CHÚA NHẬT 34 MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ.
Lễ trọng.
2Sm 5:1-3; 1Cl 1:12-20; Lc 23:35-43
VUA TÌNH YÊU
Lễ Chúa Kitô Vua chỉ mới được thiết lập vào năm 1925 mà thôi. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta". Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Như vậy, ngày lễ Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một cách phù hợp hơn cả.
Từ muôn thuở, Đức Kitô đã là vua trên cả tạo thành, nhưng vì không muốn cho con người chỉ thấy nơi Người tự bản tính đã là vua, mà còn muốn tỏ bài cho họ hiểu để "là vua" Người phải "làm vua" nữa. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã trở thành Vua muôn vua.
Dẫu là Vua Trời, Người đã chấp nhận từ bỏ tất cả để bước xuống với đời sống con người. Sự bước xuống ấy chẳng phải là một chuyến vi hành như kiểu những ông vua trong truyện "Nghìn lẻ một đêm", ban ngày thì thét ra lửa, nhưng ban đêm lại cải trang giả dạng thường dân len lỏi vào những ngõ ngách cuộc sống để nắm bắt tình hình dân chúng, rồi bước sang ngày mới, lại áo mão nghêng ngang ra dáng đức vua oai vệ.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Ngài đã "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" (Pl 2, 7), do đó, "Ngài đã chịu thử thách (cám dỗ) về mọi phương diện cũng như ta..." (Dt 4, 15). Dựa vào đó, Sa-tan không ngừng cám dỗ Chúa Giêsu đi trệch đường của Thiên Chúa Cha với hy vọng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.
Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người.
Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.
Vua Giêsu bị đóng đinh và treo trên thập giá. Tột đỉnh của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong giờ phút này. Khi quyền lực của tội lỗi tưởng như thắng thế qua cái chết đang đến gần Chúa Giêsu thì đó lại là lúc quyền năng của Thiên Chúa sắp sửa toàn thắng tội lỗi và đem lại hiệu quả ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại.
Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.
Chúa Giêsu Kitô là vua khi Người bị treo lên thập giá. Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: "Đây là Vua dân Do Thái". Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua. Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.
Tình yêu trên thập giá cũng biến đổi tâm hồn người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Nó giúp anh nhìn xa hơn về tương lai. Không phải chỉ là sự sống tạm ở đời này, như tên gian phi kia đã thách thức Chúa Giêsu: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng là sự sống đời đời. Anh khẩn cầu Chúa: "Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!"
Ta thấy tình yêu trên thập giá đã giúp người gian phi thống hối nhận biết Chúa Giêsu là ai và mình là ai. Anh đã nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, qua lời đối đáp tên gian phi kia: "Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm!" Anh còn nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng nào nữa. Ngài không chỉ là một người vô tội. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn là "ông Giêsu".
Và đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Chúa Giêsu được gọi đích danh, chứ không phải bằng các tước hiệu. Anh đã hiểu được nghĩa thực của thánh danh Người. "Giêsu" nghĩa là "Thiên Chúa cứu." Người là Vua của Nước Thiên Chúa, là Đấng đến cứu vớt mọi kẻ tội lỗi.
Lời tuyên bố long trọng của Chúa Giêsu dành cho người trộm lành cho thấy một nội dung quan trọng của lòng tin Kitô giáo. Tương lai của nhân loại, cá nhân cũng như tập thể, là chính Đức Kitô. Thiên Đàng được trình bày ở đây không phải trong nhãn quan khải huyền, mà là trong những hạn từ diễn tả sự ở với Đức Kitô. Đàng khác, ơn cứu độ là thực tại của "hôm nay" và của cá nhân, chứ không phải chỉ là thực tại của tương lai và mang tính tập thể. Đức Kitô thực hiện vương quyền của Người ngay hôm nay và cho từng người cũng như cho mọi người.
Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.
Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, chúng ta muốn khước từ những thần tượng giả mạo, muốn để Ngài làm vua của vũ trụ lòng mình. Chúng ta muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực cuộc sống: văn chương, khoa học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội... Cần có đức tin mạnh mẽ mới thấy Chúa Giêsu vẫn không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Ngài bằng trăm ngàn nẻo đường bất ngờ, trong đó có nẻo đường của anh trộm lành.
Huệ Minh