Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên.
Thánh Gio-an Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
1Tm 1,1-2.12-14; Lc 6,39-42.
BIẾT MÌNH
Thánh nhân sinh năm 334, tại kinh thành Antiôkia thuộc xứ Syria, cha ngài là một sĩ quan nhưng đã sớm từ trần, để lại một người vợ trẻ mới hai mươi xuân xanh và hai đứa con thơ. Mẹ ngài, mặc dầu còn trẻ, nhưng cũng quyết thủ tiết thờ chồng nuôi con.
Từ bé cậu Gioan đã hấp thụ được nơi người mẹ hiền một đức tin sắt đá, một lòng hy sinh hào hiệp, và một tình ái trong sạch. Cậu Gioan học khoa hùng biện với Dibaniôt, một giáo sư tu từ học ngoại giáo lỗi lạc và bậc nhất ở Antiôkia thời ấy. Vì có một hiểu biết rất sâu rộng về giáo lý, nên cậu được lĩnh nhận nhiệm tích rửa tội sớm hơn các bạn. Chính tay Đức giám mục Mêlét đã rửa tội cho cậu.
Ít năm sau, nhờ ảnh hưởng thánh Basiliô, thầy Gioan cảm thấy ơn kêu gọi sống cuộc đời ẩn tu trong rừng vắng. Nhưng thầy buộc lòng phải bỏ ý định đó, trước những giọt lệ đầy thương mến và lưu luyến của mẹ.
Mùa xuân năm 373, thầy Gioan được tuyển trạch lên chức độc thư; thầy bắt đầu được gia nhập hàng giáo sĩ và nổi tiếng về khoa hùng biện, trí thông minh, lòng đạo đức. Bạn chí thiết của ngài là thánh Basiliô. Mọi người trong thành phố Antiôkia không ai mà không biết tiếng hai thầy. Toàn dân đồng thanh tôn phong hai thầy lên chức vị Giám mục. Thầy Basiliô đến tận nhà thầy Gioan bàn bạc tìm cách từ chối chức vị nặng nề kia. Nhưng Gioan không muốn Giáo hội bị thiệt thòi vì mất một vị Giám mục thông thái và thánh thiện như thầy Basiliô. Ngài khuyên thầy Basiliô không nên trốn tránh đi đâu cả, cứ việc ở nhà như thường.
Trong khi đó thầy Gioan lại tìm một chỗ rất kín đáo để ẩn mình. Thầy Basiliô nghe lời bạn trở về nhà sống yên hàn như không có truyện gì xảy ra. Ít ngày sau, dân chúng lũ lượt kéo tới nhà thầy Basiliô, nhất định mời cho bằng được thầy Basiliô lên nhà thờ để tôn phong ngài làm Giám mục. Dân chúng nói dối ngài là thầy Gioan bạn ngài cũng đã đồng ý nhận chức Giám mục. Nhưng sau khi đã thụ phong, ngài mới biết Gioan đã cố ý lập mưu để nhường chức Giám mục cho mình. Đức giám mục Basiliô tìm gặp Gioan và trách Gioan vì đặt gánh nặng lên vai ngài.
Nhân dịp này thầy Gioan sáng tác một cuốn sách bình luận về chức vụ linh mục. Nội dung cuốn sách rất phong phú: Gioan trình bày theo lối giáo khoa những nhiệm vụ chính yếu của linh mục và giám mục. Chính lúc ngài soạn tác phẩm kiệt tác trên đây, ngài cảm thấy mình bất xứng với chức vụ cao quý đó, nên ngài vẫn nuôi dưỡng một ước vọng thầm kín là một ngày kia được sống một cuộc đời tịch liêu hoàn toàn. Mùa đông năm 375, mẹ ngài qua đời, ngài rút vào miền núi gần Antiôkia để sống một đời ẩn tu hoàn toàn. Qua bốn năm sau, vì bị bệnh dạ dầy khá trầm trọng, ngài phải bỏ cuộc sống khổ tu để trở về Antiôkia.
Trở về Antiôkia là một chuyện bất đắc dĩ đối với ngài, vì tình trạng sức khỏe không cho phép ngài sống trong rừng. Tuy nhiên, ngài vẫn luyến tiếc cuộc sống ẩn tu mà ngài vẫn đề cao. Ngài đã dám so sánh sứ mệnh của một Giám mục với sứ mệnh của một thầy dòng ẩn tu.
Ngài về Antiôkia được ít lâu, Đức giám mục Mêlét truyền chức phó tế cho ngài năm 381. Qua năm 386, Đức giám mục Flavianô truyền chức linh mục cho ngài. Đây là lúc để tài hùng biện của ngài được nảy nở tuyệt mức. Trong suốt 12 năm trời, ngài đã làm cho dân thành Antiôkia mến phục về tài cũng như về đức. Ngài dùng tài hùng biện để đả kích những cố tật mê tín dị đoan của dân chúng, đồng thời ngài khích lệ dân chúng lướt thắng những yếu hèn của con người để vươn tới một cuộc sống thánh thiện của Thiên Chúa. Mỗi tuần, thường ngài giảng một lần vào ngày Chúa nhật. Mùa chay, hầu như ngày nào ngài cũng giảng thuyết.
Trong các bài giảng, ngài đã đề cập tới mọi khía cạnh của đời sống người kitô hữu. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề bác ái nhất là đối với những người nghèo khó thất nghiệp. Để giúp giáo hữu thực hiện bác ái đầy đủ, chính ngài đã làm gương bằng cách giúp đỡ người nghèo khó, có gì ngài cho nấy, có tiền cho tiền, có gạo cho gạo, có áo cho áo… Nhờ lòng nhiệt thành, chí hy sinh, tính tình hoạt động và lòng bác ái đặc biệt, ngài thật xứng đáng với danh hiệu là tông đồ nhiệt thành của Chúa Kitô.
Ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 409. Mãi tới năm 438, hài cốt ngài mới được rước cách linh đình về Constantinôpôli.
Để bù lại nỗi bất công do Hoàng hậu gây nên, Hoàng đế Thêôđôsiô II đã thân hành ra nghênh đón di hài của thánh Gioan và khiêm tốn quỳ phục trước quan tài của thánh nhân.
Với dụ ngôn: “Người mù dắt người mù” (6, 39-40), Chúa Giêsu mời gọi đừng xét đoán. Tuy nhiên, không xét đoán không có nghĩa là đặt tất cả trên cùng một bình diện như nhau. Có nhiều Kitô hữu còn lâu mới trưởng thành trong đời sống Kitô giáo (1 Cr 3, 1-3), vì thế, khôn ngoan nhất chính là trước khi xét đoán người khác, hãy tự xét đoán chính mình, vì người mù tối không thể tự phụ hướng dẫn người khác đến ánh sáng trọn vẹn của niềm tin.
Cuộc sống của người tín hữu là một chuẩn bị lâu dài để trở nên hoàn thiện (được dày công huấn luyện đầy đủ) để rồi người ấy sẽ nên giống như Thầy của mình là Chúa Giêsu, Đấng hằng tâm niệm rằng mọi người đều có thể hoán cải, thay đổi đời sống. Ước gì mỗi người học sống theo mẫu gương tha thứ và yêu thương của Chúa Giêsu đối với tội nhân, nhờ đó họ có khả năng hướng dẫn người khác, như Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Thầy sẽ cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Đó cũng là thái độ của Chúa Giêsu Phục Sinh khi Ngài gặp lại thánh Phêrô bên bờ hồ Tibêria, lúc đó Ngài không một mảy may đá động gì đến ba lần thánh nhân đã chối Thầy, nhưng mời gọi thánh nhân hãy sống kinh nghiệm tha thứ và yêu thương của Thầy mà biết cư xử với đoàn chiên mà Ngài giao phó thánh nhân coi sóc (Ga 21, 15-17)
Biết mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính con mắt của ta, nó gần mình nhất mà lại khó thấy nhất. Ta không thể biết mắt mình đẹp hay xấu nếu không soi gương, hoặc nhận biết từ người khác. Thầy Giêsu dạy muốn “dẫn dắt người” thì phải tự xét mình, phải biết mình trước đã. Khổ nỗi nhìn người khác thì chỉ thấy rõ những cái xấu chình ình mà không thấy điều tốt lành của họ.
Nếu có nhìn vào mình thì chỉ thấy “ngon cơm”, chẳng thấy được “cái tôi to đùng” như cái xà đang che kín mắt. Những xà, rác rưởi khiến ta thành người “có mắt như mù”, khi ấy có dắt người khác coi chừng lại “đưa nhau xuống hố”!… Vậy làm sao để biết được mình? Thánh Augustinô cho biết không tự mình biết được mà bởi Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
Chỉ có trở về với Chúa, trong ánh sáng Người soi chiếu vào mọi ngõ ngách sâu thẳm hồn ta, mới thấy rõ mọi thứ xà rác trong mắt mình. Chính Chúa sẽ hoán cải, đổi thay, chữa lành, thanh tẩy bụi bẩn, giải thoát ta khỏi mù lòa và làm cho ta có sức thay đổi cách sống của người khác. Trong khiêm nhường, ta xin Chúa để ta ta biết nhìn được phận mình mà không dám phê bình, chỉ trích tha nhân.
Huệ Minh