Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 31 Tháng 1 2020 07:45

Quyền năng của Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quyền năng của Chúa


1.2.2020 Thứ Bảy

Mc 4, 35-41

QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA

Là những người được ở gần Đức Giêsu, được chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, thế nhưng, các tông đồ lại chưa có lòng tin sắt son vào Chúa. Khi phải đối mặt với phong ba bão táp như muốn nhận chìm con thuyền của mình, các tông đồ đã tỏ ra khiếp đảm sợ hãi đến nỗi quên đi quyền năng cao cả của Chúa Giêsu, Người đang hiện diện cùng các ông trên thuyền. Trong cơn hốt hoảng sợ hãi, các ông đã chạy đến cùng Chúa và chỉ với một lời Người phán ra tức thì sóng biển đang gào thét đã phải im hơi lặng tiếng.

Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Đức Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi (Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.

Trước sự sợ hãi của các môn đệ đang bị sóng gió ập tới, Đức Kitô đã đem sự bình an và lòng tin cậy. Người cất tiếng gọi hỏi sóng gió hung dữ, và biển liền câm lặng. Con thuyền đó là cuộc đời chúng ta, theo thời gian, đã biết thế nào là sóng gió bão bùng và những giây phut sợ hãi. Con thuyền cũng là giáo hội của chúng ta, mà chúng ta là thành phần liên đới. Thuyền lướt êm trên biển lặng và thuyền quay cuồng muốn lật úp dưới sóng gió bão táp hung tàn. Chúng ta đều thấy rõ, dù là tín hữu, cuộc đời không nhân nhượng với chúng ta, nhưng giữa những thử thách của niềm tin, chúng ta phải giữ vững mũi tàu của chúng ta: “Tại sao các con sợ hãi?”

Chúa Giêsu thức dậy và ra lệnh cho sóng biển: “Im đi! Câm đi!”. Cử chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc Ngài trừ quỉ. Lập tức, gió ngừng thổi và biển yên lặng như tờ. Rồi Chúa quở các môn đệ : sao các con lại sợ hãi thế? Đức tin của các con như thế nào?. Rõ ràng, Chúa không nói các môn đệ không có đức tin; Chúa cũng không nói các môn đệ có đức tin bé nhỏ; ở đây đức tin của các môn đệ giới hạn quyền năng của Thiên Chúa, thua sức mạnh thiên nhiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu không thể cứu nguy cho những người cùng thuyền được nên họ phải đánh thức Chúa dậy.

Lời Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Đức Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Đức Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.

Ta hãy lắng nghe một lần nữa lời trách của Đức Giêsu dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy ? Bởi vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, theo lời kể của thánh Mátthêu, Người thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió.

Như các tông đồ năm xưa, chúng ta cũng đang giương buồm vượt biển trần gian để tiến về bến bờ là Quê Trời. Trong cuộc hành trình này, không ít lần con thuyền của chúng ta phải đi trong những đêm đen và phải đương đầu với sóng to gió lớn nổi lên như muốn vùi dập và nuốt chửng con thuyền của chúng ta. Đó là lúc mà ta phải đối mặt với những đau yếu bệnh tật, hiểu lầm trái ý, thiếu thốn khó khăn, tai ương hoạn nạn, bị khinh dể bỏ rơi… Trong những giờ phút đen tối ấy, chúng ta hãy noi gương các tông đồ chạy đến với Chúa. Người sẽ dẹp yên sóng biển và dẫn đưa chúng ta về bến bờ bình an.

Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và hoàn toàn tín thác cậy trông nơi Cha. Ngày nay, vì thiếu lòng tin nên người ta coi thường việc cầu nguyện. Mỗi khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gặp gian nan thử thách, người ta chỉ biết dựa vào sức riêng mình, đang khi lẽ ra vừa phải xin Chúa ban ơn soi sáng để tìm ra giải pháp tốt nhất, lại vừa phải cố gắng làm hết sức để giải quyết các khó khăn ấy theo hướng tích cực nhất.

Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của mầu nhiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giêsu. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua.

Huệ Minh

Read 757 times Last modified on Thứ tư, 19 Tháng 2 2020 07:13