Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 9 2019 14:02

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (09/9) tới CN XXIV-TN Năm C (15/9)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (09/9) tới CN XXIV-TN Năm C (15/9)

 

Lm Giuse BCD, SJ


I.Tin Mừng Lc 6:6-11(Thứ 2, XXIII-TN)

(Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên)

"Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt" (Lc 6:9).

6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! " Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? "10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra! " Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

Bạn thân mến,

Tiếp tục đoạn Tin Mừng hôm thứ bảy vừa qua (Lc 6:1-5), hôm nay Đức Giê-su lại chữa một người bị bại tay vào ngày Sa-bát. Như thế, Người liên tiếp "vi phạm" luật ngày Sa-bát và sự giận dữ Đức Giê-su của người Pha-ri-sêu càng dâng cao.

Đức Giê-su khẳng định việc chữa lành vào ngày Sa-bát không vi phạm luật Do Thái, vì việc này là việc lành, việc cứu chữa con người khỏi bệnh tật (Lc 6:9). Quả thực, ngày Sa-bát được dành cho Thiên Chúa, ngày mà con người nên nghỉ ngơi để thờ phượng, tôn vinh, chúc tụng và phụng sự Thiên Chúa mà thôi. Thế nhưng, tại sao con người phải làm việc đó?

Con người thờ phượng, tôn vinh, chúc tụng và phụng sự Thiên Chúa, đặc biệt vào vào ngày Sa-bát, vì con người đã nghiệm thấy tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của mình suốt một tuần lễ. Bên cạnh đó, con người cần nghỉ ngơi thể xác, để có sức sống mới cho một tuần lễ mới.

Từ hai khía cạnh này, chúng ta có thể kết luận: Ngày Sa-bát là ngày ân sủng, ngày con người được chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh. Con người được tạo dựng và bồi dưỡng cả thể xác lẫn tâm linh. Con người nghỉ ngơi để thờ phượng, tôn vinh, chúc tụng và phụng sự Thiên Chúa là một hình thức được bồi dưỡng tâm linh. Con người không phải lao động vào ngày Sa-bát để toàn tâm toàn ý ngợi khen và tôn kính Thiên Chúa, đồng thời có sức khỏe thể lý để tiếp tục lao tác với Thiên Chúa, nghĩa là được bồi dưỡng thể lý, được chữa lành thân xác đã bị bào mòn bởi việc lao tác.

Người bại tay cần được bồi dưỡng và chữa lành thể lý, để anh ta có thể phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa. Người Pha-ri-sêu đã dùng Luật Sa-bát để hủy hoại tâm linh của họ khi nỗ lực ngăn cản Đức Giê-su làm điều lành. Họ lên án việc chữa bệnh vào ngày Sa-bát của Chúa Giê-su vì lòng ghen tỵ, ích kỷ. Họ sợ sức ảnh hưởng của Chúa trên người khác. Họ sợ quyền lực của họ bị suy giảm. Rõ ràng họ thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa và nệ luật. Vì thế, mặc dù người Pha-ri-sêu giữ luật Sa-bát nhưng sự tuân giữ luật không đem lại ích lợi cho đời sống tâm linh của họ. Ngày Sa-bát không giúp họ được chữa lành sự "khô bại" nơi tâm hồn họ.

Đôi khi chúng ta cũng giống những người Pha-ri-sêu trong đoạn Lời Chúa hôm nay. Chúng ta có cùng suy nghĩ và cách hành xử như những người này. Tức là chúng ta siêng năng đi Lễ, đọc kinh, cầu nguyện..., nhưng chúng ta không muốn người khác nổi trội hơn mình, không muốn người khác trở nên những con người đạo đức, thánh thiện và đầy sức sống thần linh của Chúa. Do đó, phải chăng Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sử dụng ngày Sa-bát như một tặng ân của Thiên Chúa để giúp chúng ta được bồi dưỡng và chữa lành cả tâm hồn lẫn thể xác?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Lc 6:12-19(Thứ 3, XXIII-TN)

(Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên)

"Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ" (Lc 6:13).

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su tuyển chọn mười hai Tông Đồ. Trước khi tuyển chọn, Đức Giê-su đã lên núi thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Điều này cho thấy Đức Giê-su rất nghiêm túc trong việc tuyển chọn các Tông Đồ, việc tuyển chọn rất thánh thiêng, và sự chọn lựa của Người dựa trên nền tảng là sự cầu nguyện.

"Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ", nghĩa là Đức Giê-su tuyển chọn người làm Tông Đồ khá kỹ càng và nghiêm túc. Sau một thời gian làm việc và chia sẻ cuộc sống với các môn đệ, Đức Giê-su biết rõ từng người trong số họ, hiểu họ và lý tưởng của họ thế nào, nên Người đã làm một sự chọn lựa và giao phó trách nhiệm (sứ mạng). Như vậy, việc trở nên Tông Đồ của Chúa đến từ hai phía: phía con người và phía Thiên Chúa. Con người sẵn lòng theo Chúa, ở lại với Chúa, cùng làm việc với Chúa, nhưng sự chọn lựa đến từ Chúa. Ai cũng có ơn gọi làm môn đệ của Chúa, nhưng không phải ai cũng có thể làm Tông Đồ của Chúa, bởi vì, "kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít". Dù được chọn hay không được chọn, thì tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa, đều có trách nhiệm và bổn phận chia sẻ sứ mạng của Chúa.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta có nhận ra Chúa đang mời gọi chúng ta làm người tông đồ của Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Người và sẵn sàng đón nhận sự chọn lựa của Chúa không? Chúa muốn chúng ta làm gì cho Người: làm môn đệ (linh mục) của Chúa hay làm tông đồ (giám mục) của Người? (Xin lưu ý rằng tất cả giáo dân, các Ki-tô hữu, đều là những linh mục phổ quát, nghĩa là được tham dự vào chức tư tế của Đức Giê-su và như một chiếc cầu nối kết nhân loại với mọi thành phần dân Chúa; khác với chức linh phổ quát là chức linh mục thừa tác (có chức thánh, quyền thánh chức) có thể hành động trong tư cách của Đức Giê-su Ki-tô qua việc dâng lễ và ban ơn tha tội...)

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Lc 6:20-26 (Thứ 4, XXIII-TN)

(Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên)

"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó" (Lc 6:20).

20 Bấy giờ, Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21 "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
22 "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
25 "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
26 "Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế."

Bạn thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về bốn mối phúc và bốn mối họa. Khác với TM Mát-thêu nói về Tám Mối Phúc, có lẽ thánh Luca chia tám mối phúc thành hai phần, gồm bốn mối phúc và bốn mối họa, và cả tám mối này có mối tương quan hữu cơ với nhau.

Mối phúc đầu tiên theo Thánh Luca là mối phúc về sự nghèo khó: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó" (Lc 6:20). Nghèo khó thường đi đôi với đói khổ và than khóc, nên tác giả Tin Mừng nói tiếp "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói", "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc". Nghèo khổ, đói rách, khóc than... thường bị người khác xa lánh, khinh thị: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa". Như thế, theo thánh sử Luca, người nghèo khổ là người có phúc. Thánh Mát-thêu thì đề cao sự nghèo khó trong tâm hồn (hoặc tinh thần): "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5:3). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ mối phúc thứ bốn của thánh Luca, chúng ta có thể nhận thấy rằng ngài cũng nhấn mạnh về chiều kích nội tâm trong bốn mối phúc: "Phúc cho anh em khi vì Con Người ...". Nghĩa là, những gì chúng ta phải chịu, dù là nghèo khó hay bị sỉ nhục và chịu bắt bớ, thì phải đến từ tình yêu dành cho Đức Giê-su và "vì Con Người", hoặc khát khao được đồng hình đồng dạng với Người trong mọi sự dù đang sống trong hoàn cảnh gì chăng nữa.

Đối nghịch với bốn mối phúc là bốn mối họa. Mối họa thứ nhất là sự giàu có (tương phản với sự nghèo khó). Giàu có thì được no nê, dư giả. Đó là mối họa thứ hai. Giàu có thường vui cười (mối họa thứ ba) và được ca tụng (mối họa thứ tư). Đối với Đức Giê-su, tất cả những điều này, giàu có - no nê - vui cười - được ca tụng, đều là những thứ giả tạo, nghĩa là những điều bên ngoài, chưa chắc phản ánh tâm trạng bên trong của con người, vì "các ngôn sứ giả cũng từng được cha ông họ đối xử như thế" (Lc 6:26). Thực thế, không thiếu người giàu có, nhưng không có hạnh phúc hoặc ăn uống thiếu thốn vì keo kiệt, hà tiện. Không ít người giàu có nhưng bị khinh chê đủ điều.

Vậy, đâu là điều cốt lõi Chúa muốn giáo huấn chúng ta qua bốn mối họa và bốn mối phúc? Phải chăng Chúa cần mỗi người chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống tương quan với Chúa, nội tâm hóa và thiêng liêng hóa mọi sự, dù là sự giàu có hay nghèo khó, để chúng ta luôn có một con tim quân bình, vui tươi và tự do?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Lc 6:27-38 (Thứ 5, XXIII-TN)

(Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên)

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây" (Lc 6:27).

27 Bấy giờ, Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng: "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thoạt nghe thật chói tai, nhưng đó lại là những điều căn bản nhất của Đức Ái Ki-tô Giáo.

Chúa khuyên chúng ta hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét chúng ta, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa chúng ta và cầu nguyện cho kẻ đã vu khống chúng ta, v.v.. Thực thi những điều Chúa khuyên dạy là đi ngược lại với bản tính tự nhiên trong con người chúng ta. Đức Ái Ki-tô Giáo đòi buộc người tín hữu phải lội ngược dòng nước, phải làm những điều mà người không có đức tin cho là ngu dại. Tuy nhiên, chúng ta sống và thực thi Đức Ái Ki-tô Giáo vì điều gì, vì ai?

Câu trả lời nằm ở phần thứ hai (Lc 6:35-38) trong đoạn Lời Chúa hôm nay (Lc 6:27-38), nghĩa là chúng ta sống và thực thi Đức Ái Ki-tô Giáo vì phần rỗi linh hồn mình, vì ước ao được Thiên Chúa tha thứ và ban ơn lành, vì tình yêu dành cho Đức Giê-su - chuẩn mực của Đức Ái Ki-tô Giáo. Chúng ta sẽ được làm con Thiên Chúa, được cảm nếm lòng nhân từ của Thiên Chúa, không bị xét đoán nhưng được thứ tha, được ban ơn nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Như thế, việc sống và thực thi Đức Ái Ki-tô Giáo không làm chúng ta thiệt thòi và bị ngu dại trước mặt người đời, ngược lại chúng ta trở nên những người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và hưởng nhiều lợi ích cho tâm hồn.

Tình yêu của chúng ta cần đặt nền tảng trên tình yêu của Đức Giê-su, một tình yêu hiến dâng và trao ban vô vị lợi, dẫu biết rằng tình yêu ấy làm chúng ta chịu nhiều đắng cay, buồn phiền, thiệt thòi, tan vỡ con tim..., nhưng lại là tình yêu chiến thắng mọi thứ tình yêu của một con người thuần túy, vì đó là một tình yêu siêu nhiên, vượt trội nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta học với Người cách yêu thương, và cách sống và thực thi Đức Ái Ki-tô Giáo, cũng như luôn biết lắng nghe tiếng Người phán dạy ("Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây" (Lc 6:27)), các bạn nhé!

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Lc 6:39-42(Thứ 6, XXIII-TN)

(Tết Trung Thu - Cầu nguyện cho các em thiếu nhi)

"Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!" (Lc 6:42).

9 Bấy giờ, Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng chúng ta sẽ cầu nguyện hôm nay gợi lên trong tâm trí chúng ta về cách đối nhân xử thế khởi đi từ sự Biết Mình. Làm thế nào để chúng ta biết mình là ai và như thế nào, để chúng ta sống vui tươi, lành mạnh và tự do, không lên án hoặc xét đoán người khác?

Biết Mình là thành quả của sự cầu nguyện liên tục và siêng năng xét mình hằng ngày, ít là mười lăm phút trước khi đi ngủ. Một người luôn để Lời Chúa dẫn dắt, dần dần họ sẽ nhận ra con người thật của mình cách chân xác nhất, nhờ đó, họ biết Chúa nhiều hơn, sâu hơn và chân thực hơn. Xét mình giúp họ có cơ hội đối diện với con người thật của mình, nhận ra những thiếu sót của bản thân, khẩn cầu ơn thánh Chúa để được hoán cải tận căn. Xét mình giúp họ biết dừng lại đúng lúc khi chuẩn bị bước vào con đường lầm lạc, ngăn cản họ làm những điều không phù hợp với ý Chúa, cải thiện mối tương quan bị đỗ vỡ hoặc đang khủng hoảng với Thiên Chúa, và nhạy bén với thánh ý của Người.

Một người biết mình là một người có đôi mắt tâm hồn trong sáng và thanh cao; nhờ đó, họ không dẫn dắt người khác đi vào con đường gian tà, không dễ dàng xét đoán kẻ khác, nhưng có tâm hồn và suy nghĩ khiêm tốn, nhỏ bé, bao dung và cảm thông.

Bạn có khát khao được Biết Mình? Bạn có trung thành trong cầu nguyện và xét mình mỗi ngày không? Bạn có bao giờ xin Chúa ban cho bản thân ơn Biết Mình chưa?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Ga 3:13-17(Suy tôn Thánh Giá, 14/9)

LỄ SUY TÔNTHÁNH GIÁ (14/9)

Bấy giờ, Đức Giêsu nói với ông Nicođêmo: 13 "Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ."

Bạn thân mến,

Đối với những người không có đức tin hoặc chưa tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian, Đấng thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và con cháu của ngài, Thánh Giá là biểu tượng của sự điên rồ và cuồng tín.

Ngắm nhìn Đức Giê-su trên thập giá, chúng ta nhận ra điều gì? Phải chăng nơi ấy chất chứa sự điên rồ? Phải chăng đức tin vào Chúa Chịu Nạn và Phục Sinh là sự cuồng tín?

Thập giá mà không có Đức Giê-su chịu đóng đinh trên đó, thì mãi mãi chỉ là thập giá, không thể là Thánh Giá. Thập giá sẽ trở thành Thánh Giá khi nơi ấy có Chúa hiện diện, một Cứu Chúa chịu nạn, chịu treo trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại và dẫn đưa nhân loại vào một kỷ nguyên mới và một chân trời mới: "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3:14-15).

Thánh Giá nối kết đất với trời (thanh đứng), nối kết con người lại với nhau (thanh ngang). Như thế, Thánh Giá là biểu tượng của sự hòa giải, của tình yêu tha thứ và cứu chuộc qua trung gian là Đức Giê-su Ki-tô. Thực vậy, hai cánh tay của Đức Giê-su trên thập giá kéo con người lại với nhau, đầu và chân của Người giúp con người được chạm vào Thiên Chúa Yêu Thương và Nhân Hậu. Không có Đức Giê-su, ai sẽ là trung gian hòa giải khả tín giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa? Chỉ có một Đấng yêu thương con người hết tình mới sẵn lòng chịu chết để làm trung gian hòa giải và bị người đời coi là điên rồ mà thôi.

Vâng, Đức Giê-su chấp nhận bị coi là điên rồ, để nhờ sự điên rồ của Người mà nhiều người nhận ra tình yêu cao vời và huyền nhiệm của Thiên Chúa. Nếu chúng ta trở nên "điên rồ" như Đức Giê-su, chúng ta sẽ đạt tới tình yêu siêu việt của Người và chạm tới Tình Yêu Thiên Chúa, để chúng ta được Người thứ tha và sống hạnh phúc bền lâu. Chúng ta có chấp nhận bị xem là kẻ điên rồ và khiến nhiều người không hiểu nổi tình yêu vô vị lợi của chúng ta khi tin và học nơi Đấng Cứu Chuộc trên thập giá không? Ngắm nhìn Thánh Giá, bạn có cảm nhận được sự chữa lành của Chúa nơi tâm hồn bạn không?

Bên cạnh đó, nếu bạn để ý các cầu thủ bóng đá, hoặc vận động viên của các môn thể thao khi họ bắt đầu thi đấu, hoặc khi họ giành chiến thắng, thì họ thường làm dấu thánh giá. Vì thế, Thánh Giá không chỉ chữa lành những thương tật nơi tâm hồn con người, nhưng còn là dấu chỉ của niềm tin, của hy vọng, của sự vinh thắng. Tuy nhiên, khi Chúa mời gọi người môn đệ hãy vác thập giá mình mà theo Chúa, thì thập giá ấy rất đa dạng, thường là nỗi khổ đau, oan khiên, bệnh tật, v.v.. Nếu thập giá luôn có Chúa song hành, thì đó chính là thánh giá. Thập giá của con người sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi họ ý thức đó là một phần của ơn gọi làm con cái Chúa, khi họ yêu Chúa và tin vào Chúa, khi họ không chối bỏ thập giá nhưng đón nhận với tấm lòng hy sinh và quảng đại.

Chuyện kể rằng có một người kia, trong đêm tối, đi gặp Chúa và than rằng "Chúa ơi, thánh giá của con khó vác quá!" Chúa từ tốn đáp lại rằng "Vậy, con hãy đến kho thánh giá mà chọn cây khác để vác". Anh đã đi và làm theo lời chỉ dẫn của Chúa. Anh tới kho thánh giá, đặt thánh giá của anh một chỗ, rồi đi tìm và chọn lựa cây thánh giá hợp với anh. Anh tìm đủ loại thánh giá, nào là loại bằng gỗ, bằng bùn, bùng sắt, bằng thủy tinh. Tìm hoài nhưng chẳng thấy cây nào thích hợp! Loại gỗ thì vác đau vì có dằm đâm vào vai, loại sắt thì quá nặng nề, loại bùn thì nhẹ nhưng khó vác vì cứ trơn tuột, loại thủy tinh không nặng không nhẹ nhưng phải vác cẩn thận, nếu không sẽ bị vỡ tan tành. Đi một vòng, cuối cùng anh tìm được cây thánh giá vừa ý. Anh chạy tới khoe với Chúa rằng "Con tìm được rồi, Chúa ơi. Vui quá! Đây là cây thánh giá hợp với con nhất. Con chọn nó!" Chúa vẫn từ tốn trả lời anh: "Con ơi, con chọn kỹ chưa? Nếu con quyết định chọn cây đó, thì Ta bảo con biết, đó chính là cây thánh giá ban đầu của con, cây thánh giá con đã than phiền là khó vác!"

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 15:1-32 (CN XXIV-TN Năm C)

(Chúa Nhật Tuần XXIV Thường Niên C)

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả cho chúng ta thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua tình yêu bao la, hải hà của Người dành cho các tội nhân, bởi vì những người Pha-ri-sêu và Kinh sư tin rằng con người được cứu độ là nhờ vào sự công chính của bản thân, chứ không phải do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nếu đọc cả ba dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng Lc 15, chúng ta sẽ nhận ra một điểm chung, đó là Thiên Chúa khát khao con người sám hối, trở về với Người; Thiên Chúa là Đấng chủ động tìm kiếm người lầm lạc thể hiện qua sự gần gũi của Con Thiên Chúa với những người bị xem là những kẻ tội lỗi; và khi con người biết ăn năn sám hối, Thiên Chúa sẽ dùng tình yêu và lòng thương xót của Người để giúp họ đạt tới ơn cứu độ và cả triều thần thiên quốc hợp hoan chúc tụng Thiên Chúa Tình Yêu vì sự trở về của họ. Và điểm chung này được diễn tả qua ba trạng thái: lạc (mất) - tìm - tìm được; buồn lo - hy vọng - hân hoan. Ba trạng thái này cũng diễn tả về niềm vui Tin Mừng của những người có đức tin, nghĩa là có niềm tin, tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa thì sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc đích thực, cảm nhận lòng thương xót của Người.

Tóm lại, Đức Giê-su kể ba dụ ngôn để miêu tả dung nhan hiền hậu và khiêm nhường, cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa, để giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta được cứu độ là nhờ tình xót thương của Thiên Chúa và dù cho chúng ta có sống công chính thì đó cũng là do ơn sủng của Thiên Chúa ban cho chúng ta, bản thân mỗi con người không thể tự mình sống công chính, và có khi sự công chính của người đời là sự bất chính trước mặt Thiên Chúa. Con người chỉ có thể sống công chính khi đặt nền tảng trên lời giáo huấn của Đức Giê-su, của Tin Mừng.

Làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa đang xót thương mình, nếu chúng ta không nhận biết mình là một tội nhân, một người có một tâm hồn đầy rẫy sự bất chính cần biết sám hối và canh tân?

Chuyện kể rằng, vào một dịp Lễ Giáng Sinh, Thánh Giêrônimô (Jerome) đến cầu nguyện bên Chúa Hài Đồng. Thánh nhân cầu nguyện sốt sắng, tâm hồn tràn ngập tình yêu dành cho Chúa Hài Đồng, đến nỗi ngài nói với Chúa: "Chúa ơi, con xin dâng mọi sự cho Chúa, dâng cả con người con, dâng tất cả những gì con có..." Nghe thấy thế, Chúa Hài Đồng liền nói với thánh Giêrônimô: "Con còn thiếu một điều chưa dâng cho Ta!" Thánh nhân đáp lại rằng "Không đâu, con đã dâng mọi sự cho Ngài." Chúa Hài Đồng quả quyết: "Còn một thứ con chưa dâng tặng cho Ta, đó là tội của con."

Quả thực, con người chúng ta rất ngại đối diện với chính mình, rất ngại đối diện với tội lỗi của mình. Sám hối chính là từng ngày từng giờ dám đối diện với con người thật của mình trước mặt Chúa, để cảm nhận lòng thương xót vô biên của Người đang không ngừng dành cho chúng ta. Người con hoang đàng đã làm được điều đó, và anh đã được người cha đón nhận và phục hồi nhân phẩm và danh dự cho anh khi xỏ dép, đeo nhẫn, mặc áo đẹp cho anh, và giết cả con bê béo ăn mừng nữa.

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

 

 

Lm Giuse BCD, SJ

Read 13909 times