14/01/2020
Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên
1 Sm 1, 9-20; Mc 1, 21-28
QUYỀN UY CỦA CHÚA
Theo Tin Mừng Mác cô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát. Bản văn Tin Mừng hôm nay được xem như bài tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu: giảng dạy và trừ quỷ. Cả hai đều tỏ cho thấy uy quyền có sức cứu độ của Ngài.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường Capharnaum và chữa lành một người bị thần ô uế ám, để ghi nhận ấn tượng Chúa Giêsu tạo ra nơi dân chúng: “Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền” (Mc 1,22). Dân chúng đã kinh ngạc về giáo lý của Người: bởi Người giảng dạy có uy quyền, với lời nói có sức mạnh, có hiệu lực tuyệt đối, khác với những điều họ vẫn nghe từ các luật sĩ.
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người ngồi đấy đều đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Người giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh Thánh. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, là Tin Mừng cứu rồi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Lời của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật (Mc 1, 22).
Câu hỏi được đặt ra : Vậy có điều gì mới chăng ? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. Đồng thời, mới, là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế : "Chúng vâng lệnh Người "(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định : "Người là Chân Lý ".
Dân chúng hôm nay còn kinh ngạc hơn nữa khi được chứng kiến tận mắt uy quyền của Chúa Giêsu trên thần ô uế: “Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Thần ô uế đã phải gào thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã chiến thắng thần ô uế chỉ bằng cách ra lệnh: “câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (Mc 1,25).
Với lời nói hữu hiệu và việc làm của Người, Chúa Giêsu chứng tỏ quyền lực đích thực của Triều Đại Thiên Chúa mà Người loan báo. Người cho thấy rằng Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng và Thiên Chúa đang dùng quyền lực của Người, để giải thoát con người và trả lại cho họ sự tự do. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói rằng Người là Con Thiên Chúa.
Dân chúng ngày xưa đã kinh ngạc về giáo lý của Chúa Giêsu. Con người ngày nay thì có vẻ ngược lại, chúng ta cảm thấy chán ngán Lời Chúa và dửng dưng với giáo lý của Người, bởi chúng ta nghe Lời Chúa cách vô ý thức. Hơn nữa, thay vì suy phục trước uy quyền của Chúa, thì chúng ta lại chạy theo biết bao nhiêu thứ ngẫu tượng như tiền bạc, dục vọng, tiền tài, chức tước,…Chính khi chúng ta nô lệ cho những thứ ấy là chúng ta đang nô lệ cho ma quỷ đang ẩn núp phía sau.
Khi lắng đọng, ta sẽ thấy được thân phận yếu đuối, bất toàn và hay sa ngã, chúng ta hãy luôn tỉnh thức và xem xét lại lối sống đạo của mình, để gạt bỏ đi những chướng ngại; đồng thời cậy dựa vào uy quyền của Thiên Chúa, để nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta không bị sa ngã trước những âm mưu của ma quỷ. Nếu chúng ta có sa ngã trước những cám dỗ, thì chúng ta càng phải cậy dựa vào Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót sẽ tha thứ và chữa lành chúng ta, miễn là chúng ta có lòng sám hối, muốn được tha thứ và muốn được yêu thương.
Hội Thánh của Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thực thi những việc làm của lòng xót thương. Sứ vụ của Hội Thánh nhất định không phát xuất “từ một ước muốn thống trị hay quyền lực, nhưng từ sức mạnh của tình yêu, từ Đức Giêsu đấng đã đến giữa chúng ta, và trao ban cho chúng ta không chỉ một phần của Ngài, nhưng trọn vẹn con người Ngài. Ngài trao ban cho chúng ta cuộc sống của Ngài để cứu độ chúng ta, và để tỏ cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa… Ngài không chỉ sai chúng ta đi, Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên chúng ta trong sứ vụ tình yêu của chúng ta”
Huệ Minh