Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 08 Tháng 11 2019 07:06

Thánh hóa đền thờ của mỗi người

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thánh hóa đền thờ của mỗi người

Thứ Bảy tuần 31 TN.

LỄ CUNG HIỀN ĐỀN THỜ THÁNH GIOAN LATÊRANÔ. Lễ kính.
Is 56:1.6-7 hoặc 1Cr 3:9c-11.16-17;

Lc 19:1-10

THÁNH HÓA ĐỀN THỜ MỖI NGƯỜI


Hôm nay chúng ta mừng lễ Cung Hiến Đại Vương Cung Thánh Đường Lateran ở Roma. Vua Constantine sau khi trở lại đạo đã xây vào thế kỷ thứ 4. Đây là Nhà thờ đầu tiên và nhà thờ chính tòa của Roma. Lễ này được mừng vào ngày 9-11 hàng năm ít là từ thế kỷ 12. Đây là lễ về sự nối kết của Thân mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh.


Đại thánh đường Latêranô được xem là “mẹ và là đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Hội Thánh như thế là vì bốn lý do:


Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc La Mã sau một thời gian dài cấm đạo.


Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Hội Thánh. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.


Đây là Vương cung thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.


Đền thờ là nơi Chúa ngự. Chúa ngự ở đâu, đấy là đền thờ Chúa. Thánh Phaolô nói “Anh em là đền thờ Chúa.” Hình ảnh của đền thờ Chúa mà tiên tri Êzekiel nhìn thấy nhắc chúng ta hình ảnh Abraham. Khi tổ phụ Abraham sống đức tin, khi ông có Chúa ngự, mọi sự ông chạnm đến biến thành vàng. Dân chúng được ơn lành chỉ vì Abraham và gia đình ông sống kề bên. Cậu Giuse bị tù oan uổng. Tuy thế từ nhà tù đó nước chảy ra làm cả mặt đất được chúc phúc nhờ ông. Đền thờ là thành của Thiên Chúa, nơi Đấng Tối Cao ngự. “Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao.”


Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi đền thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại vương cung thánh đường Latêranô là ngôi đền thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho đền thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.


Trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng về ngôi đền thờ rất thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta.


Ngôi Đền Thờ Mẹ rất thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Một khi chấp nhận được “phá hủy” như thế, Đền Thờ Mẹ nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.


Qua câu chuyện thanh tẩy đền thờ của Chúa, chúng ta ghi nhận những điều quan trọng.


Đền thờ hay nhà thờ của chúng ta là nơi tôn nghiêm vì là nơi Chúa ngự và là nơi chúng ta đến để cầu nguyện, thờ phương và lãnh nhận ơn Chúa và các Bí tích, vì vậy chúng ta phải cố gắng hết sức tôn trọng sự thiêng liêng và thánh thiện và gìn giữ sạch sẽ, trang nghiêm.


Và chính Chúa Giê-su là Đền Thờ, bảo đảm sự hiện diện, tình yêu và những ơn sủng của Thiên Chúa trên trần gian. Vì chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới là Ðền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong Tin Mừng: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại.” Và lời này được thánh Gioan giải thích ở cuối bài Tin mừng: “Ðền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” Tất cả mọi người chúng ta được kêu gọi đi vào Đền Thờ này để được gặp Thiên Chúa, để được thánh tẩy và nhận những ơn sủng của Chúa. Chỉ trong và qua Thân Thể Chúa Ki-tô, chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa một cách đích thực.


Sau cùng, Đền thờ không phải chỉ là bằng gỗ, bằng gạch đá, nhưng còn là Giáo hội vì là Thân Thể Phục Sinh Của Chúa Kitô, tức là cộng đoàn, giáo xứ những người tin Chúa, và do đó phải phản ảnh sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa con người trần thế. Và thứ tư, qua Bí tích Thánh tẩy, mỗi người chúng ta đã trở nên đền thờ của Thiên Chúa, nghĩa là mỗi người chúng ta đã được thánh hóa để trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định: “Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh (chị) em.”


Hơn thế nữa, ngài còn nói: “Thân xác anh (chị) em là Ðền Thờ của Thánh Thần.” Vì thế, chúng ta phải gìn giữ đền thờ ấy luôn tốt lành, thánh thiện từ lời nói, tư tưởng, hành động và cách sống.


Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, chúng ta cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh.


Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.


Hôm nay mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, chúng ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.


Chúng ta cũng phải nhớ đến đền thờ rộng lớn bao quát tất cả mặt đất là Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải yêu mến và làm vẻ vang cho đền thờ này vì nhờ Hội Thánh chúng ta mới liên kết được với Chúa Giêsu và trở nên đền thờ Thiên Chúa.

Huệ Minh

Read 550 times Last modified on Chủ nhật, 10 Tháng 11 2019 07:27