Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 13 Tháng 7 2019 15:27

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (15/7) tới CN XVI-TN Năm C (21/7)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (15/7) tới CN XVI-TN Năm C (21/7)

Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Mt 10:34-11:1 (Thứ 2, XV-TN)

(Thứ Hai Tuần XV Thường Niên)

(34) Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. (35) Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. (36) Kẻ thù của mình chính là người nhà. (37) Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (38) Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (39) Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. (40) Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. (41) Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. (42) Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu bằng một câu thoạt nghe có vẻ nghịch lý "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo" (Mt 10:34), nhưng lại chứa đựng nội dung khá phong phú: làm sao có thể sống tốt các mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với thế giới xung quanh, giữa con người với nhau.

"Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo" (Mt 10:34). Bình an và gương giáo là hai danh từ và hai trạng thái trái ngược nhau. Gươm giáo phá nát bình an. Bình an đập tan gươm giáo. Người môn đệ Chúa Giê-su cần sống đúng với những gì Tin Mừng khuyên dạy. Nếu sống theo Tin Mừng và đi theo Chúa Giê-su, tức là người môn đệ Chúa đang có bình an và buộc phải "lội ngược dòng nước" của thời đại, của xã hội đang chứa đựng những thứ rác rưởi, những điều xấu xa, ngược với những lời hay ý đẹp của Tin Mừng, chúng tựa như "gươm giáo" vậy. Chính vì thế, Chúa Giê-su trở nên một rào cản và Tin Mừng trở nên một vật cản đối với những ai đang sống sai với những giá trị của Tin Mừng và với gương sáng của Chúa Giê-su. Họ chính là "gươm giáo" phá nát bình an của người khác.

Chọn Chúa (c.37) tức là phải đặt Chúa lên trên, vượt xa mọi sự khác, ngay cả cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bằng cấp, quyền lực, danh vọng...

Theo Chúa (c.38) nghĩa là phải vác thập giá, sống tinh thần từ bỏ, siêu vượt những quyến luyến lệch lạc...

Sống với Chúa (cc.39-42) tức là sống vì Chúa và cho Chúa, sống vì tha nhân và cho tha nhân bằng một tình yêu vô vị lợi, dám hy sinh quyền lợi bản thân, phục vụ tha nhân bằng con tim quảng đại và dung hòa.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay thách đố chúng ta và buộc chúng ta phải duyệt xét lại ba nhân đức căn bản của người Ki-tô hữu, đó là Tin-Cậy-Mến. Tin Chúa thì sẽ yêu Chúa. Yêu Chúa thì sẽ yêu anh chị em xung quanh mình. Tin và yêu cần thể hiện bằng hành động cụ thể và bắt nguồn từ niềm hy vọng sẽ được sống trọn tình vẹn nghĩa với Thiên Chúa là Cha và là Đấng yêu thương con người vượt mọi diễn tả của ngôn ngữ.

Bạn thân mến, bạn có cảm thấy Lời Chúa hôm nay rất thách đố, và bạn bối rối trước lời mời gọi của Chúa Giê-su để sống hoàn thiện hơn, trở nên trung gian hòa giải các mối bất hòa đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của bạn không? Bạn phải làm gì để thực sự là môn đệ của Chúa Giê-su, là con yêu dấu của Cha Chí Ái?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 11:20-24 (Thứ 3, XV-TN)

(Thứ Ba Tuần XV Thường Niên)

(20) Bấy giờ Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn phép lạ Người làm mà không sám hối: (21) "Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. (22) Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. (23) Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. (24) Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi".


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta nghe cơn thịnh nộ của Chúa Giê-su. Nhiều người chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng không chịu tin, thậm chí còn tỏ thái độ vô ơn. Nhiều nơi được hưởng biết bao phúc lộc của Chúa nhưng không đáp trả lời mời gọi của Người. Nhiều nơi nhiều người được thấy những dấu chỉ cơn thịnh nộ của Chúa nhưng không chịu ăn năn hối cải, bởi lẽ họ không chịu nghe lời kêu gọi "hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" của Chúa.

Quả thực, nghe Lời Chúa hôm nay, tôi cảm thấy sợ hãi, bởi vì tôi nhận ra rằng chính tôi là kẻ đã và đang làm Chúa nổi cơn thịnh nộ bởi vì tôi chưa sống tinh thần sám hối và canh tân đời sống đức tin để làm đẹp lòng Chúa và trở nên chứng tá của Người. Tôi nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa, nhiều dấu chỉ của Chúa mặc khải cho tôi biết về sự xấu xa, tội lỗi và ích kỷ trong tình yêu tôi dành cho Người. Thế nhưng, tôi vẫn thường xuyên phạm tội và năm lần bảy lượt xúc phạm đến Người.

Phần bạn, bạn cảm thấy thế nào khi nghe đoạn Lời Chúa hôm nay? Bạn có cùng một cảm nhận giống tôi không, nghĩa là bạn nhận ra Chúa cũng đang buồn phiền vì bạn? Chúng ta phải làm gì để sống vui lòng Chúa?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 11:25-27 (Thứ 4, XV-TN)

(Thứ Tư Tuần XV Thường Niên)

(25) Vào lúc ấy, Ðức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho."


Bạn thân mến,

Ngày hôm qua tác giả bài Tin Mừng kể cho chúng ta nghe về cơn thịnh nộ của Chúa. Lời Chúa hôm nay diễn tả một tâm trạng khác của Chúa, đó là tâm tình ngợi khen, một sự hài lòng về những người con cái Chúa, đến nỗi Người phải thốt lên thành lời: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn..." (Mt 11:25).

Chúa Giê-su đưa ra một phép loại suy giữa những bậc "khôn ngoan thông thái" và những người "bé mọn". Người khôn ngoan thông thái dường như bị loại trừ và bị cảnh cáo bởi sự tự hào về khả năng của bản thân họ. Họ phủ nhận hoặc không nhận ra sự khôn ngoan của họ đến từ ơn sủng của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã từng khuyên chúng ta rằng "Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa" (1Cr 1:31). Còn người bé mọn lại được tuyển chọn, sống đẹp lòng Chúa, được mặc khải những điều thuộc về Thiên Chúa. Vậy, ai là những "người bé mọn"? Chúng ta có được nằm trong đội ngũ những người bé mọn này?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy đọc lại những đoạn Lời Chúa trước đó trong Tin Mừng Mát-thêu, nghĩa là Mt 11:1-24. Trong những đoạn văn này, Chúa Giê-su nói rằng kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả (Mt 11:11), rằng đức khôn ngoan được minh chứng bằng hành động (Mt 11:19), và sau cùng Người quở trách các thành phố nơi có những con người nghe biết Lời Chúa nhưng không sám hối (Mt 11:20-24). Như thế, đối với Chúa Giê-su, người bé mọn là người tin vào Chúa và thể hiện niềm tin ấy bằng hành động, hành động đầu tiên là biết sám hối và tin vào Tin Mừng. Người bé mọn có một vị trí cao cả trong Nước Trời.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta có được tinh thần đơn sơ và sống nhỏ bé, nghĩa là biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, luôn cậy dựa nơi Người, bám chặt vào bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa, để chúng ta có thể cùng với Chúa dâng lời ngợi khen, tán tụng Chúa Cha trong lòng yêu mến và kính tôn Người.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mt 11:28-30 (Thứ 5, XV-TN)

(Thứ Năm Tuần XV Thường Niên)

(28) Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng".

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay như một lời an ủi, một sự động viên của Chúa dành cho chúng ta, những người đang đặt niềm tin vào Chúa và đang bước theo Người.

Trước tiên, Chúa mời gọi chúng ta và tất cả "những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Chúa, Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Hóa ra mục đích sự hiện hữu của chúng ta là được nghỉ ngơi trong Chúa. Từng ngày sống của chúng ta, dù vất vả mệt nhọc hay an nhàn thư thái, đều sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng nếu chúng ta chạy đến với Chúa.

Sau đó, Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta hãy học với Chúa, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Để có thể học với Chúa, chúng ta cần phải mạnh dạn đến với Người trước. Chúa không có chương trình "đào tạo từ xa" như thời đại chúng ta bây giờ. Chúa muốn chúng ta cất bước đến với Người và trực tiếp học với Người. Bài học căn bản và quan trọng nhất của Chúa là "hiền hậu và khiêm nhường". Đây cũng là những mối phúc Chúa muốn chúng ta đạt tới (x. Mt 5:1-12).

Cuối cùng, Chúa nói rằng khi học với Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng, vì "ách Chúa êm ái và gánh Chúa nhẹ nhàng". Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng lại phát ra từ miệng của Chúa. Người ta thường cảm thấy mệt mỏi sau những giờ học. Đàng này, Chúa lại nói ngược lại rằng tâm hồn chúng ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, bởi vì trong khi học tập, chúng ta được Chúa đỡ nâng, Chúa học giúp chúng ta như cô giáo nâng những bàn tay nhỏ bé của học trò để tập viết từng nét chữ đầu tiên vậy; bởi vì "ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng". "Ách" chính là một thiết bị được làm bằng gỗ đeo vào cổ của con bò, con lừa... để kéo người hoặc kéo các vật nặng. "Ách" được đục đẽo khéo léo, vừa vặn với từng con vật thì sẽ giúp nó cảm thấy nhẹ nhàng, êm ái khi kéo nặng. Có lẽ Chúa Giê-su đã từng là một thợ mộc giỏi giang, khéo léo và giàu kinh nghiệm, nên Người có khả năng làm những cái ách phù hợp với thân thể của từng con vật. Vì lẽ đó, khi đến với Chúa, dù chúng ta phải vất vả và mang gánh nặng nề, chúng ta vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có đủ sức lực để bước tới. Đây cũng chính là hình ảnh của một con người cầu nguyện. Học với Chúa chính là cầu nguyện với Người.

Người cầu nguyện là người biết chủ động đến với Chúa, dù đang có tâm trạng nặng nề hoặc cuộc sống nhiều khốn khổ lao đao, để ở lại với Chúa, để được lắng nghe tiếng nói dịu dàng và tràn đầy an ủi của Chúa, nhờ đó được vơi bớt đi những muộn phiền, âu lo, khổ ải, v.v..

Bạn thân mến, bạn có cảm thấy tâm hồn mình cần được nghỉ ngơi bồi dưỡng? Bạn có nghiệm thấy rằng cầu nguyện chính là phương thế tốt nhất giúp bạn được nghỉ ngơi và bồi dưỡng trong Chúa, cầu nguyện không phải là gánh nặng, cầu nguyện cũng chẳng vất vả gì, ngược lại, bạn được tiếp thêm sức mạnh từ Chúa? Đâu là nơi giúp bạn tìm được khoảng không gian tĩnh mịch và lãng mạn để gặp gỡ Chúa? Bạn chuẩn bị thế nào cho mỗi lần nghỉ ngơi trong Chúa?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 12:1-8 (Thứ 6, XV-TN)

(Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên)

(1) Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. (2) Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!" (3) Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ đói bụng? (4) Vua vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. (5) Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Ðền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? (6) Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Ðền Thờ nữa. (7)Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. (8) Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát".

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay vạch trần cho chúng ta thấy thái độ nệ luật của người Pha-ri-sêu. Họ cho rằng các môn đệ của Chúa Giê-su vi phạm luật ngày Sa-bát khi dùng tay bứt lúa ăn. Thế là một cuộc tranh luận về ngày Sa-bát và luật Do Thái giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu bùng nổ.

Người Pha-ri-sêu khắt khe với lề luật vì họ không muốn bất cứ người Do Thái nào làm việc ngày Sa-bát, ngay cả bứt lúa ăn vì đói lả. Chúa Giê-su không bênh vực các học trò của mình, cũng như những hành vi của họ; nhưng Người muốn bảo vệ và thăng hoa lề luật. Đối với Chúa Giê-su, lề luật làm ra vì con người chứ không phải con người sống vì lề luật. Do đó, khi đối diện với sự chết, sự đói..., lề luật trở nên thứ yếu, mạng sống con người mới quan trọng. Lề luật sẽ được thăng hoa và kiện toàn nếu đặt tình thương trong đó. Chính vì thế, Chúa Giê-su mới kết luận: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế" (Mt 12:8).

Đôi khi chúng ta cũng lệ thuộc vào lề luật cách vô tình hoặc vô hình. Chúng ta dễ dàng lên án hoặc xét đoán người khác. Chúng ta cho rằng người này người kia vi phạm lề luật, nhưng quên xét đến hoàn cảnh và ý hướng của họ khi "vi phạm". Chúng ta thiếu kiên nhẫn và quên đặt tình yêu vào trong sự xét đoán.

Bạn có bao giờ nhận thấy mình cũng giống những người Pha-ri-sêu trong đoạn Lời Chúa hôm nay không? Bạn có nhận thấy khi mình khắt khe với người khác là lúc mình có thể trách cứ Chúa, giận hờn Giáo Hội và xa lìa anh chị em mình không? Bạn cần làm gì để thoát khỏi tâm trạng này và cộng tác với Chúa để làm cho lề luật của Giáo Hội trở nên uyển chuyển và giúp linh hồn con người đạt tới ơn cứu độ như lòng Chúa mong ước?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 12:14-21 (Thứ 7, XV-TN)

(Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên)

(14) Ra khỏi hội đường, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu. (15) Biết vậy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. (16) Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. (17) Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: (18) Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. (19) Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. (20) Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, (21) và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Bạn thân mến,

Sau những tranh luận sôi nổi với người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su bắt đầu phải đối diện với sự thù ghét trong lòng họ. Thù hận dẫn tới bắt bớ, đàn áp và giết chóc. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe chi tiết này trong cuộc đời và sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su.

Hơn thế nữa, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể chiêm ngắm một Đức Giê-su cương quyết nhưng khả ái, nhân hậu, khiêm nhường và giàu tình thương: biết rằng đang bị người Pha-ri-sêu thù hận và tìm cách giết hại, Đức Giê-su vẫn điềm tĩnh, lánh xa họ, tiếp tục thể hiện lòng thương xót của Người qua việc chữa lành bệnh tật cho những ai tìm đến Người với một tấm lòng khiêm cung, Người không cãi cọ đôi co và cũng chẳng kêu to, cây lau bị giập Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo loét Người chẳng nỡ tắt đi, Người mạnh mẽ bảo vệ công lý và sự thật. Với những tố chất đáng quý như thế, "muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người" (Mt 12:21).

Bạn thân mến, đâu là những đặc điểm của Đức Giê-su đánh động bạn nhất? Trên đường sứ vụ, bạn có cảm thấy cần học theo những tính cách cao đẹp của Thầy Giê-su để dễ dàng tiếp cận những người chưa nghe biết Tin Mừng? Hình ảnh của Đức Giê-su và cách hành xử của Người trong bài Tin Mừng hôm nay có đem lại cho bạn niềm an ủi khi phải đối diện những thử thách và cám dỗ trên đường sứ vụ?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!


VII.Tin Mừng Lc 10:38-42 (CN XVI-TN Năm C)

(CHÚA NHẬT Tuần XVI Thường Niên C)

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. (39) Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" (41) Chúa đáp: "Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".

Bạn thân mến,

Với đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp cầu nguyện khác nhau. Bạn có thể dùng phương pháp Lectio Divina (đọc từng câu và cầu nguyện), hoặc cầu nguyện với một câu Lời Chúa đánh động bạn nhất, hoặc chiêm niệm để đi vào khung cảnh thực của câu chuyện cách đây hơn 2000 năm.

Bạn hãy hình dung lại khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su và các học trò đi đường. Con đường này dài rộng thế nào, có ai đang đi hoặc đang ngồi bên vệ đường, Đức Giê-su có hành động gì khi gặp gỡ những người trên đường? Ngôi nhà của chị em Mát-ta ra sao? Nhà làm bằng lá hay bằng đất hay bằng đá? Thái độ tiếp đón của chị em này ra sao? Đức Giê-su nói và làm gì khi gặp họ? Có bao nhiêu nhân vật trong câu chuyện này? La-da-rô (người Đức Giê-su thương mến) ở đâu khi Đức Giê-su ở trong nhà họ? Có thể tưởng tượng La-da-rô đang phụ làm bữa ăn với Mát-ta nên chưa lên nhà gặp Thầy Giê-su, hoặc đang đi lấy nước, mua rượu, chẻ củi...

Chúng ta để ý một chi tiết nhỏ trong câu chuyện tiếp đón Đức Giê-su của chị em Mát-ta và Maria. Mát-ta đón tiếp Đức Giê-su từ cổng hoặc từ cửa chính của ngôi nhà, nhưng khi Đức Giê-su vào nhà thì Mát-ta để Người ngồi lại một mình và tất bật lo cơm nước. Đôi khi chúng ta cũng có thái độ như thế đối với Đức Giê-su. Chúng ta đón tiếp Người vào tâm hồn mình khi bắt đầu cầu nguyện, sau đó chúng ta để Người ở đó và thả mình đi theo những tiếng gọi khác. Hoặc chúng ta phục vụ Chúa bằng sức lực và khả năng của riêng mình mà thôi, chẳng còn biết Chúa là ai, đang ở đâu trong tim mình, để rồi chúng ta chẳng nhận ra Chúa nơi sứ vụ của mình, nơi những người anh chị em chúng ta đang phục vụ. Đến một ngày, chúng ta kiệt sức, cô đơn, lạc hướng, chỉ biết làm công việc của mình chứ không làm công việc của Chúa, và chúng ta bắt đầu than phiền với Chúa, trách cứ người khác, v.v..

Còn Maria, chúng ta không thấy cô ấy ra đón tiếp Thầy Giê-su cách vồn vã, nhưng suốt những giây phút Thầy ở nhà cô, cô không để Thầy một mình, cô luôn ngồi trước Người và lắng nghe Người nói chuyện. Đây là hình ảnh của một con người chuyên tâm cầu nguyện, dành trọn thời gian cầu nguyện của mình để tiếp chuyện với Chúa.

Thầy Giê-su không buồn phiền về thái độ của Mát-ta nhưng Thầy nhắc nhở Mát-ta rằng "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10:42). Có lẽ cầu nguyện là công việc ưu tiên số một của người môn đệ Thầy Giê-su. Nếu Mát-ta làm việc tất bật để phục vụ Thầy Giê-su với tinh thần cầu nguyện, nghĩa là dù đang mải mê làm việc nhưng tâm trí vẫn hướng về Thầy Giê-su - vị khách đang ở trong nhà mình - và lắng nghe các cuộc nói chuyện của Người..., thì Mát-ta sẽ cảm thấy vui hơn, bình an hơn, thanh thoát và nhẹ nhàng hơn, không dễ dàng phê phán người khác hoặc than phiền với Thầy Giê-su về cách sống dị biệt của người xung quanh, v.v.. Đức Giê-su muốn chúng ta dành ưu tiên cho Người bằng việc chuyên tâm lắng nghe Lời Người, đón tiếp Người bằng con tim tinh ròng, quảng đại, yêu mến và trọng kính. Nếu gộp hai thái độ đón tiếp Thầy Giê-su của Mát-ta và Maria thì sự đón tiếp ấy trở nên hoàn hảo dường bao!

Qua việc chiêm ngắm Thầy Giê-su trong đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn nhận ra bạn là ai trong số các nhân vật trong câu chuyện? Bạn có nghe thấy tiếng Chúa vang vọng trong tâm hồn bạn? Chúa và bạn có nói chuyện thân tình với nhau không? Bạn học được gì từ Lời Chúa hôm nay?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 13091 times