Thứ Hai 18.5.2020
Ga 15, 26-16,4
LÀM CHỨNG VỀ THẦY
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Thánh Matthia, vị Tông Đồ “thứ mười ba” được Chúa chọn để thay thế cho Giuđa Iscariốt. Theo sách Công vụ Tông Đồ, Thánh Matthia là môn đệ theo Chúa từ khi Người chịu phép rửa đến ngày Người lìa bỏ các Tông Đồ và được rước lên Trời (Cv 1, 21-22). Và sau khi các Tông Đồ cùng với cộng đoàn cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, Thánh Matthia được chọn vào nhóm Mười Hai. Thánh nhân trở thành vị Tông Đồ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo, sẵn sàng hy sinh làm chứng, chịu bách hại và tử đạo trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.
Cuộc đời của Thánh Matthia Tông Đồ minh họa cho lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Chúa có một chương trình thật đặc biệt, một cách chọn gọi rất riêng để trao phó sứ mạng cao cả cho từng Tông Đồ và cho Thánh Matthia. Đáp lại, Thánh nhân đã dùng chính cuộc đời mình để đáp trả tiếng gọi yêu thương của Chúa. Mừng lễ thánh Mathia Tông Đồ, mỗi người được nhắc nhớ đến ơn gọi làm tông đồ và làm Kitô hữu của mình.
Quả vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi ngày, ta được Chúa mời gọi trở nên tông đồ của Người trong môi trường đang sống, trong vai trò và bậc sống của mình. Chúng ta chỉ có thể đáp trả ơn gọi của mình khi biết dùng Lời Chúa dệt nên cuộc đời mình mỗi ngày. Hãy sinh hoa kết trái trong bậc sống và hoàn cảnh của mình. Hãy làm sáng danh Chúa trong gia đình, ngoài xã hội, nơi công sở, trên ruộng nương. Hãy làm chứng cho Tin Mừng bằng chính niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
Nhìn lại cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Tiền đề lí luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.
Theo Chúa đích thực làm cho ta ra khỏi thế gian và vì thế mà bị thế gian ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong những lúc gian nan thử thách như vậy, trong những giây phút cảm thấy trống rỗng và đau khổ trong cuộc đời của người đồ đệ, Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ, mà Chúa Giêsu sai xuống từ Thiên Chúa Cha, Ðấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ và trợ giúp họ, để các ngài được luôn trung thành làm chứng cho Chúa.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các môn đệ là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của đồ đệ giữa những thử thách trên trần gian. Và chúng ta nhìn thấy điều này khi đọc qua những trang sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các tông đồ như được biến đổi hoàn toàn, từ lo sợ chạy trốn, chuyển sang can đảm, sẵn sàng hy sinh và cương quyết phục vụ. Trong lúc gặp thử thách, trước mặt những người quyền thế ngăn cấm không được làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, các tông đồ can đảm trả lời công khai: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người".
Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói : “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…
Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là : như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu ; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.
Ðây là kinh nghiệm sống chứng nhân của thánh Phaolô tông đồ khi ngài tâm sự trong thư thứ hai Corintô chương 4, câu 7 và các câu tiếp theo như sau: "Thiên Chúa làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên dung mạo Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, gian nan nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi".
Người Kitô hôm nay, khi là môn đệ của Chúa Giêsu, cần xét lại thái độ sống chứng nhân của mình. Có hai thái cực cần tránh đi, không thể có thái độ vênh vang tự đắc, cũng không được qụy lụy chiều theo qui mô của kẻ chống đối Chúa, cần sống khiêm tốn nhưng đồng thời can đảm mạnh mẽ trong việc phục vụ, chấp nhận phiền phức mà trong lòng vẫn vui tươi.
Khi làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu Kitô. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
Huệ Minh