Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 18 Tháng 11 2019 06:21

Tình yêu kết trái

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tình yêu kết trái


Thứ Ba tuần 33 TN.

2 Mcb 6:18-31; Lc 19:1-10

TÌNH YÊU KẾT TRÁI

Tin mừng hôm nay là câu chuyện hoán cải tận căn của một con người – một con người đã được đụng chạm tới tình yêu Giêsu. Cũng như muôn ngàn định nghĩa về tình yêu thì “tình cho không biếu không” vẫn là định nghĩa triệt để nhất. Tình vốn dĩ là cho không biếu không - bất chấp cả dư luận, bất chấp của cải, bất chấp danh dự, bất chấp tội lỗi, bất chấp xấu xa, khiếm khuyết…bất chấp tất cả. Câu chuyện Tin mừng hôm nay là câu chuyện tình yêu tuyệt vời; người tung, kẻ hứng thật đồng điệu và đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Chúa Giêsu đến giúp con người thoát khỏi giới hạn của bản thân. Trước sự thu hút của Chúa Giêsu, con người mặc dù nhận biết giới hạn của mình, vẫn tìm mọi cách để đến gần và tiếp cận Chúa. Nhiều người cho rằng đau khổ, sai lầm và giới hạn giam hãm con người. Thế nhưng, ngay trong tình cảnh bi đát nhất, khát vọng vươn cao hơn, đến gần Thiên Chúa cũng thật mãnh liệt nơi con người.

Nhờ Chúa soi sáng, con người mới có thể nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Tình trạng tội lỗi này của con người đã khởi sự ngay từ khi nguyên tổ loài người phạm tội bất trung, chống lại Thiên Chúa; và tội lỗi đó tiếp tục lưu truyền cho hậu thế. Thực vậy, tội lỗi làm cho con người phải chết, không còn trong tương giao thiện hảo với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình. Con người rơi vào tuyệt vọng không lối thoát. Thế nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã thực hiện chương trình cứu độ con người bằng cách ban cho nhân loại Con Một Chí Thánh của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, để tất cả những ai tin vào Người Con đó thì được cứu độ.

Tình trạng tội lỗi luôn làm cho con người sống trong sự đau khổ, dù cho họ có tiền tài, danh vọng hay quyền lực. Như tin mừng hôm nay cho thấy, Giakêu không cảm thấy hạnh phúc dù ông giàu có và có quyền. Ông không thể tự giải thoát mình khỏi tội lỗi và sự in trí của mọi người : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (Lc 19,7). Niềm hy vọng đã đến với ông, khi Chúa Giêsu đem đến cho ông ơn cứu độ :“Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham”(Lc 19,9). Trong khi mọi người coi Giakêu là kẻ tội lỗi thì Chúa Giêsu nhìn nhận ông là con cái Abraham, cần được cứu độ. Chúa Giêsu không loại trừ kẻ tội lỗi nhưng muốn họ tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Tình yêu kết trái : Giakêu khát khao được nhìn thấy Chúa Giêsu có lẽ vì những tiếng tăm tốt lành của Người khiến lòng Ông mộ mến và mong đợi một điều gì đó. Chúa Giêsu tìm Giakêu như “người chăn chiên đi tìm một con chiên lạc” (Mt 18, 12 - 14), như người đàn bà đi tìm đồng bạc đã mất” ((Lc 15, 8 -10), như “người cha nhân hậu chờ đợi người con đi hoang trở về” (Lc 15, 11 - 32).

Tuy đã được nghe nhiều về Chúa Giêsu, nhưng Giakêu không ngờ ông lại được vinh dự và yêu thương như vậy. Và từ trái tim đã đụng chạm đến trái tim. Tình yêu được đáp đền bằng tình yêu đã nảy sinh hoa trái tốt đẹp: “Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Thật là niềm vui tràn vỡ vì “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Cũng như Phaolô, ông Giakêu đã cảm nghiệm được món lời hậu hĩ vì được biết Chúa Giêsu (Pl 3, 8 - 9).

Tình yêu luôn cảm thông, bất chấp dư luận: Giakêu có thể bất chấp dư luận chê cười, khi ông - một quan chức có thế giá – lại leo lên một cây sung để nhìn trộm như một đứa trẻ. Có lẽ Chúa Giêsu cũng rất thú vị với chất trẻ thơ nơi ông (Chúa đã chẳng hứa nước trời cho những ai nên giống trẻ thơ).

Tuy nhiên, cao cả hơn thế, Chúa Giêsu đã bất chấp dư luận, không kể gì đến thân phận cao quí của một Rabbi nổi tiếng để kết giao với Giakêu – một kẻ tội lỗi, bị gạt ra bên lề trong xã hội Do Thái. Người đến trọ trong nhà Giakêu, ngôi nhà mà người Do Thái không dám bước vào vì sợ ‘ô uế’, để viếng thăm, đồng bàn và ăn uống với ông. Bởi vì mục đích của Ngài đến không phải để kiếm tìm người công chính mà là kẻ tội lỗi. Ngài là thầy thuốc không phải tìm chữa những kẻ khỏe mạnh mà là những người đau yếu. (Mt 2,17)

Vì thế, của cải đối với ông bây giờ không còn quan trọng nữa. Trước đây ông ra tay bóc lột, tích góp bao nhiêu, thì bây giờ ông sẵn sàng cho đi tất cả. Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Một bước hoán cải tuyệt diệu!

Có lẽ hoàn cảnh sống và công việc thu thuế của Giakêu đã giam hãm ông ở lại trong mức độ chỉ nghe biết về Chúa Giêsu. Tuy vậy, Giakêu không thể mãi bị giam hãm trong giới hạn của ông khi ông thể hiện lòng khát mong được gặp Chúa Giêsu. Và rồi chính Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi những giới hạn của bản thân khi Ngài chủ động gặp ông và trao tặng ông Ơn Cứu Độ.

Đối tượng của công trình cứu độ là những người tội lỗi. Vì thế, Chúa Giêsu suốt ba năm giảng đạo, Ngài đi tìm những người tội lỗi, gặp gỡ, tiếp xúc, ăn uống với họ, lăn lóc với họ… để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay. Điều này đã làm cho dân chúng ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Đức Giêsu được mọi người nhìn nhận là một vị đại tiên tri, một hiền nhân, tại sao lại vào nhà ông Giakêu tội lỗi?

Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: Ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.

Ta được thúc giục rời khỏi đám đông, rời bỏ cái nhìn như họ đối với Giakêu, mà trở về với chính mình để thấy mình bất xứng, tội lỗi. Ta được mời gọi chạy đến với Chúa Giêsu để được giải thoát và chữa lành, cụ thể qua bí tích Giao hòa. Bởi chưng, sứ mệnh của Chúa Giêsu là tha thứ còn việc của chúng ta là sám hối.

Huệ Minh

Read 495 times Last modified on Thứ tư, 20 Tháng 11 2019 06:48