Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên.
Thánh Đa-minh Vũ (Phan) Đức Trạch, Linh mục (1840), Tử đạo.
1Tm 3,14-16; Lc 7,31-35.
ĐỪNG PHÊ PHÁN NGƯỜI KHÁC
Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chê trách Biệt phái thế nào, chúng ta suy niệm để nhìn lại bản thân mà cải thiện chính mình.
Thánh Phaolô nói: “Ai coi mình là cái chi chi trong khi mình là cái không không, thì người ấy là kẻ dối mình”. Trải dài nơi các trang Tin Mừng, ta thấy người biệt phái, luật sĩ thường coi mình là trung tâm, là thước đo là tiêu chuẩn để phê phán người khác. Họ cố chấp trước cái hay, cái tốt, cái thành công của người khác. Với ông Gioan Tẩy giả mà mọi người kính phục, lắng nghe, ca tụng như một ngôn sứ, thì người biệt phái, luật sĩ cũng lên tiếng chống đối. Rồi đến lượt Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai, rao giảng chân lý một cách có uy quyền, Ngài làm nhiều việc phi thường, người biệt phái và luật sĩ cũng phê phán chê trách.
Với người biệt phái và luật sĩ Chúa Giêsu nói: vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Lời nói của Chúa Giêsu biểu lộ tâm trạng xót xa của Chúa, trước sự cứng tin của những kẻ không chấp nhận giáo huấn của Ngài, đồng thời Ngài cũng tạo nên một ý thức cho người nghe.
Chúa Giêsu mạnh mẽ đả kích lối sống thờ ơ của những người đương thời qua dụ ngôn liên quan đến trò chơi dân gian của trẻ em Do Thái: “Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than” (Lc 7, 31-32).
Những lời nói này của Chúa Giêsu cho thấy: con người thời bấy giờ nói chung và các Biệt Phái nói riêng, đã tạo ra một lối sống dửng dưng trước những gì đang xảy ra. Họ quá bám víu vào việc thi hành lề luật và những hình thức thực hành tôn giáo vụ hình thức, trong khi đó lại thiếu hẳn tình yêu và niềm tin tưởng thực sự vào Thiên Chúa.
Và ta thấy rõ bằng chứng là, khi các ngôn sứ và đặc biệt Chúa Giêsu cảnh cáo họ về sự lệch lạc ấy và mời gọi họ đặt tất cả sự tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng ban lời hứa và luôn trung tín với lời Người đã hứa, thì họ lại không chấp nhận. Họ cố chấp để biện hộ cho mình. “Ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì họ cho rằng: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Lc 7, 33-34).
Rõ ràng, con người thế hệ đó và đặc biệt người Pharisêu đã có cái nhìn phiến diện hay lệch lạc về Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Họ không nhận ra vai trò đích thật của ông Gioan, cũng như sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế ở giữa họ. Họ sống cố chấp, không chịu mở lòng ra để đón nhận Lời Thiên Chúa, mà còn cố tôn tạo một thứ ngẫu tượng khác theo khuân đúc riêng của mình.
Để diễn tả sự cố chấp đó, Chúa Giêsu mượn trò chơi hát đối của trẻ em Do Thái ngồi chơi ngoài chợ làm dụ ngôn. Trò chơi này được chia làm hai phe để xướng đáp phù hợp. Phe một hát những bài ca bi ai, thì phe hai hát đáp lại bằng cử điệu đấm ngực than khóc: phe một cất giọng ca vui vẻ giả làm đám cưới, thì phe hai phải vui mừng nhảy nhót. Nhưng nhiều khi gặp những trẻ khó tính theo ý riêng hay có sự cố bất hoà với nhau, thì chúng không đối đáp theo lệ đã quen của trò chơi, khiến cho trò chơi mất ý nghĩa và mất vui “phe một thổi sáo mà phe hai không nhảy múa”.
Và rồi ta thấy Chúa Giêsu áp dụng ý nghĩa trò chơi: ông Gioan tẩy giả sống khổ hạnh, nêu cao tinh thần sám hối, và rao giảng sự sám hối , thì những kẻ chống đối cho ông là người điên, bị quỷ ám, nên họ không đón nhận lời ông rao giảng và không ăn năn sám hối. Còn Chúa Giêsu sống hoà đồng, bình dị với mọi người, cùng ăn cùng uống với mọi người, diễn tả tình thương cứu độ nên được dân chúng mến phục, thì họ lại bảo Ngài sống bê tha, buông thả, tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và người tội lỗi, nên họ đã không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, không đón nhận lời giáo huấn của Ngài. Nhưng đức khôn ngoan đã được tất cả con cái biện minh cho. Con cái của đức khôn ngoan là những người tin nhận Đức Giêsu Kitô, là người thể hiện ý định của Thiên Chúa, họ là con cái Thiên Chúa.
Chính việc họ tin nhận Đức Kitô đã biện minh rằng Chúa Giêsu chính là Đấng cứu thế, và những người cố chấp là sai lầm. tuy ông Gioan và Chúa Giêsu có hai đường lối khác nhau nhưng cả hai đều cùng chung một mục đích là loan báo thời cứu độ đã đến, cả hai cùng phục vụ thánh ý của Thiên Chúa qua sứ vụ tiền hô của Gioan và sứ vụ cứu thế của Đức Kitô. Chúa Giêsu khiển trách và vạch rõ sai lầm của những người cố chấp, đặc biệt là nhóm biệt phái kinh sư. Chúa Giêsu đã áp dụng một phương pháp sư phạm khôn khéo và một cách thức tế nhị, đúng như người ta thường nói: “với người khôn thì nói mánh với người dại thì đánh đòn”.
Trong Hội Thánh, trong một cộng đoàn, trong một công việc, tuy chúng ta có những hình thức khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng là phục vụ nước Cha trị đến, chúng ta cần phải biết thống nhất trong đa dạng và hiệp nhất trong khác biệt trong đời sống chung và trong công việc chung.
Qua việc Chúa Giêsu than trách những người Do Thái, chúng ta cũng nghe Chúa dạy chúng ta rằng: khi chúng ta làm bất cứ việc gì trong sứ vụ nào, chúng ta cũng không tránh khỏi những sự chê bai chống đối của người khác, làm cản trở công việc của chúng ta, chúng ta cần bình tĩnh và can đảm chịu đựng, vượt qua để trung thành với sứ vụ như Gioan tẩy giả, như Đức Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu luôn yêu thương tôn trọng, tế nhị với người khác khi chúng ta cần sửa sai cho họ một điều gì.
Khi đi làm tông đồ, và bản thân chúng ta cần khổ chế như Gioan tiền hô và cũng cần sống hoà đồng như Đức Kitô để tạo tình thân với mọi người, thuận lợi cho việc rao giảng. Chúng ta cũng cần nhìn lại bản thân trong cách sống khó hoà nhập với người khác, với Lời Chúa, với lời khuyên của Hội Thánh, đôi khi chúng ta cũng có thái độ sống khó đồng tình, khó cộng tác, không hiệp thông để tương trợ lẫn nhau làm cho bản thân, cộng đoàn không thăng tiến. Có khi làm hỏng việc chung nữa.
Trong đời sống chung chúng ta cũng tránh sự phê phán lên án người khác theo khuôn mẫu tiêu chuẩn, thước đo của mình, để tránh bớt sự sai lầm của mình, cản trở đời sống, công việc của người khác và sự thăng tiến cũng như lợi ích chung.
Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh và mở ra một lối đi mới, thúc đẩy con người thời đại mới ra khỏi những lối sống “yên thân”, ích kỷ, hẹp hòi hay cố thủ trong những thành kiến. Đồng thời, mỗi người hãy tự mình đi ra khỏi những vùng tối để đi vào miền ánh sáng, bằng cách đón nhận ánh sáng Lời Chúa. Đây là con đường sám hối và tin vào Tin Mừng, để dấn thân phục vụ, bác ái và yêu thương đồng loại theo gương Đức Giêsu Kitô.
Huệ Minh