIX-TN Năm C (11/8)


I.Tin Mừng Mt 14:13-21 (Thứ Hai, XVIII-TN)

(Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên)

(13) Nghe tin thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.(15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". (16) Ðức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". (17) Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" (18) Người bảo: "Ðem lại đây cho Thầy!" (19) Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


Các bạn thân mến,

Có thể nói đoạn Tin Mừng (TM) hôm nay là đoạn TM kinh điển vì được cả bốn tác giả TM thuật lại. Phần lớn nội dung đều giống nhau, nhưng cách thuật truyện và lời văn có hơi khác biệt. Chẳng hạn như, thánh Mátthêu không nói về việc Chúa Giêsu dạy dỗ dân chúng trước khi làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi họ, nhưng Chúa chữa lành bệnh tật thân xác cho dân. Thánh Máccô thì nói rõ hơn rằng Chúa thấy dân chúng đi theo đông đảo thì chạnh lòng thương, dạy dỗ họ nhiều điều, rồi làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi phần xác, sau khi được bổ dưỡng phần hồn bằng lời của Chúa.

Để đi vào cầu nguyện cách sốt sắng và cảm nghiệm sự gần gũi trìu mến của Đấng giàu lòng xót thương, các bạn hãy tưởng tượng khung cảnh của đoạn TM này, đó là có rất đông dân chúng đi theo Thầy Giêsu. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên bờ biển, bởi lẽ Thầy Giêsu vừa bước ra khỏi thuyền thì thấy đám đông dân chúng đứng đợi sẵn trên bờ.

Bạn sẽ nói gì với Chúa, xin Chúa ban ơn gì? Ơn có lương thực hằng ngày dùng đủ? Ơn được Chúa chữa lành cả phần hồn lẫn phần xác? Ơn nhận ra phép lạ Chúa đang làm cho đời mình? Ơn được cộng tác với Chúa để phân phát Lời Chúa và bánh gạo cho người nghèo đói?, v.v..

Bây giờ chúng ta cùng nhau đi vào cuộc chiêm ngắm chân dung của người mục tử đích thực, của Đấng giàu lòng thương xót, các bạn nhé!

Có thể nói rằng tôi thích nhất là những từ ngữ "chạnh lòng thương" trước khi Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều. Phép lạ được khởi đi từ con tim yêu thương, một con tim luôn biết chạnh lòng thương. Điều này chất vấn bản thân tôi rằng tôi làm việc này việc nọ có khởi đi từ một con tim biết rung cảm trước nỗi khổ đau của con người? Tôi có chạnh lòng thương người đồng loại như Chúa đã chạnh lòng thương tôi? Một việc làm trong sứ vụ Chúa trao cho tôi sẽ trở nên ý nghĩa và sinh hoa trái tốt tươi nếu việc làm ấy xuất phát từ một tâm hồn biết rung cảm và đầy thương xót.

Thứ đến, Chúa chữa lành bệnh tật cho các bệnh nhân. Những người theo Chúa không phải đều khỏe mạnh. Thậm chí có thể liên tưởng rằng rất nhiều người đi theo Chúa đang bị tổn thương, bệnh tật, đói rách. Tuy nhiên, sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa qua việc chữa lành bệnh tật luôn khởi đi từ con tim biết xót thương. Bên cạnh đó, sự thương tật, khổ đau và đói rách... của con người lại là chiếc bình chứa đựng lòng thương xót của Chúa.

Sau cùng, chúng ta chứng kiến phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa, là trọng tâm của đoạn TM hôm nay. Sỡ dĩ nói là trọng tâm, vì nơi đó chúng ta có thể khám phá ra thông điệp Chúa muốn gửi tới từng người môn đệ của Người. Thật thế, các môn đệ không muốn nhận lấy trách nhiệm trong việc chăm sóc cho dân chúng. Các môn đệ vẫn chưa thể sống tinh thần của người mục tử, người luôn "nghe được mùi chiên". Các ngài muốn được thảnh thơi nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt nhọc. Quả thực, điều này khá gần gũi với đời sống hằng ngày của từng người chúng ta. Chăm lo cho người bệnh, đồng hành với đoàn thể này hoặc nhóm sống đạo kia, sức dầu cho bệnh nhân vào đêm tối, v.v. là những việc không nhiều người muốn. Tuy thế, Chúa lại muốn khác: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". Vâng, Chúa muốn các môn đệ phải dám đối diện với những thách đố của hiện tại. Chúa muốn các môn đệ cùng với Người chăm lo cho dân chúng khi bảo họ đem năm cái bánh và hai con cá lại cho Người, để rồi sau khi Chúa ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh ra... thì Người trao cho các môn đệ để các ngài trao lại cho dân chúng. Chúa không cần các môn đệ phải làm gì to tát. Người chỉ cần sự cộng tác của các môn đệ trong việc chăm lo cho đàn chiên. Chỉ cần một tấm bánh nhưng khi nó được bẻ ra từ tay Chúa và được Chúa trao lại cho các môn đệ, rồi các môn đệ cũng làm như thế (bẻ ra và trao lại cho dân chúng) thì tấm bánh ấy đã trở nên nhiều, nhiều đến nỗi "ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con". Chúa cần người môn đệ cộng tác với Người bằng hai hành động giản đơn "bẻ ra và trao lại" mà thôi. Ấy thế mà, điều đó không đơn giản chút nào! Người ta có thể "bẻ bánh ra", nhưng không dễ dàng "trao lại" cho người khác, bằng chứng là có những người giàu có bên cạnh nhiều người nghèo khó, có những Linh mục và Tu sĩ chưa dám ra đi tới những nơi "rừng thiêng, nước độc" để sống với bà con lam lũ và cùng cực, chưa thấu hiểu và cộng tác tích cực với các Giáo Phu trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi. Chúa mời gọi người môn đệ của Người hãy có một tâm hồn biết hy sinh và dâng hiến mọi sự cho Chúa và cho tha nhân, "ngửi được mùi chiên". Bằng không, dù có nhận ra dấu chỉ của thời đại, người môn đệ ấy khó lòng mà loan báo Tin Mừng của Chúa, vì tất cả những nhận biết ấy chỉ đơn thuần là những mớ lý thuyết suông (khó thuyết phục, vô nghĩa vì chẳng áp dụng vào được việc gì!).

Tóm lại, tôi muốn gửi tới các bạn vài câu hỏi để cùng chiêm ngắm Chúa, cùng lắng nghe thông điệp của Chúa, tập thở cùng một nhịp đập con tim của Chúa: Tôi có cảm thấy bản thân gặp thách đố như các môn đệ Đức Giêsu khi xưa không? Đâu là những đối tượng Chúa muốn tôi phục vụ trong thời điểm này: phải chăng là những công nhân lao động xa xứ (di dân), phải chăng là những người đang bị tù tội cách bất công và phi lý bởi những chính sách khắc nghiệt và độc tài, phải chăng là những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ và thất học, phải chăng là những bạn trẻ - nạn nhân của những mối Hôn Nhân bất hòa và ly tán, phải chăng là những người bị mất định hướng trong cuộc sống bởi Chủ nghĩa Vô thần và Bất Khả Tri, phải chăng là những người chưa nhận biết Chúa, phải chăng là những đồng bào sắc tộc nghèo khổ và bần cùng bởi chính sách diệt chủng tiềm ẩn, v.v.? Tôi có hành xử cách yếm thế và trốn chạy như các môn đệ Đức Giêsu khi xưa: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn"? Chúa hành xử ra sao trước tình huống đầy thách đố đối với khả năng hạn hẹp của các môn đệ? Làm thế nào để nắm bắt những cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ? Cơ hội mới đã đến với bản thân tôi chưa? Tôi còn tìm cơ hội ở đâu nữa?

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mc 9:2-9 (Lễ Chúa Hiển Dung, 6/8)

(Thứ Ba sauTuần XVIII Thường Niên)

(2) Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (3) Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu. (5) Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. (7) Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". (8) Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi. (9) Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Dung để tưởng nhớ biến cố Chúa biến đổi hình dạng của Người trên núi. Nhờ đó, chúng ta được nghe lại trình thuật về biến cố này trong Tin Mừng Mác-cô.

Với Bài Đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể sử dụng phương pháp cầu nguyện chiêm niệm để chiêm ngắm hình ảnh của Chúa Giê-su cách gần gũi nhất và đặt mình vào một trong các vai của những nhân vật trong đoạn Lời Chúa hôm nay. Chúng ta có thể xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và mau mắn thi hành lời mời gọi ấy với tất cả khả năng của mình, hoặc xin ơn được đụng chạm vào Chúa để được biến đổi trở nên con người mới giống hình ảnh tươi sáng của Người.

Đọc đoạn Mc 9:2-9, chúng ta dễ dàng nhận ra có các nhân vật như Chúa Giê-su, ông Mô-sê, ông Ê-li-a, ông Phê-rô, ông Gioan và ông Gia-cô-bê. Khi đi vào chiêm niệm, chúng ta có thể chọn một trong số các nhân vật trên để đóng vai. Chúng ta cố gắng lắng nghe thông điệp của Chúa để đáp trả và thi hành.

Địa điểm gặp gỡ nhau của các nhân vật là trên một ngọn núi cao. Núi cao thì thanh vắng, tâm hồn dễ lắng đọng để hòa mình vào với bầu khí mát dịu và tĩnh lặng của sớm bình minh. Khung cảnh này thật lý tưởng cho một cuộc gặp gỡ huyền diệu và thân thiện tựa như giây phút con người được đắm mình trong Chúa và thân thưa với Người, nói cách khác, đó là giây phút con người đang cầu nguyện với Chúa.

Ba môn đệ thân tín đang ngái ngủ thì Thầy Giê-su biến đổi hình dạng và đàm đạo với hai vị tiền bối là Mô-sê và Ê-li-a như dấu chứng cho thấy Thiên Chúa luôn tồn tại và phục sinh những người công chính đã từng sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trước cảnh tượng huy hoàng và kinh ngạc, ông Phê-rô vui sướng và không thể kiềm chế cảm xúc nên đã xin Thầy Giê-su được cắm lều để sống luôn trên núi, tận hưởng vinh quang Nước Trời ngay tại trần gian. Thế nhưng, đó không phải là thông điệp của Thiên Chúa muốn gửi tới cho ba môn đệ của Con Một Người. Thông điệp của Thiên Chúa chính là "Đây là Con Ta yếu dấu, hãy vâng nghe lời Người" (Mc 9:7). Thiên Chúa mặc khải cho ba môn đệ này hiểu rằng Thầy của họ chính là Con Thiên Chúa và bổn phận của các ông là "vâng nghe lời Người" bằng những hành động cụ thể. Hành động đầu tiên là xuống núi, sống mầu nhiệm nhập thể và trở nên người của mọi người.

Vâng phục và lắng nghe Lời Chúa là sứ mạng quan trọng bậc nhất của người môn đệ Chúa. Thiếu hai nhân tố này coi như họ mất đi căn tính đích thực của người môn đệ Thầy Giê-su. Chính vì thế, các môn đệ này đã sống thông điệp của Thiên Chúa bằng chính mạng sống của các ngài khi sẵn sàng chịu tử đạo để thông truyền những thông điệp đã lắng nghe được từ Thiên Chúa cho muôn thế hệ.

Bạn thân mến, sau khi chiêm niệm đoạn Lời Chúa trong ngày mừng lễ Chúa Hiển Dung hôm nay, bạn có nhận được thông điệp nào của Thiên Chúa không? Bạn có nhận ra rằng khi bạn cầu nguyện là lúc bạn đang được ở trên núi với Chúa, được lắng nghe tiếng nói yêu thương của Người, đang chiêm ngưỡng dung mạo thánh thiện của Người không?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 15:21-28 (Thứ 4, XVIII-TN)

(Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên)

(21) Ra khỏi vùng Ghennêxarét, Ðức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, (22) thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi! Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" (23)Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" (24) Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi". (25) Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" (26) Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con". (27) Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". (28) Bấy giờ Ðức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.


Bạn thân mến,

Khi đọc đoạn Lời Chúa chúng ta sẽ cầu nguyện hôm nay, điều đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh Chúa thử thách lòng tin của người phụ nữ ngoại giáo.

Người phụ nữ này đến gặp Đức Giê-su để xin Người trừ quỷ cho con gái của bà, chữa lành nỗi khổ đau của người con gái và cũng là nỗi đau khổ của bà. Đức Giê-su từ chối, không muốn giúp, vì bà là người dân ngoại: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi" (Mt 15:24) và "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (Mt 15:26). Tuy nhiên, với sự kiên trì và đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su, bà không sờn lòng nản chí, thậm chí bà thể hiện lòng tin của mình bằng một sự khiêm hạ thật thà: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (Mt 15:27). Hơn nữa, bà cũng không tham lam. Bà chỉ cần "mảnh vụn của ơn Chúa" là đủ. Có lẽ bà sợ bị "ngộ độc ân sủng" của Chúa! Chúa không bao giờ thử thách con người vượt quá sức chịu đựng của họ và Người sẽ ban tặng mọi điều cao quý cho những ai thực sự tin vào Người: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy" (Mt 15:28).

Người phụ nữ đã chịu thử thách và vượt qua thử thách để hưởng những ơn lành của Chúa. Bà là người dân ngoại, nghĩa là thuộc vào hàng ngũ những người chưa biết Chúa, chưa nghe biết Tin Mừng. Ấy vậy mà, bà sẵn lòng chịu thử thách và đặt niềm tin vào Đấng bà chưa kinh nghiệm bao giờ. Chúng ta là những người được nhận lãnh đức tin qua Phép Rửa, thế mà đôi khi chúng ta ngờ vực Chúa, than trách Chúa, không dám chịu thử thách của Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa ban thêm lòng tin và sức mạnh cho chúng ta, để dù cuộc sống chúng ta tốt đẹp hay phiền muộn, chúng ta vẫn can đảm chịu thử thách và đặt trọn niềm tin vào Chúa.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Tâm sự với Chúa:

Lạy Chúa Giê-su,
Khi chiêm ngắm hình ảnh người đàn bà dân ngoại chạy đến với Chúa,
kêu xin Ngài chữa lành bệnh tật cho con gái của bà,
con cảm thấy xấu hổ
khi lòng tin của con yếu kém hơn người đàn bà này nhiều vô kể.
Con được sống trong môi trường đức tin lành mạnh,
được nuôi dưỡng đức tin trong đời sống hằng ngày,
nhưng con chưa dám đặt trọn niềm tin vào Chúa.
Con xin Chúa những điều lớn lao,
khác với người đàn bà dân ngoại, chỉ dám xin những mảnh vụn của ơn Chúa.
Con xin dâng lên Chúa đức tin yếu kém của con.
Xin Chúa gia tăng lòng tin vào Chúa trong tâm hồn con,
để nhờ đức tin, con được chữa lành mọi thứ bệnh tật
và có thể làm được nhiều điều Chúa muốn nơi con.
Con tạ ơn Chúa. Amen.

IV.Tin Mừng Mt 5:13-19 (Thánh Đaminh Tổ phụ, 8/8)

(Thứ NămTuần XVIII Thường Niên)

(13) Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. (14) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời."


Bạn thân mến,

Lời Chúa trong ngày mừng lễ thánh Đa-minh hôm nay được trích trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-su, ngay sau đoạn văn viết về Tám Mối Phúc, nói về "muối và ánh sáng" cũng như về việc giúp người khác tuân giữ luật Thiên Chúa. Với tôi, đây là đoạn Lời Chúa rất thích hợp cho ngày lễ này.

Chúa Giê-su bảo các môn đệ rằng "chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian" và khuyên các ngài hãy tuân giữ và dạy người ta thi hành luật Thiên Chúa. Như thế, có thể hiểu thông điệp của Lời Chúa hôm nay thế này: một người yêu mến, tuân hành Luật Chúa và dạy người khác sống Luật Chúa chính là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.

Bên cạnh đó, muối không chỉ dùng để ướp để giữ thức ăn tươi sống. Muối của người Do Thái còn có đặc điểm giữ nóng cho lửa. Vì thế khi đun nấu, người Do Thái thường đặt muối dưới than để giữ nóng tựa như người Việt Nam đặt tro chấu dưới bếp than vậy. Do vậy, khi muối hết tác dụng giữ nóng thì người Do Thái quăng nó ra ngoài sân để người ta chà đạp mà thôi. Hơn nữa, sở dĩ chúng ta nên là "muối" là vì muối mặn nên cần "nước". "Nước" ấy chính là Chúa Giêsu, mạch nước hằng sống, không bao giờ cạn, đáp ứng mọi cơn khát của con người.

Thánh Đa-minh và Dòng Đa-minh nổi tiếng trong việc giảng thuyết. Với lời giảng dạy của các ngài, nhiều người nhận biết Chúa, hiểu Chúa sâu hơn, yêu Chúa nồng nàn hơn, sống Lời Chúa thực tế và chân thành hơn. Nhờ đó, các ngài trở nên nhân chứng sống động của Chúa qua lời giảng dạy của các ngài, và trở thành muối cho đời, ánh sáng cho trần gian. Ngài là "muối" vì ngài luôn khát nguồn nước sự sống là Đức Giêsu và kín múc nguồn nước ấy hằng ngày hằng giờ. Ngài là "ánh sáng" vì ngài luôn biết ẩn mình vào ánh sáng đích thực là chính Chúa Giêsu.

Hy vọng rằng với những gợi ý nhỏ nhặt này, bạn sẽ dễ đi vào cầu nguyện và lắng nghe được lời mời gọi của Chúa trong tâm hồn bạn, cũng như học được những điều mới mẻ và lý thú khi chiêm ngắm gương sáng của Thánh Đa-minh.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 16:24-28 (Thứ 6, XVIII-TN)

(Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên)

(24) Bấy giờ, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (27) Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. (28) Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị".


Bạn thân mến,

Tôi nhớ đã đọc đâu đó về cuộc đời và sứ mạng của thánh Phan-xi-cô Xavier, một nhà truyền giáo lừng danh vào thế kỷ XVI, trong đó có một chi tiết có liên quan tới đoạn Tin Mừng hôm nay, nhất là câu nói "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? " (Mt 16:26)

Số là thánh Phan-xi-cô đang học ở Đại học Paris, chỉ còn hai tháng nữa là ngài lấy bằng Tiến sĩ. Vậy mà Lời Chúa đã thôi thúc con tim của ngài, buộc ngài phải bỏ dở việc học để đáp trả lời mời gọi của Chúa qua trung gian người bạn đường của ngài là thánh I-nha-xi-xô thành Loyola (còn gọi là thánh I-nhã). Ngài đã được đánh động mạng mẽ bởi câu "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? " (Mt 16:26) của Chúa Giê-su. Từ đó, ngài lên đường vượt trùng dương tới những vùng đất chưa được nghe biết Tin Mừng.

Lời Chúa vẫn được vang vọng, nhưng không phải ai cũng có thể hấp thụ và đáp trả lời mời gọi của ngài, bởi vì Lời Chúa thách đố tâm can, làm tê buốt đến tận xương tủy của người thành tâm và đòi buộc người ta phải đánh đổi nhiều thứ (mái ấm gia đình, tình bè bạn, bằng cấp, danh vọng, địa vị, quyền lợi, thú vui trần thế...).

Với đoạn Lời Chúa hôm nay, câu nào đánh động bạn nhất? Bạn có cảm thấy tiếng Chúa mời gọi bạn bước theo Người rất mãnh liệt, làm bạn run rẩy, sợ hãi và băn khoăn? Bạn sẽ làm gì để đáp trả lời mời gọi của Người?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Ga 12:24-26 (Thánh Laurenxô, 10/8)

(Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên)

LỄ THÁNH LAURENSÔ - TÔNG ĐỒ TỬ ĐẠO (10/8)

24) Khi ấy, Chúa Giêsu nới với các môn đệ: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy".


Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta nghe Chúa Giê-su dùng hình ảnh "hạt lúa được gieo vào lòng đất" để nói về ơn gọi của những người muốn làm Tông đồ cho Chúa, nghĩa là những người muốn được chết đi chính mình để sống một cuộc sống mới, cuộc sống đem lại sự sống cho người khác dưới ngọn cờ của Chúa Giê-su.

Hình ảnh "hạt lúa được gieo vào lòng đất" như một lời mặc khải của Chúa Giê-su về sứ mạng của Người. Người sẽ gieo mình xuống đất, sẽ chúi đầu ngã nhào khi phải vác thập giá nặng nề để chịu tội thay cho cả nhân loại, để rồi chịu chết trong mồ đá và sống lại hiển vinh.

Hình ảnh "hạt lúa được gieo vào lòng đất" như một lời tiên tri khẳng định mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giê-su để an ủi các môn đệ khi gặp phải gian truân thử thách trên đường sứ vụ. Chính Thầy Giê-su đã kinh nghiệm trước về sự tự hủy (Pl 2:5-11), để rồi tất cả những ai theo Người đi trên con đường này sẽ nhìn thấy Người đang đồng hành với họ, sát cánh bên họ đến giây phút cuối cùng.

Thánh Tông đồ Lau-ren-sô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay minh chứng cho chúng ta thấy sự đồng hành của Thầy Chí Thánh trong cuộc đời của ngài. Ngài như "hạt lúa được gieo vào lòng đất" để làm trổ sinh nhiều hạt lúa khác cho Hội Thánh chúng ta. Giáo hội chúng ta tồn tại và phát triển là nhờ máu của ngài đã đổ ra để làm chứng cho người khác biết về Thiên Chúa, về tình yêu của Người và sự hiện diện liên tục của Thầy Giê-su trong cuộc đời sứ mạng của những môn đệ trung tín.

Bạn có bao giờ dám hy sinh quyền lợi của bản thân cho người khác chưa? Bạn có dám trở nên "hạt lúa được gieo vào lòng đất" để đem lại niềm vui và sức sống mới cho người xung quanh không? Hình ảnh "hạt lúa được gieo vào lòng đất" được bạn thể hiện bằng hành động cụ thể như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 12:32-48 (CN XIX-TN Năm C)

(Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên C)

(32) Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó. Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến". (41) Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?" (42) Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, (46) chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. (47) Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay tương đối dài, và có thể chia làm ba phần với ba nội dung chính: đừng tích trữ của cải trần gian, hãy tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa, và hãy là một người quản gia trung tín và khôn ngoan để lãnh nhận phần thưởng Nước Thiên Chúa. Thực tế, người thiếu tỉnh thức, thiếu khôn ngoan và trung tín thường là người yêu thích của cải trần thế, đam mê thứ vui trần tục và lòng trí mải mê theo đuổi danh vọng và địa vị trần gian.

Người mải mê tích trữ của cải trần thế sẽ không thể đặt Chúa làm trung tâm đời mình, vì "kho tàng của họ ở đâu, thì lòng trí họ ở đó".

Người đam mê thú vui trần tục và khát khao đạt được quyền lực và danh vọng trần thế sẽ khó có thể có một tâm hồn thanh thản, một tinh thần siêu thoát để tỉnh thức đối diện với ngày chung cục của đời mình.

Ngày tận thế của mỗi người không hẳn là ngày cánh chung của cả nhân loại, nhưng hầu chắc là những phút giây của những hơi thở sau cùng trên trần gian, và cũng có thể là những khoảnh khắc chúng ta phạm tội mất lòng Chúa. Ngày ấy, mỗi người sẽ chịu phán xét riêng trước mặt Thiên Chúa.

Làm thế nào để khi ngày ấy đến, tâm hồn chúng ta cảm thấy thanh thản, bình an và tự do? Làm thế nào để khi ngày ấy đến, chúng ta không sợ hãi, không né tránh đối diện với giây phút kinh hoàng của đời mình?

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có được sự khiêm cung trong tâm hồn, có được sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày chung cục của đời mình bằng cách biết quên mình, hy sinh, quảng đại và trao dâng những gì mình có cho người khác, biết xây cho mình kho tàng không bao giờ bị hư hao trên Nước Thiên Chúa ngay khi còn ở trần gian này.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 17413 times