Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 15 Tháng 2 2020 09:51

Giữ luật với lòng mến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giữ luật với lòng mến


16.2 Chúa nhât VI TN

Mt 5, 17-37

GIỮ LUẬT VỚI LÒNG MẾN

Trang Tin Mừng hôm nay ghi lời dạy của Chúa Giêsu trong nhiều thời điểm khác nhau liên quan đến Tám Mối Phúc Thật làm thành một bài giảng dài gọi là Bài Giảng Trên Núi. Qua đọan này Người dạy dân chúng về tương quan giữa Người với Luật Môsê.

Luật Môsê tuy đã có sự tiến bộ nhiều vào thời đại bấy giờ, nhưng vẫn còn thiếu sót cần phải được Chúa Giêsu kiện toàn như Người đã nói: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”. Chúa Giêsu đã kiện toàn Luật Môsê như sau:

Luật Môsê chỉ kết tội khi có sự giết người thực sự. Còn húa Giêsu kiện toàn Luật Môsê bằng cách cấm cả sự tức giận, nói lời chửi rủa xúc phạm đến tha nhân. Người còn đòi người đi dâng lễ phải về nhà làm hòa với kẻ đang có sự bất bình với mình, để xứng đáng dâng lễ vật cho Thiên Chúa.

Luật Môsê chỉ phạt tội đã ngoại tình thực sự. Còn Chúa Giêsu kiện toàn bằng việc cấm cả việc nhìn xem người nữ và ước ao phạm tội với họ trong lòng.

Luật Môsê cấm phản bội lời đã thề với Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu kiện toàn bằng lời dạy phải luôn nói thật và tránh sự thề thốt, trừ trường hợp đặc biệt giáo luật buộc phải thề.

Chúa Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa trong Sách Thánh.

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng hai cách: Thứ nhất, Chúa Giêsu cho thấy lề luật được lập ra nhằm phục vụ con người, chứ con người được tạo nên không phải để tuân giữ luật. Thứ hai, Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách nội tâm hóa lề luật. Lề luật được tuân giữ không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại cõi lòng con người. 'Có đầy trong lòng mới tràn ra ngoài', kể từ nay, chính ý hướng con người ở bên trong mới là yếu tố quyết định.

Từ hai nguyên tắc kiện toàn trên, Chúa Giêsu lần lượt trưng dẫn một loạt các khoản luật Môsê, trưng dẫn không phải để hủy bỏ nhưng để cho thấy Ngài kiện toàn như thế nào.

Chúa Giêsu giải thích qua một loạt các phản đề giữa các giới răn cũ và kiểu Người đề nghị. Mỗi lần bắt đầu : "Các con đã nghe người xưa nói rằng... ", rồi Người khẳng định: "Còn Thầy, thầy bảo các con... ". Chẳng hạn: "Các con đã nghe người xưa nói rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy Thầy bảo các con: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa" (Mt 5, 21-22). Và sáu lần như vậy.

Khi nói như thế, Chúa Giêsu không có ý định thêm các điều răn, nhưng Người tuyên bố cần phải có bước nhảy về chất lượng, Người chứng tỏ Người chu toàn các giới răn với tình yêu của Chúa Cha, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở trong Người. Đến lượt chúng ta, với niềm tin nơi Người, để Chúa Thánh Thần hoạt động, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta sống tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi điều răn trở thành thật sự như đòi buộc của tình yêu, vì tất cả các giới răn đều tóm về hai điều này là : trước kính Đức Chúa Trời hết lòng hết sức, và sau là yêu người như mình ta vậy. Như Thánh Phaolô quả quyết : "Yêu thương là chu toàn Lề Luật" (Rm 13, 10).

Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ khi cấm cả sự giận ghét và mắng chửi tha nhân: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23). Người dạy chúng ta hãy yêu thương và tôn trọng nhau bằng thái độ bao dung nhân hậu, cảm thông thứ tha, lịch sự hòa nhã, không la mắng chửi rủa…, nhưng sẵn sàng đi bước trước tha thứ và giơ tay ra làm hòa trước khi dâng lễ tại nhà thờ.

Nếu tức giận là tình cảm tiêu cực ở bên trong, thì chửi rủa là tình cảm tiêu cực bên trong được bộc lộ ra bên ngoài. Ngày nay, chúng ta thường nói với nhau những lời mà ta không nghĩ đến hậu quả của nó, giống như trẻ em chơi trò chơi bắn súng mà không ý thức được rằng những khẩu súng các em đang sử dụng lại là súng thật. Con dao giết chết thân xác, chửi rủa giết chết nhân phẩm - làm người ta sống dở chết dở. Sách Huấn ca (28, 17-18) đã viết rằng: “Đòn vọt làm thân thể bầm tím, nhưng cái lưỡi làm dập gãy cả xương. Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?”.

Và rồi qua lời nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui Phục sinh, nhưng cũng có thể đem lại khổ đau thập giá. Những lời chúng ta nói ra, dù tốt hay xấu, thường được lưu giữ trong tâm hồn anh chị em mình, có khi suốt nhiều năm nhiều tháng.

Lời Chúa dạy hôm nay: đừng giận ghét, thì ta phải hiểu rằng: ta không được ghét ai, nghĩa là loại trừ họ, đó là điều trái với đức thương yêu, nhưng đồng thời ta cũng phải tập làm chủ nhưng cơn nóng giận của mình. Việc đó có thể làm được với ơn Chúa và nhất là với đời sống cầu nguyện, vì đó là cách thức chúng ta dễ nâng tâm hồn lên với Chúa để Ngài thanh luyện tâm hồn chúng ta thuộc về Chúa và gần gũi với tha nhân hơn.

Luật Mới yêu thương gồm tóm trong Tám Mối Phúc: Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã công bố ý hướng ban đầu của Thiên Chúa là lấy tình yêu làm nền tảng mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như yêu chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Mục tiêu loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu là chỉ cho con người sự thật về Thiên Chúa và sự thật về chính con người. Thiên Chúa đã mặc khải cho con người sự thật và kêu gọi con người sống thật với nhau và yêu thương nhau.

Huệ Minh

Read 852 times Last modified on Thứ tư, 19 Tháng 2 2020 07:11