Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 15 Tháng 4 2020 07:08

Gặp gỡ Đấng Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gặp gỡ Đấng Phục Sinh


16.4
Lc 24, 35-48

GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH

Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại qua nhiều giai đoạn trong lịch sử dân Do Thái, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua chính Con của Ngài khi sai Chúa Con xuống làm người, như sách Do thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1, 1-2).

Chúa Giêsu là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Chúa Giêsu, con người biết hơn về Thiên Chúa và cũng biết hơn về chính con người. Các tạo vật đều mặc khải Thiên Chúa ở một mức độ nào đó. Những nhân vật đáng kính trong lịch sử dân tộc Do Thái cũng như trong lịch sử những dân tộc khác, và nhất là trong những tôn giáo khác, cũng là chứng nhân của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, nhưng Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, phản ánh Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa một cách tuyệt vời, bởi vì Ngài là chính Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, trong lúc rao giảng Nước Trời cũng như sau khi sống lại, Người đã dụng ý chọn gọi một số người nên môn đệ, Tông đồ của Người để họ trở nên các chứng nhân của Người. Những người này không chỉ là những người đã thấy các biến cố đời sống, mà còn là những người đã hiểu và đã sống ý nghĩa ẩn khuất của các biến cố ấy, họ được mời gọi “là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14, 48).

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ là cuộc gặp gỡ trong tình yêu. Tình yêu là tâm điểm của mầu nhiệm Phục sinh mà thánh Phêrô đã lớn tiếng rao giảng ngoài công trường. Ta thấy thánh Gioan tông đồ cũng khuyến mời chúng ta cách thức sống ơn gọi tình yêu. Ngài viết : “Những ai tuân giữ những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, nơi người ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên trọn hảo (1 Ga 2, 5). Tình yêu là tên gọi và cũng là thuộc tính của Thiên Chúa, đồng thời tình yêu cũng là thẻ căn cước để chứng minh chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu.

Trong tình yêu, con người sẽ trở thành bất tử, bởi lẽ tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong những tuần lễ sau Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã chọn Chúa Nhật ngay sau lễ Phục sinh để tôn vinh Lòng Thương xót Chúa. Như Ngài đã từng cắt nghiã, lòng thương xót là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, và dưới một khiá cạnh nào đó, lòng thương xót cũng chính là cách thức bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa một cách tròn đầy.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ ra đi làm nhân chứng và truyền rao ơn cứu độ. Các Tông đồ đã xả thân mình vì đức tin. Với một sức mạnh thúc đẩy nội tâm, các ông không còn rụt rè, sợ hãi nhưng kiên vững xác tín rao giảng về cuộc đời của Chúa. Chính Chúa là lẽ sống, là đá tảng và sức mạnh. Tất cả mọi quyền lực thế gian, áp đặt của kẻ thù, bắt bớ, tù tội, gươm giáo và chết chóc không làm lung lạc niềm tin. Các tông đồ vững mạnh tuyên bố rằng: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4, 10).

Nhìn vào cuộc sống của người Kitô hữu, chúng ta phải chân nhận rằng đã có quá nhiều lần chúng ta phân rẽ chi thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng ta dựa vào niềm tin để đả phá, ghen ghét và xa tránh nhau. Lời của Thánh Phaolô nhắc nhở: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1, 10). Sống tinh thần của Chúa Kitô Phục Sinh là sống tinh thần yêu thương trong an bình. Nhân danh Chúa Kitô, chúng ta là sứ giả của hoà bình, là nhân chứng của tình yêu và là môn đệ của sự khiêm nhường phục vụ

Mỗi Kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thánh Tẩy, đều được mời gọi làm chứng nhân bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội. Đón nhận Tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Chúa Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy. Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh xưa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường trở về Emmaus, hiện ra ban bình an cho các Tông đồ, và trao ban sứ vụ chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Người cũng ban ơn bình an và đồng hành với mỗi người chúng ta trên bước hành trình làm chứng tá cho Tin Mừng Chúa đã sống lại. Aleluia!.

Huệ Minh

Read 412 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 4 2020 06:32