Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên.
(Đ) Thánh Cót-ma (Comas) và Thánh Đa-mi-a-nô (Damianus), Tử đạo.
Kg 1,1-8; Lc 9,7-9.
SỐNG CÔNG CHÍNH
Trang Tin Mừng hôm nay muốn nhắc nhở chúng ta về sự thật và chân lý. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.
Sự xuất hiện của Chúa Giêsu với dân chúng đúng là một Vị Cứu Tinh đến với dân của Ngươi. Những phép lạ Chúa đã làm khiến nhiều người sửng sốt bỡ ngỡ, vì từ trước chưa có một vị tiên tri nào có thể làm được nhiều phép lạ giống như Người, và cũng chưa có một tiên tri nào có những lời giáo huấn thu hút được nhiều người đến để nghe Người giảng dạy. Ngay sau khi nghe tin Gioan bị chém trong ngục, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ cho người mù được thấy, người què đi được, người câm điếc nói và nghe được …
Chúa đã đem tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21). Người đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15, 32-39).
Ta thấy khi Hêrôđê phạm tội tày trời là cướp vợ anh mình, bị Gioan cảnh báo, “nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe” (Mc 6,20). Đã thế ông không hối cải mà lại càng lún sâu vào tội lỗi: trong một phút cao hứng lỡ lời ông hứa càn với con gái Hêrôđia, và vì sĩ diện ông đã truyền chém đầu Gioan Tẩy Giả. Phải chăng lương tâm không ngừng cắn rứt ông vì những tội ác đó nên ông lại phân vân và tìm cách gặp Chúa Giêsu? Thế nhưng sự hối hận của nhà vua chỉ là một thoáng phù du. Ông tìm gặp Chúa Giêsu chỉ để kiểm tra xem con người làm nhiều phép lạ đó có phải là Gioan hiện về đòi nợ máu ông hay không.
Chính Hêrôđê biết rõ nhân vật mà dân chúng đang đồn thổi không phải là Gioan Tẩy Giả, vì một lời hứa: chính ông đã ra lệnh chặt đầu Gioan tẩy Giả trong ngục. Vậy nhân vật mà mọi người đang đồn thổi là ai? Và nhân vật này còn vượt trội hơn cả Gioan nữa. Đối với một vị Vua như Hêrôđê điều ông ta muốn gặp con người nổi danh đó không phải là chuyện khó, nhưng tại sao ông ta không cho triệu vời người đó vào cung để gặp?
Hêrôđê đã được gặp Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12). Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân. Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện. Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao, nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ. Tiếc thay Chúa Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê. Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào. Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế. Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
Qua sự kiện này, chúng ta biết Hêrôđê đã không được diện kiến Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người đi Công bố Tin Mừng, vì quyền năng của Thiên Chúa chưa muốn tỏ hiện cho con người này. “Vì giờ của Con Người chưa đến” (Ga 7, 30b), cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa, khi Philatô chuyển giao Chúa Giêsu cho Hêrôđê, “thì Hêrôđê mừng rỡ lắm, vì từ lâu Vua muốn gặp Người” (Lc 23, 8).
Cuộc sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu, qua lời nói và việc làm của Ngài, đã gây nên tiếng vang lớn đến mọi người. Những người ngay lành và có thiện tâm thì vui mừng hân hoan cảm thấy Thiên Chúa đã đến gần. Nhưng đối với những ai không có tâm hồn ngay thẳng, những người bị danh vọng và dục vọng làm lu mờ tâm trí như vua Hêrôđê thì lại lo lắng. Vua Hêrôđê bối rối và lo sợ khi nghe đến danh tiếng Chúa Giêsu, vì ông đã nhiều điều sai trái.
Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó.
Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.
Ngày hôm nay, lương tâm của mỗi chúng ta có bối rối lo sợ khi nghe nhắc đến Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống hay không? Chúa cần nơi mỗi người là lòng ăn năn sám hối, nhìn lại bản thân mình để biết từ bỏ con người tội lỗi mà quay về với Chúa để Chúa thứ tha và đón nhận vào Nước Trời.
Huệ Minh