Thứ Hai. THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ, lễ kính.
Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt, Linh mục (U1798), Tử đạo.
Ep 2,19-22; Lc 6,12-19.
Ý THỨC ƠN GỌI CỦA CHÚNG TA
Thánh Simon và Giuđa mừng chung một ngày bởi vì các ngài đã cùng nhau hoạt động tông đồ để hoán cải dân ngoại. Thánh Simon còn mệnh danh là nhiệt thành (Lc 6, 15) bởi vì cũng như Giuđa, ngài thuộc về nhóm những người phản đối sự chiếm đóng của đế quốc Rôma, nhưng đối với ngài, sứ điệp của Đức Kitô là sự khám phá tình yêu và lòng thương xót đại đồng của Thiên Chúa. Simon cũng mệnh danh là người Cana vì sinh ra ở Cana, ngài nhận biệt danh này để phân biệt với Simon Phêrô, thủ lãnh các thánh Tông đồ.
Thánh Giuđa, con của Giacôbê, cũng gọi là Tađêô, là anh em của thánh Giacôbê hậu và của thánh Simêôn, giám mục Giêrusalem, và là anh em họ của Đấng Cứu Thế. Trước khi được nuôi dưỡng để trở thành sứ giả của Tin Mừng, ngài là một nông dân bình thường.
Trước tiên, thánh Simon đã rao giảng ở Ai cập, ở Mauritania, ở Lybia; còn thánh Giuđa, sau khi đã truyền giáo ở Phi Châu, ngài trở về Đông phương và loan báo Tin Mừng ở miền Giuđa, Samari, Syria và Lưỡng hà địa. Simon và Giuđa gặp lại nhau ở vịnh Ba tư, và ở đó các ngài đã quyết tâm giữ vững niềm tin và cùng nhau chịu tử đạo. Những điều phi thường mà Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của họ đã làm cho vị vua của xứ này kính nể, ông đã cho các ngài tự do rao giảng giáo thuyết quá thánh thiện và mới mẻ.
Hai ngài đã đi loan báo Tin Mừng ở các thành phố khác. Giuđa Tađêô được nhìn nhận như vị thánh của niềm hy vọng, vì đây là con người tốt lành của Thiên Chúa. Đây là vị thánh bảo vệ những gì là thất vọng của người công giáo. Ngài là thánh quan thầy của người thất vọng tìm được niềm hy vọng. Còn theo truyền thống đông phương, thánh Simon bị tử đạo bằng cách cưa làm đôi.
Hai thánh Simon và Giuđa tông đồ đã biết đáp lại tiếng Chúa kêu gọi và ra đi giảng Tin Mừng ở hai nơi khác nhau. Thánh Simon giảng tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại Mésopotamia. Sau khi đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, thì hai ngài như được ơn Chúa thôi thúc để cùng nhau đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài đã đem Tin Mừng tới và cũng chính tại nơi đây mà các ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Kitô như các anh em tông đồ khác.
Tất cả những sự lựa chọn của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt trên những tiêu chuẩn lựa chọn thông thường của con người. Từ mười hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm xác tín tuyệt đối và tình yêu của Ngài.
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu gọi và chọn mười hai tông đồ. Đây là những con người được Chúa đặt làm nền tảng Giáo Hội. Để chọn mười hai người trong số các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu đã tìm Thánh ý Chúa Cha. Để biết được ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Trong cầu nguyện, Ngài kết hiệp với Cha Ngài. Ngài chọn những người Chúa Cha muốn để tiếp nối sứ mạng của Ngài. Khi phải quyết định lựa chọn lớn lao như thế, Chúa Giêsu đã tìm vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện và sống Thánh ý Chúa Cha trong mọi sự.
Sống là chọn. Chọn để có hạnh phúc. Có nhiều người đã chọn và tìm thứ hạnh phúc giả tạo, chóng qua của thế gian. Thứ hạnh phúc này có thời có hạn, và khi nó qua đi thì để lại cho người ta sự trống rỗng. Vậy đâu là hạnh phúc đích thực ? Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể đạt được đích điểm của cuộc đời, nhận được hạnh phúc thực khi thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa. Muốn thế, chúng ta phải tìm, chọn và sống Thánh ý Chúa.
Ta thấy ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Và ta thấy Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.
Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta tìm Thánh ý Chúa qua việc cầu nguyện. Thánh ý Chúa thì nhiệm mầu nên chỉ trong cầu nguyện riêng tư, trong sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa, ta mới hy vọng nhận ra được. Hội Thánh của Chúa Giêsu đã được thiết lập, tồn tại cho đến hôm nay và sẽ kéo dài mãi muôn đời. Đó là câu trả lời cho sự lựa chọn đúng của Chúa Giêsu khi Ngài chọn các tông đồ theo ý Chúa Cha. Chúng ta hãy cầu nguyện và sống Thánh ý Chúa Cha theo gương Chúa Giêsu.
Ngày nay, Chúa cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta trở nên tông đồ cho Chúa và cho Giáo Hội. Người tông đồ là người biết đáp trả tiếng Chúa kêu gọi, để được sai đi Loan báo Tin Mừng, và làm chứng cho Tin Mừng tình yêu của Chúa. Làm người tông đồ cần quảng đại, hy sinh cộng tác với Giáo Hội để đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh. Bằng lời nói cũng như bằng chính việc làm và cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta giới thiệu Chúa, mang Tin Mừng của Chúa đến cho tha nhân.
Huệ Minh