Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 26 Tháng 9 2019 06:54

Đức Kitô là ai đối với ta ?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đức Kitô là ai đối với ta ?


Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên.

Thánh Vincent de Paul, Linh mục, lễ nhớ.

Kg 1,15b-2,9; Lc 9,18-22.

ĐỨC KITÔ LÀ AI ĐỐI VỚI TA ?


Cha Vinh Sơn, người đề xướng việc bác ái hiện đại, là đấng sáng lập Dòng Lazaristes và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái tại Pháp.


Là nông dân vùng Landes, Vinh Sơn Phaolô vừa thông minh lại vừa có trực giác tốt. Sau khi học xong thần học ở Toulouse, Thầy Vinh Sơn được phong Linh Mục năm 1600. Vào năm 1612, người ta thấy cha ở trong triều của vua Henri IV. Sau đó là cha xứ Clichy, gần Paris, rồi tổng tuyên úy quân đội.


Nhưng vào năm 1617 mới xảy ra điều mà sau này cha gọi là “cuộc trở lại" của mình. Là cha xứ Châtillon-sur-Chalaronne, nằm ở trung tâm vùng Dombes, cha khám phá ở giữa vùng đầm lầy này tình trạng nghèo đói và bệnh tật, một tình trạng khốn khổ khủng khiếp. Cha Vinh Sơn lập tức hiểu ra rằng sự cứu trợ khẩn cấp không thể giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng khốn khổ ấy. Cha bàn bạc với các phụ nữ – là những người có óc thực tế – để thành lập "Hội Các Bà Bác Ái".


Cha Vinh Sơn Phaolô cũng quan tâm đến việc rao giảng Tin mừng cho các miền nông thôn: năm 1625 cha thành lập các Linh Mục truyền giáo mà sau này người ta gọi là Dòng Lazaristes vì các Linh Mục này sống ở Paris trong khu vực tu viện Thánh La-da-rô. Cha Vinh Sơn cũng phụ trách việc huấn luyện các Linh Mục là những người thường rất dốt nát vào thời bấy giờ.


Cha Vinh Sơn tuyển mộ các thiếu nữ nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại tình trạng nghèo đói: đó là các “Nữ Tử Bác Ái", do Louise de Marillac hướng dẫn. Mọi người đều nhớ đến chiếc áo thô dày và cái nón trắng lớn hình cánh chim: các chị đi xe đạp hay xe hơi hai ngựa, đó chính là các nữ tử bác ái !


Vào thời ấy Nước Pháp rất cần đến các chị. Các chị làm cho các bệnh viện thành nơi dễ chịu hơn, vì khi ấy bệnh viện là nơi làm người ta phải sợ hãi vì bệnh nhận chen chúc sáu người trên một chiếc giường. Đường phố đầy dẫy các người ăn xin, Cha Vinh Sơn quyết định mở một nhà đón tiếp, rồi mở nhiều "nhà nhỏ" do các nữ tu quản lý. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị bỏ rơi ở Paris: Louise de Marillac thành lập một bệnh viện cho các trẻ mà người ta nhặt được này. Để cứu giúp vùng Lorraine bị chiến tranh tàn phá, cha Vinh Sơn tổ chức đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên trong lịch sử.


Là một con người khiêm tốn nhưng nhiệt tâm và tháo vát, cha Vinh Sơn đã mặc cho Bác Ái một dung mạo hiện đại. Cha được phong thánh năm 1737 và là bổn mạng của công việc bác ái từ năm 1885.


Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy trước khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo Ngài, Ngài cũng lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Ta thấy Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình trước khi Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ về căn tính của Ngài : “Đám đông nói Thầy là ai ?” “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”


Các môn đệ đã trả lời cho Chúa Giêsu như một thông tin về đám đông đang nghĩ gì về Chúa. Ngài có thể như là : “Ông Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ vĩ đại Êlia, hoặc là một ngôn sứ nào đó đã sống lại.” Những nhân vật ấy đã từng xuất hiện giữa dân và có ảnh hưởng đặt biệt quan trọng trên đám đông dân chúng đang chịu cảnh áp bức của đế quốc. Phải chăng đám đông dân chúng này đang chờ đợi nơi Chúa Giêsu, sẽ làm một cuộc cách mạng nào đó để giải phóng họ khỏi sự đô hộ ? Kiểu như nhóm nhiệt thành chuyên xách động dân chúng chống lại đế quốc Rôma mà đứng đầu là Baraba, đang nổi lên nơi một vài vùng ?


Chúa Giêsu đang muốn biết các môn đệ, những người thân tín nhất của mình đang nghĩ gì về Ngài nên Ngài đã đặt tiếp câu hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Câu trả lời này mang nội dung đúng hơn và đủ hơn, so với đám đông dân chúng.


Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm vua trần thế.Thế nhưng rồi Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.


Như thế, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ như được trình bày trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị.


Phêrô và các môn đệ đã đang đi theo Đấng Mêsia nào ? Nếu các ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của các ông, thử hỏi các ông có còn muốn theo Ngài nữa không ?


Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã sống lại từ cõi chết vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?” Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giêsu mà Ngài vẫn đang hỏi chúng ta trong từng chặng của cuộc đời ? Tôi phải cần biết Ngài là ai đối với cuộc đời của tôi, bởi lẽ tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề biết. Dựa vào từng chặng kinh nghiệm trong cuộc đời, chúng ta có thể khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu khác nhau. Có lúc Ngài là Đấng ban phát ơn lành cho tôi. Có lúc Ngài là bạn đồng hành với tôi khi tôi gặp đau khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi nhất. Có lúc Ngài là người tôi yêu nhất khi tôi quyết định dấn thân vào đời sống tận hiến để phục vụ Tin Mừng.


Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn lại cách nghĩ của chúng ta về dung mạo đích thực của Chúa Giêsu. Khi thánh Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Kitô ấy theo quan niệm thông thường của người Do thái bấy giờ: là Đấng cứu tinh dân tộc Israel thoát ách nô lệ và xây dựng đất nước phồn vinh. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo đích thực của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại. Và lúc ấy các ông cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô có nghĩa là đi theo con đường thập giá.

Huệ Minh

Read 530 times Last modified on Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 19:01