02/01/2020
Thứ Năm Mùa Giáng Sinh
1 Ga 2, 22-28; Ga 1, 19-28
SỨ VỤ CỦA GIOAN
Vì quá yêu thương con người, Chúa Giêsu đã đến trần gian, sống với nhân loại và cứu độ họ. Thế nhưng, có rất nhiều người sống đương thời với Chúa Giêsu đã không nhận ra Người là Đấng Cứu Độ đang ở với họ, lại còn chối bỏ tình yêu thương và ơn cứu độ của Người. (Ga 1, 9 -11)
“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1, 6). Tin Mừng thứ tư đã giới thiệu Gioan bằng một câu như thế ngay giữa Lời Tựa. Đối diện với Ngôi Lời, ngôi vị Thiên Chúa toàn năng luôn luôn “có” từ muôn thuở đến muôn đời muôn kiếp (1, 1-5), đây là Gioan, một con người tầm thường xuất hiện, đi từ hư vô ra cuộc sống. Sau khi đã nêu bật sự cao vời vô biên của Đức Kitô, tác giả mau mắn xác định sự cao cả của Gioan: ông được Thiên Chúa sai phái và có sứ mạng làm chứng cho ánh sáng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (1, 7).
Gioan chỉ khẳng định hai điều: Người đang ở giữa họ, nhưng họ không nhận biết Người; Người cao trọng đến mức chính Gioan cũng không xứng đáng phục vụ Người theo cách thức của một nô lệ. Ẩn mình và cao trọng vẫn là hai nét tiêu biểu của Đức Giêsu. Người là ánh sáng tỏa rạng trong tình trạng ẩn tàng đồng thời là ánh sáng chân thật duy nhất.
Gioan nói như chứng nhân và khẳng định tính khả tín của chính ông. Ông nói thẳng ra ông không phải là ai (1, 19-21) và ông là ai (1, 22-23) và ai sẽ đến sau ông (1, 25-27). Ngay trong Lời Tựa, tác giả TM đã cho biết: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1, 8). Trước tiên ông nói ông không là ai, như để tránh che mất Đấng ông phải làm chứng cho, nếu như ông lo khẳng định về bản thân. Rồi khi phải nói ông là ai, thì ông cho biết ông chỉ là tiếng của người hô trong hoang địa: hoạt động của ông có tầm quan trọng đặc biệt vì được chính Kinh Thánh loan báo, được Thiên Chúa quy định, nhưng chỉ là một tiếng nói loan báo rằng Chúa đang đến và khuyến khích người ta dọn lòng đón tiếp Người.
Gioan Tẩy Giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Vậy mà nhiều người làm ngược hẳn lại: đã không dẫn người ta đến với Chúa mà còn ngăn cản hoặc giữ lại cho riêng mình. Người làm chứng cho Chúa đúng nghĩa phải có thể nói như Gioan “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi.”
Gioan Tẩy Giả đã “nói tiếng không” về bản thân mình, để “nói tiếng có” về Chúa Giêsu. “Tôi không phải là…” “Có Đấng… đến sau tôi…” - Xin Chúa cứ lớn dần trong con để con ngày càng nhỏ bé trong tay Chúa.
Ông Gioan trả lời: “Có một vị ở giữa các ông mà các ông không hay biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27)
Đúng là sứ vụ của một ngôn sứ, tiên báo Đấng Mêsia sẽ đến: Thánh Gioan Tẩy giả đã đóng đúng vai trò của mình, ngài nhìn nhận sự thật về sứ vụ là dọn đường cho Đức Kitô đến, bằng việc dọn lòng cho dân chúng hoán cải và sẵn sàng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu mang đến trong trần gian. Thắc mắc của những người được sai đến với ông Gioan đã được giải thích thoả đáng, một khát vọng mong chờ chung của Dân Hípri: Mong Đấng Mêsia xuất hiện. Gioan không phải là Đấng Kitô, nhưng phép rửa mà Ngài thực hiện mang tính duy nhất, đúng hơn là mang tính cánh chung, để kêu gọi lòng dân trở lại với đường ngay nẻo chính; chuẩn bị cho dân đón nhận một Phép Rửa trong nước và thần khí mà Đức Kitô sẽ thực hiện.
Sứ vụ của Gioan cho chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chúng ta, với danh nghĩa là Kitô hữu. Chúng ta nghe nói nhiều đến sứ vụ ngôn sứ của Dân Thiên Chuá, và cũng là của từng Kitô hữu chúng ta (GLCG, số 785), một sứ vụ mời gọi chúng ta sống làm sao để trở nên nhân chứng của Đức Kitô giữa lòng đời vốn có nhiều biến chuyển này.
Qua lời chứng của Thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Người yêu thương chúng ta vô cùng và ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu và phó thác cuộc đời mình trong sự yêu thương quan phòng của Ngài. Khi đặt trọn cuộc đời mình cho Chúa và cậy trông vào Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và bình an cùng với nghị lực để vượt thắng những cám dỗ và thách đố trong đời sống của mình. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28)
Bất cứ Kitô hữu nào trong hoàn cảnh nào hay thời đại nào cũng cần thấy mình là một chứng nhân như Gioan. Họ biết mình không là gì cả khi sánh với Đấng họ phải làm chứng cho. Tuy nhiên, chính Đấng ấy lại muốn chọn họ để tỏ mình ra cho thế giới. Tình trạng cao cả mà thật ra thấp hèn, thấp hèn nhưng cũng cao cả, đã là tư cách của Gioan, thì cũng là thân phận của mọi Kitô hữu.
Huệ Minh