Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 13 Tháng 5 2020 14:37

Ở lại trong tình yêu của Thầy

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ở lại trong tình yêu của Thầy

14.5 Thánh Matthia
Ga 15, 9-11

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY

“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, và cũng là lời mời gọi cho bất kỳ ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và muốn có được niềm vui trọn vẹn. “Hãy” đó là một sự mời mọc, sự khuyến khích đầy yêu mến và tế nhị, vì Chúa Giêsu luôn tôn trọng tự do của các tông đồ, cũng như tôn trọng tự do đáp trả của mỗi chúng ta.

Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giêsu và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người. “Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Chúa Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.

Niềm vui của Chúa Giêsu là được ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ở lại là tuân giữ điều răn mà Chúa Cha truyền dạy. Trong sứ mạng rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tìm cách làm đẹp lòng Chúa Cha bằng chính lời nói và hành động của mình, "tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi". (Ga 5, 30). Ngài còn khẳng định: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4, 34). Khi phải thực hiện chọn lựa, Ngài luôn đặt thánh ý Chúa Cha trên hết để hướng dẫn cuộc đời mình: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39).

Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có được niềm vui. Chúa Giêsu đã nhận niềm vui từ Chúa Cha và Ngài không giữ riêng cho mình. Ngài mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (Ga 15, 9) để có niềm vui ấy. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có niềm vui thực sự khi ở lại trong tình thương của Ngài. Chúng ta có thể ở lại trong tình thương này khi biết tuân giữ điều răn của Chúa. Điều răn này được tóm gọn trong luật mến Chúa yêu người.

Khi để tâm hồn chìm trong suy tưởng về tình yêu theo mối tương liên này, ta cảm nhận có một sức mạnh tình yêu lan tỏa từ đời đời. Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Giêsu là người trực tiếp đắm mình trong nguồn suối đó. Và Ngài biết, nếu chỉ giữ lại cho riêng mình là chưa đạt tới cùng đích của thánh ý, nhưng phải được sẻ chia để nhiều tâm hồn khác cũng được hưởng nguồn ân huệ ấy.

Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, ta cần tìm cách làm theo thánh ý Chúa và đẹp lòng Ngài, nhất là khi phải quyết định một chọn lựa nào đó. Sống theo thánh ý Chúa được thể hiện qua lời nói và hành động của chúng ta trong đời sống. Đó có thể là một lời hỏi thăm, an ủi những ai buồn phiền hay là giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. Trong xã hội thực dụng hôm nay, dù biết rằng ta sẽ gặp khó khăn khi tuân giữ điều răn của Chúa, thậm chí là lội ngược dòng nữa nhưng ở lại trong Chúa đó là cách thức để ta có niềm vui của Chúa và niềm vui ấy được nên trọn vẹn.

Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu thương Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo của Ngài, Ngài đã cho con người được chung hưởng tình yêu của Người.

Chúa Giêsu đã ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ngài lệ thuộc vào Cha trong mọi sự. Đến lượt chúng ta cũng hãy gắn kết mọi sự đời mình trong Thầy Giêsu. Chỉ khiở lại trong Người và được Ngài ở với, chúng ta mới đạt được hạnh phúc tròn đầy. Ở lại để biết Chúa xót thương tôi ra sao! Sự ở lại này phải đưa tôi tới hành độngbiết xót thương người khác nữa. Những việc làm cụ thể sẽ nói lên thiện chí ta đã‘giữ các điều răn’của Ngài ra sao. Việc làm không có nghĩa là chỉ thi hành bằng những hình thức bên ngoài và nghĩ rằng thế là xong nhiệm vụ. Hình thức bên ngoài cũng cần nhưng đó chỉ là những yếu tổ bổ sung, điều cần thiết nhất vẫn là tấm lòng. Hành động thiếu tình yêu thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình đáng nhận lời kết án: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29,13).

Chính khi các tông đồ thực hiện những điều Chúa dạy, thì các ông mới được ở trong niềm vui của Đức Kitô, và như vậy niềm vui của các ông mới được nên trọn vẹn. Quả thế, niềm vui của Chúa Giêsu là yêu mến và vâng phục Chúa Cha; niềm vui của Chúa Giêsu cũng chính là niềm vui của người môn đệ, mà chính Ngài đã chia sẻ cho họ. Do vậy, niềm vui của người môn đệ chính là yêu mến và vâng phục Chúa Giêsu, và qua đó họ vâng phục Chúa Cha.

Quy tụ tất cả mọi người ở lại trong Chúa. Đó là ước mơ cháy bỏng Chúa Cha chia sẻ với Con của Người. Thiên Chúa cũng mong mỗi người hiệp thông cùng Ngài tâm tư ấy. Một khi đón nhận được tình yêu chúng ta sẵn sàng ra đi, chịu hao mòn trên dòng đời, chịu biến tan vì yêu thương và tha thứ. Cuối cùng sức mạnh Thiên giới sẽ hút ta trở về để được ở lại mãi mãi trong cung lòng rất thánh, nơi phát sinh sứ mạng yêu thương.

Trong xã hội ngày nay, lời mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Chúa” luôn là một động lực mạnh mẽ, thúc bách người Ki-tô hữu đến gần Chúa hơn. Năm Lòng Chúa Thương xót như là một phương thế cụ thể mà Đức Giêsu qua Giáo Hội giang rộng vòng tay đón nhận và ôm ấp bất kỳ ai đến với Ngài.

Huệ Minh

Read 468 times Last modified on Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 11:03