CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN.
Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14.
ĐỪNG TỰ CAO TỰ ĐẠI
Hồi đó, dân Do thái bị người Rôma đô hộ. Chính phủ độ hộ không tự tổ chức thu thuế lấy, như chúng ta thấy ở Hoa kỳ chẳng hạn. Nhưng họ cho đấu thầu. Đã thầu thì ai thầu cao nhứt, sẽ được độc quyền thu thuế. Dĩ nhiên hạng người thu thuế nầy bị dân chúng gớm ghét và coi là hạng người tội lỗi. Tội lỗi phép công bằng. Tội bóc lột, làm giàu trên xương máu đồng bào. Tội làm tay sai cho chính quyền ngoại bang Rôma.
Trong dụ ngôn hôm nay, ta thấy một người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện cùng một trật với một người thu thuế. Hạng người sau nầy bị dân chúng coi như ngược lại với người biệt phái. Người biệt phái được coi là thánh thiện, thì người thu thuế bị coi là tội lỗi.
Ta thấy Chúa Giêsu đang vẽ lên hai diện mạo đối chọi nhau hoàn toàn: ‘một người thuộc nhóm Biệt Phái / người kia làm nghề thu thuế’. Cả hai diện mạo này đều rất gần gũi và điển hình trong xã hội Do Thái thời bấy giờ: một thật tích cực đáng trọng và một thật tiêu cực đáng khinh.
Và ta thấy chính kết luận của Chúa Giêsu thực sự gậy kinh ngạc vì nó ngược hẳn với lối suy nghĩ được mọi người chấp nhận, và như thế bài học Người dạy chắc hẳn phải quan trọng lắm đối với Tin Mừng mà Người đang ra công quảng bá. Quả đúng như thế, vì nó liên quan tới khái niệm ‘công chính’, một khái niệm nền tảng của tất cả mọi trật tự xã hội mọi thời.
Trong câu chuyện được kể, ta thấy Chúa Giêsu đã không đặt hai hạng người này trên bình diện xã hội, mà là trước mặt Thiên Chúa trong diện Tin Mừng; ‘Có hai người lên đền thờ cầu nguyện…’. Cái sai của người Biệt Phái là ở chỗ: đứng trước Thiên Chúa mà ông vẫn cứ tiếp tục giữ thái độ xã hội. Còn người thu thuế thì khác; chính địa vị xã hội hèn kém (‘Người thu thuế thì đứng ở đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời’) đã là cơ sở để ông có được tư thế ‘công chính’ trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Giêsu phê phán những người biệt phái tự hào mình là người công chính và khinh chê người khác. Người đó đứng riêng biệt một mình để cầu nguyện trong đền thờ, cử chỉ này nói lên phần nào thái độ tự hào và khinh dể người khác. Đứng riêng ra để khẳng định mình là mình, mình có đủ bản lãnh. Cung cách này được xác nhận thêm qua lời cầu nguyện của ông: "Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác...". Coi mình không giống như kẻ khác là một vinh dự, một ơn phúc, một mục tiêu để phấn đấu, để dành cho được. Vì thế, khi được như vậy người ta không thể không sung sướng và tạ ơn, qua đó chứng minh sự khác biệt của mình với đại chúng.
Tư thế ‘công chính’ đối với Tin Mừng chính là một người có thể kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Hình như Chúa Giêsu muốn khảng định rằng: bất luận tình trạng công chính xã hội của một người có là thế nào đi nữa, thì người đó vẫn có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa một khi biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình và khẩn cầu (hay tin tưởng vào) lòng thương xót Chúa, còn ai cứ khư khư tự tôn tự mãn về sự công chính xã hội của mình, để không cầu khẩn – đón nhận lòng thương xót, thì sẽ trở thành bất chính trước mặt Thiên Chúa; “Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.”
Khi nói câu này Chúa Giêsu hầu như muốn khảng định: sự công chính theo luật pháp của con người không có mấy giá trị trước mặt Thiên Chúa. Nắm giữ một nền luân lý cao đẹp tới đâu đi nữa, sẽ không bao giờ có thể là mục tiêu tối hậu của niềm tin Kitô hữu. Công chính đích thực trước mặt Thiên Chúa nhân ái lại rất đơn giản: chỉ cần khiêm tốn đón nhận tình yêu cứu độ.
Điều này là một đòi hỏi chung cho tất cả mọi người, bất kỳ ai, kể cả các bậc thánh hiền đạo đức nhất. Vì trước mặt Thiên Chúa ngay cả các thánh cũng có thể lỗi phạm tới bẩy lần một ngày! Bình đẳng tuyệt đối của con người trước Thiên Chúa chính là ở đây: sang / hèn, cao / thấp (về chức tước hay sự kính nể của người đời), tốt / xấu, lương thiện / bất lương (trước mặt xã hội) đều không mấy quan trọng. Phương thế tối cần để đạt được sự công chính của Nước Trời chỉ là: khiêm hạ (con là kẻ tội lỗi, xin dủ lòng thương xót con!).
Và rõ ràng ai khiêm hạ cầu khẩn lòng thương xót, người đó sẽ được tình yêu Thiên Chúa nâng lên cao, được nên công chính; ngược lại kẻ tự tôn tự đại, cho dẫu có đạo đức thánh thiện (trước mặt con người) tới mấy, cũng sẽ không bao giờ được coi là công chính trước mặt Thiên Chúa. Quả thế: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Thiên Chúa không căn cứ trên thành tích nào của ta, và ơn cứu độ chẳng những không làm xa cách loài người mà là đưa ta đến chỗ kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Những việc ta làm không phải là nguyên nhân khiến ta được cứu độ, được nên công chính, nhưng là chính Thiên Chúa ban cho ta.
Huệ Minh