30.3 Thứ Hai
Ga 7, 40-53
CẨN THẬN KHI ĐÁNH GIÁ
Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại hôm nay, soi sáng cho chúng ta thấy một thái độ sống rất cần thiết, một cách thế để nhận định và đánh giá về một người nào đó.
Trang Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay thuật cuộc tranh luận thứ hai về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Sau cuộc tranh luận thứ nhất, Chúa Giêsu đã mặc khải cho dân chúng biết về nguồn gốc thần linh của mình là “từ nơi Thiên Chúa mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7, 25-30). Do đó, cuộc tranh luận thứ hai này không nhằm vào nguồn gốc thần linh của Đấng Kitô, bởi lẽ “Đấng Kitô khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7, 27), nhưng là nguồn gốc trần thế của Đấng Kitô, vì “theo Kinh Thánh thì Đấng Kitô từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít” (Ga 7, 42).
Trong khi đó, không ai lại không biết đến nguồn gốc của Chúa Giêsu: con của bác thợ mộc làng quê Nazareth (Mt 13, 55). Như thế, một cách nào đó, người ta đã phủ nhận tư cách thiên sai của Chúa Giêsu, vì “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ?” (Ga 7, 41) Ẩn sau câu hỏi mang tính khẳng định này là một thái độ kiêu căng tự mãn. Họ không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô.
Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Chúa Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Chúa Giêsu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu nói : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Chúa Giêsu ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ? Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Chúa Giêsu vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa, từ kinh nghiệm “gặp gỡ đích thân”, qua đó nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử.
Trước hết ta quan sát đám đông dân chúng, một số người đã nghe Chúa Giêsu giảng thì nhận định : "Ông này thật là vị ngôn sứ" ; "Ông này là Ðấng Kitô". Nhưng Thánh Gioan lại cho biết thêm, có những người trước khi nghe giảng thì đã có những định kiến sẵn về nguồn gốc của Chúa Giêsu rồi : "… Nào chẳng phải : Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao ?” Chúng ta nhận thấy sự khác biệt của hai thái độ nghe này : một là nghe bằng sự trong sáng, hai là nghe khi đã có định kiến, chắc chắn hai cách nghe này sẽ dẫn đến hai cách hành xử khác nhau.
Thánh Gioan cũng cho thấy một nhóm người khác là các vệ binh, những người này được sai đi để bắt Chúa Giêsu, nhưng họ đã trở về với các thượng tế và người Pharisêu rồi trả lời họ : "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !". Nhóm người thứ hai này có một thái độ khác, họ không chỉ nghe với tất cả sự trong sáng mà thôi, nhưng họ còn biết so sánh và nhận định “xưa – nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”…, cuối cùng họ mới đưa ra một kết luận và quyết định cách hành xử, quay trở về và không tra tay bắt Chúa Giêsu nộp cho các thượng tế.
Các thượng tế, biệt phái và người Pharisiêu dường như lại có thái độ ngược lại, họ không chịu lắng nghe, mà nếu có nghe, thì họ đã có những định kiến rồi. Họ chẳng nghe cho kỹ, hiểu cho sâu. Họ cũng chẳng so sánh, chẳng nhận định, chẳng diện đối diện như các vệ binh. Trái lại họ dựa vào ý kiến của một số người để kết luận“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Câu 48).
Sau khi dựa vào một số người, không thấy có gì thuyết phục, họ dựa vào “lề luật” để kết luận “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !" (Câu 49). Thái độ đánh giá người khác dựa vào: định kiến, dựa vào lề luật, dựa vào nguồn gốc xuất thân của người đó, dựa vào tiếng nói của một số người mạnh thế, chắc chắn không phải là một thái độ của Tin Mừng.
Như vậy, muốn kết luận hay đánh giá về một người nào đó, Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta : trước tiên phải biết lắng nghe, nghe cả những người hèn kém thấp cổ bé miệng nhất; nghe với toàn bộ sự trong sáng của tâm hồn, không dựa vào định kiến, không dựa vào vị thế hoặc nguồn gốc xuất thân của người đối diện; cũng không dựa vào một nhóm người nào đó ủng hộ hoặc về phe của mình; cuối cùng, sau khi nghe phải đến tận nơi tìm hiểu để biết người ấy đã làm gì, rồi mới được kết luận hành xử.
Lắng nghe để thấu hiểu người khác không phải là chuyện dễ dàng. Đôi khi thay vì lắng nghe người khác, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, chúng ta lại cố tình lèo lái câu chuyện qua một hướng khác, hoặc đơn giản là không thích lắng nghe vì cho mình đã biết đủ. Vì thế, chúng ta dễ có cái nhìn không đúng về người khác, hay có thái độ khinh thường người khác giống như các thượng tế và những người Pharisêu xem các vệ binh đền thờ là “bọn dân đen, thứ không biết lề luật”.
Để nhìn nhận đúng sự việc hay một ai đó, điều quan trọng là chúng ta phải lắng nghe cách chân thành với một tâm hồn quảng đại. Biết bao lần chúng ta đã không nhận ra Chúa nơi thiên nhiên, nơi những biến cố trên thế giới, nơi tha nhân, đặc biệt là nơi những người bé nhỏ, đơn sơ, nghèo hèn vì thiếu sự chân thành và tinh thần lắng nghe đích thực? Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để chúng ta biết khao khát lắng nghe tiếng Chúa và tiếng của tha nhân.
Mùa Chay thánh là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta canh tân đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa tội. Bằng cách, chúng ta hãy biết khiêm tốn đón nhận Lời mặc khải, lời có sức cứu chữa và giải thoát linh hồn chúng ta, qua việc sốt sắng tham dự thánh lễ và lắng nghe lời Chúa. Đàng khác, chúng ta hãy biết chân thành sám hối, không ngừng nỗ lực tìm đến với lòng thương xót của Chúa qua Bí tích Hòa giải, để được gặp Chúa và được đón nhận lời thứ tha.
Huệ Minh