Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 06 Tháng 3 2020 06:34

Yêu cả kẻ thù

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Yêu cả kẻ thù


7.3

Mt 5, 43-48

YÊU CẢ KẺ THÙ

Sự thường ở đời, mến người dễ mến, yêu người đáng yêu, thương người thương mình thì rất dễ; nhưng yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người làm hại mình lại quá khó. Thế mà, Chúa Giêsu lại yêu cầu những ai tin vào Ngài phải vượt qua lối hành xử thường tình đó để luôn sống yêu thương theo gương của Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, chính bản thân Chúa Giêsu cũng đã sống trọn vẹn lời kêu gọi này. Ngài chấp nhận chết vì nhân loại tội lỗi và tha thứ cho những kẻ đã làm khổ và giết chết Ngài.

"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu nói: “Như vậy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(cc.45-48).

Thực ra, người ta không trở nên con cái Thiên Chúa nhờ vào những công trạng của riêng mình. Nhưng vì đã được là con cái Thiên Chúa, họ phải chứng tỏ tư cách cao quý ấy bằng cách hành xử như Thiên Chúa hành xử, tức là yêu thương không phân biệt hay kỳ thị, cũng không theo nguyên tắc “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, mà là yêu thương vô điều kiện, không mong chờ đáp trả.

Điều quan trọng nhất là các đồ đệ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (c.48). Đó chính là tiêu chuẩn và cũng là lý do của đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và khao khát sự thiện hảo cho kẻ ngược đãi mình.

Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Kế đến: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Tình yêu dành cho kẻ thù ở đây là một tình yêu mến hy sinh cho người mình yêu (phân biệt với tình yêu được diễn tả bằng động từphileô, là tình thương yêu có sự trao đổi, có sự đồng thuận hỗ tương dựa trên các phẩm chất, sự quan tâm, sự để ý đến nhau…). Như thế là có một thực tại mới mẻ hẳn được yêu cầu, theo đó, trong tương quan giữa người với người, bạo lực phải hoàn toàn bị loại trừ. Không còn chỗ cho sự oán thù. Thay vì sự căm ghét, phải là sự ước muốn những điều thực sự thiện hảo cho nhau (tình yêu mến và lời cầu nguyện).

Theo gương Chúa Giêsu và theo lời dạy của Ngài, chúng ta được mời gọi sống quảng đại hơn nữa trong các mối tương quan với mọi người: yêu kẻ ghét mình và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Ngày hôm nay, mỗi người được mời gọi làm việc hy sinh, hãm mình và bác ái để cầu nguyện cho một hoặc nhiều người đang gây khó chịu, đang làm khổ, làm hại mình.

Chúa Giêsu không thể đòi buộc các môn đệ điều mà họ không có khả năng thực hiện. Ở đây sự “thực hiện” cần hiểu trong mạch văn. Chẳng hạn, đã là con người thì làm sao có thể hoàn thiện như Cha trên trời được? Tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Câu này muốn nói với các môn đệ điều gì?

Điều quan trọng trong câu này là “Trở nên hoàn thiện…”, chứ không phải là “hoàn thiện như…” Có thể ý của mạch văn là Chúa Giêsu mở ra một con đường, một hướng đi, một cách sống để các môn đệ bước đi, tiến về phía Chúa Giêsu đã mở ra. Dù biết rằng suốt cả đời mình vẫn không thực hiện được trọn vẹn lời mời gọi đó, tuy vậy, người môn đệ vẫn bước đi vì đó là con đường dẫn đến sự sống đích thực.

Khi mà con người không thể đạt được sự hoàn thiện như Cha trên trời thì lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” trở thành mục đích và lý tưởng của người môn đệ. Suốt cả cuộc đời người môn đệ sẽ hướng về đó, sẽ đi theo hướng đó, nghĩa là đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra, dù biết rằng mình không bao giờ thực hiện được sự hoàn thiện này cách trọn vẹn.

Dù khó khăn đến đâu đi nữa, lời dạy “yêu kẻ thù” của Chúa Giêsu vẫn là đỉnh cao khát vọng của nhân loại: Mọi người biết sống yêu thương nhau và giải quyết các xung đột bằng con đường tôn trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đôi bên. Cách giải quyết này dựa trên khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời dành cho “kẻ xấu cũng như người tốt”, “người công chính cũng như kẻ bất chính”. Đây không phải là thứ tình yêu dung túng sự dữ, mà là tình yêu nhằm mục đích đem lại sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại.
Huệ Minh

Read 555 times Last modified on Thứ bảy, 07 Tháng 3 2020 14:24

Related items