Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên.
(Tr) Thánh An-tôn Ma-ri-a Cơ-la-ret (Claret), Giám mục.
Thánh Giu-se Lê Đăng Thị, Cai đội, chưởng vệ (U1860), Tử đạo.
Rm 6,19-23; Lc 12,49-53.
LỬA GIÊSU
“Lửa” gợi lên một sức mạnh hủy diệt, tàn phá. “Lửa” mang lại cảm giác ấm áp, êm đềm khi trời đêm giá lạnh. “Lửa” là biểu tượng của sự nhiệt huyết, hết mình cho lý tưởng… Và “lửa” thật sự cao quý khi được thấm chất linh thánh như lời Gioan Tẩy Giả loan báo: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16).
Đừng đùa với lửa, vì lửa có thể thiêu rụi, tàn phá, hủy diệt. Một đốm lửa bé xíu có thể đốt cháy cả một cánh rừng xanh tươi bát ngát, có thể thiêu rụi cả một thành phố, làng mạc, có thể tàn phá công trình của cả một đời người, một thế hệ. Vua Nêrông đã thiêu rụi cả thành Rôma rồi đổ tội cho các Kitô hũu; vua Tần Thủy Hoàng cũng khét tiếng trong vụ “đốt sách chôn nho”…
Chính vì sức tàn phá ghê ghớm đó của lửa, những hành vi phá phách, tiêu cực và nguy hiểm thường được diễn tả bằng những động từ liên quan đến lửa: “đốt”, “nướng”, “thiêu”, … chẳng hạn, “anh ta đốt hết gia tài vào cờ bạc”, “anh ta nướng cả tỷ bạc cho phi vụ bất chính này”, “anh ta lao vào ma túy như một con thiêu thân”… Cũng chính vì sức tàn phá đó, hình ảnh “lửa” cũng được biểu tượng cho chiến tranh, như chiến tranh khói lửa, chiến tranh lửa đạn, lửa chiến tranh, lửa căm thù…
Chúa Giêsu không đề cập ở đây thứ lửa “vật chất” đó. Ngài cũng không dùng “lửa” theo nghĩa tiêu cực, như những kẻ chống đối Ngài muốn gán ghép để xuyên tạc chân lý. “Lửa” trong Kinh Thánh Cựu Ước có nghĩa là quyền năng vinh quang của Thiên Chúa, sự xét xử của Thiên Chúa, sự thanh luyện của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Tân Ước, “Lửa” có nghĩa là “lòng mong muốn”, là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. “Lửa” mà Chúa Giêsu dùng ở đây trước hết có nghĩa là lòng khao khát, thao thức của Ngài để thi hành sứ vụ cứu độ cho muôn dân. Người Việt có câu “nóng lòng như lửa đốt”. “Lửa” ở đây chính là “sự nóng lòng” của Chúa Giêsu muốn hoàn thành cuộc Vượt Qua (chết và phục sinh) để mang ơn cứu độ cho anh em mình. Chính Ngài khẳng định điều này ở câu tiếp theo: “Thầy còn phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất!”.
Như thế, ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế gian chính là ngọn lửa Thần Khí, ngọn lửa tình yêu, tha thứ, ngọn lửa niềm tin và cứu độ. Chính Thần Khí ấy đã mở lòng trí cho các tông đồ thấu hiểu Kinh Thánh. Nay Thần Khí ấy cũng được Chúa Giêsu ban cho hết thảy mọi người phàm (x. Cv 2, 17), để thế gian nhận biết Lời rao giảng của Đức Giêsu là “Lời của Thần Khí và sự sống” (x. Ga, 6, 63). Lời ấy đang vang vọng đến từng ngóc ngách, khu xóm, với niềm khát khao con người mở cửa đón chào.
Đức Kitô đem lửa tình yêu đến nung nấu thế giới không một chút tình người, không mảy may hy vọng vào sự hiệp thông phổ quát đích thực, không có tinh thần vô vị lợi. Chỉ có lửa đó mới nung nấu lòng người, dẹp tan mọi nghi kỵ hận thù và chiến tranh là những mối nguy cho tình bằng hữu giữa người với người, dân này khác với dân kia.
Nhưng lửa ấy làm sao bùng cháy lên? Lửa ấy sẽ bùng cháy lên, vì lửa ấy chính là quyền năng của Thiên Chúa; lửa ấy chính là Thánh Thần Thiên Chúa, Thánh Thần tình yêu, Thánh Thần thánh hóa, canh tân, cứu độ. Phải, Chúa Giêsu là “Ánh Sáng thế gian”; Ngài đến để chiếu sáng, để sưởi ấm, để thanh luyện, để tôi rèn thế gian bằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, như lời tiên tri Gioan đã loan báo: “Có Đấng đến sau tôi, Ngài sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và lửa”. Lửa Thánh Thần đó cần bùng cháy lên, cần đốt nóng lến, cần bừng sáng lên, cho thế gian được rạng ngời ơn cứu độ của Thiên Chúa.
“Thầy đã ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Chúng ta hãy cùng thao thức với Chúa Giêsu, làm sao để cho lửa ấy bùng cháy lên, đốt nóng tâm hồn và rực sáng trong cuộc đời chúng ta, trong gia đình và cộng đoàn chúng ta, để mỗi người chúng ta là một ngọn đèn rực lửa, chiếu sáng và sưởi ấm những người mà chúng ta gần gũi, gặp gỡ, tiếp xúc… “Những ngọn hải đăng không ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng!”.
Mỗi người chúng ta là một đốm lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế gian. Ngày lãnh phép Rửa Tội, chúng ta đã đón nhận lửa thiêng Thánh Thần, đã đón nhận ánh sáng Chúa Kitô, đã đón nhận ngọn đèn đức tin. Ngọn lửa Kitô, ngọn lửa đức tin đó của chúng ta cần phải rực cháy, tỏa sáng mãi để góp phần chiếu sáng và sưởi ấm môi trường chúng ta đang sống. Chúng ta phải làm gì? Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã chỉ dẫn chúng ta, đó là “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn niềm tin (…) hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí….” (Dt 12, 1-4).
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lan toả ngọn lửa này vào trong thế giới, nhờ đó mà chúng ta được nhìn nhận là các môn đệ đích thực của Ngài. Ngọn lửa tình yêu, được Đức Kitô thắp sáng trong thế giới qua Chúa Thánh Thần, là một ngọn lửa không có giới hạn. Đó là một ngọn lửa mang tính hoàn vũ.
Điều này đã là thế kể từ những ngày đầu của Kitô Giáo: việc làm chứng cho Tin Mừng đã được lan toả như một ngọn lửa hữu ích, vượt thắng mọi sự chia rẽ giữa các cá nhân, các kiểu xã hội, các dân tộc và các quốc gia. Việc làm chứng cho Tin Mừng bùng cháy. Nó thiêu đốt hết mọi hình thức chủ nghĩa đặc quyền và làm cho lòng bác ái mở ra với mọi người, với một sự ưu tiên cho người nghèo nhất và những người bị loại trừ.
Hãy để cho ngọn lửa của Chúa Giêsu làm biến đổi tâm hồn chúng ta, canh tân đời sống chúng ta
Huệ Minh