14.4
Ga 20, 11-18
YÊU AI GỌI TÊN NGƯỜI ĐÓ
Suy nghĩ về trang Tin Mừng hôm nay, ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.
Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa.
Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
Không còn hy vọng gặp lại Chúa, tất cả xem như đã chấm dứt… Bà gặp Chúa nhưng không nhận ra Người. Nhưng khi Chúa cất tiếng gọi: “Maria !” thì bà đã nhận ra Người, qua giọng nói yêu thương ngày nào. Thật là một biến cố trọng đại, một tin vui mừng ngất ngây sung sướng. Đúng là con chiên thì nghe ra và nhận biết tiếng chủ chiên của mình vậy ! (Ga 10, 27) Thế là từ nay thay vì đau buồn cho cái chết của Thầy Giêsu, thì đã được bù đắp bằng niềm vui khôn tả vì Thầy Giêsu vẫn sống, vẫn nói chuyện, vẫn cùng đồng hành với mình… Bà Maria đã mau mắn chia sẻ tin vui mừng này, bằng cách kể lại và chứng thực cho các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa”
"Gọi tên" đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Chỉ khi Chúa gọi đích danh tên của bà và lôi kéo bà ra khỏi nỗi buồn quá khứ để bà sống cuộc sống hiện tại với sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, thì bấy giờ bà mới có thể vui mừng và nhận ra Ngài.
Tình cảm của Maria Mađalêna với Chúa Giêsu hết sức sâu đậm. Bà là một trong những người đã ở lại dưới chân Thánh Giá khi Chúa Giêsu tử nạn. Khi Chúa sống lại, bà là người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Qua Tin Mừng hôm nay, Maria Mađalêna đã khóc khi không thấy xác Chúa Giêsu. Thiên thần hiện ra tước mắt, bà cũng coi như không. Chính Chúa ở trước mặt mà bà cũng tưởng là người giữ vườn. Nhưng rồi khi Chúa giúp bà nhận ra Chúa, bà đã hớn hở chạy đi báo tin cho mọi người ngay. Đối với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu là tất cả. Không có Chúa, cuộc đời bà vô nghĩa. Gặp lại Chúa là có lại tất cả.
Lý do khóc của bà xem ra thật đơn giản! Nỗi buồn về cái chết của Chúa đã chết xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn bà và bà đi tìm Chúa nơi kẻ chết. Mà Chúa thì đã phục sinh, Chúa không còn ở trong quá khứ của sự chết nữa. Bởi vậy, bà không thể nhận ra được Chúa Phục Sinh khi tâm hồn bà vẫn trĩu nặng với nỗi buồn về một biến cố trong quá khứ.
Được thấy và gặp lại người mình yêu mến sau một thời gian xa cách, có thể nói, là nỗi vui mừng ai cũng mong ước. Nếu thế thì được gặp lại Chúa Giêsu, người Thầy kính yêu, vì yêu thương con người, chấp nhận hy sinh chết trên thập giá để đem lại ơn cứu độ, chắc hẳn phải là một niềm hân hoan khôn tả. Quả đúng như vậy! Niềm vui sướng vô bờ đã tràn ngập nơi Maria Mácđala, khi bà được Chúa Giêsu Phục Sinh gọi đúng tên mình, cho bà nhận ra vị Thầy thân thương ngày nào. Tuy vậy, niềm vui được gặp Chúa Phục Sinh không phải để giữ riêng cho mình, nhưng phải ra đi để loan báo. Maria Mácđala đã vội chạy đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa và Người đã nói với tôi.”
Trong cuộc sống, có lắm phen ta trải qua những thất bại đau đớn ê chề, chán nản, mất phương hướng, cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa. Bản thân muốn buông xuôi tất cả, giống như ngôi mộ đã được một tảng đá niêm phong, chắn lại, chẳng còn gì để hy vọng. Tất cả đã chấm dứt, ngoài tâm trạng buồn chán, thổn thức khôn nguôi.
Nhiều khi ta buồn về chuyện này chuyện kia trong cuộc sống thường nhật xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn chúng ta khiến cho chúng ta không tìm được niềm vui đích thực của người Kitô hữu, niềm vui của những con người đã được Chúa Phục Sinh mang đến một sự sống vi diệu, mới mẻ nơi thiên giới. Với một tâm trạng suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong nỗi lo lắng, u sầu với cuộc sống tình cảm, vật chất ở mặt đất này, thì chẳng bao giờ ta nhận ra được Chúa Phục Sinh, chẳng bao giờ ta cảm thấy đời mình bình an, thư thái với thực tại vĩnh cửu nơi thiên quốc mà Chúa Phục Sinh mang lại cho ta.
Mệnh lệnh cuối cùng Chúa Giêsu truyền lại cho các tông đồ của người là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” Ngày nay, Tin Mừng của Chúa đã lan rộng trên thế giới, nhưng vẫn còn nhiều nơi và nhiều người chưa biết đến Chúa Giêsu và sự phục sinh của Người. Vì thế lời mời gọi của Chúa năm nào giờ đây cũng hết sức tha thiết đối với người theo chân Chúa. Để Tin Mừng thực sự là tin mừng thì mầu nhiệm Phục Sinh không chỉ dừng lại ở cái biết, nhưng phải thực sự đi vào kinh nghiệm, vào tâm hồn của mỗi người.
Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Ngày ôm nay, với ta, Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện ra qua các biến cố trong cuộc đời ta, qua các công việc thường ngày của ta. Nhưng ta lại không nhận ra Người, không thấy Người vì đức tin của ta vẫn còn kém cỏi.
Cuộc sống hôm nay luôn ồn ào, tất bật, vội vã. Tâm hồn luôn ta bị cuốn hút vào biết bao thú vui trần thế, và những ham muốn tầm thường. Ta không biết khóc thương cho chân lý, cho niềm tin vào Thiên Chúa qua những biến cố Chúa vẫn đang gửi đến trong cuộc đời của mình.
Huệ Minh