Có lần tôi về quê dự đám cưới họ hàng. Đây có thể là dịp để mình gần gũi trò chuyện với người thân. Nhưng hình như nó lại là ngày được nghe những lời chê “vô tội vạ”. Các bạn thử nghe xem:
- Ơ, cha lâu rồi không gặp, gớm kỳ này béo thế!
- Ôi mẹ ơi, giảm béo đi, béo quá rồi.
- Bao nhiêu cân rồi cụ? Trông hai má có nọng luôn rồi.
- Ăn ít thôi, ăn như lợn thì lo gì không béo!
- Hehe . .
Đa số họ không phải là ghét nên chê, mà hình như chê đã thành thói quen nơi cửa miệng nhiều người. Họ chỉ biết chê mà không biết khen nên cách nói chuyện cũng tẻ nhạt là vậy. Vì:
“Khi được khen ai cũng vui tươi,
Khi bị chê ai cũng buồn chán”
Con người thì ai cũng thích được khen, nhưng lạ, là lại thích chê bai người khác cho sướng cái miệng. Nhất là các cô gái thích đăng ảnh facebook và chờ được khen, nhưng lại hay chê các cô khác. Có nhiều lần tôi nghe:
- Con bé này ngoài đời chẳng "hot" như trong hình đâu cha ơi! Rồi đến cô kia dạo này già nhanh quá!, và "Bạn B. lớp con ngày xưa, gớm tự tin thật đấy, body thế này mà chụp hình khoe suốt. Vậy mà cũng nhiều người khen xã giao ghê!".
Khổng Tử từng dạy rằng: đừng than phiền về tuyết trên nóc nhà hàng xóm khi ngưỡng cửa nhà bạn chưa sạch. Nhiều người thường có thói quen chê bai người khác mà không tự nhìn lại bản thân mình. Họ tưởng rằng khi chê bai một ai đó thì họ trở nên giá trị hơn trong mắt những người xung quanh.
Chúa Giê-su cũng không hài lòng về kiểu nói chê bai người khác của người Phariseu.
“Người Phariseu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (lc 18.11)
Nhìn lại mình đôi khi chúng ta cũng từng tranh cãi với người khác: Tôi đúng, anh sai ?
Đôi khi chúng ta cũng từng bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa?
Đôi khi chúng ta cũng tự hào hãnh diện khi thấy mình hơn ai đó nhiều mặt đó sao?
Như vậy, chính tôi là những Phariseu đứng thẳng trong đền thờ và khoe với Chúa công trạng của mình.
Chúa chắc chẳng không cần công trạng của chúng ta. Chúa cần tấm lòng khiêm cung ăn năn sám hối của chúng ta mà thôi.
Một trong những sứ điệp nền tảng của Kitô giáo chứa đựng trong lời kêu gọi của Chúa Giêsu:”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sự sám hối đòi phải có thái độ khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta sống đúng với con người thật của mình. Sự khiêm nhường cũng giúp chúng ta không cậy dựa vào sức mình quá đáng nhưng biết cậy dựa vào ơn Chúa và sự trợ giúp của đồng loại để hoàn thiện mình mỗi ngày một tốt hơn. Sự sám hối sẽ giúp ta chân thành nhận ra sự bất toàn, khuyết tật của mình để biết cảm thông với thiếu sót của tha nhân.
Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, để hiểu và thông cảm với anh em và để có thể cất lời ngợi khen Chúa là Đấng thánh, ngàn trùng chí thánh. Xin đừng vì những thói tự cao tự đại mà trở thành kẻ lừa dối Chúa và anh em. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền