22.5.2020 Thứ Sáu
Ga 16, 20-23a
ĐỂ TRỌN VẸN NIỀM VUI
Trong kinh nghiệm tâm linh và đức tin, các Tông đồ đã trải phải qua nỗi buồn, lo lắng bồn chồn và đau khổ về cuộc ra đi của Chúa Giêsu là chuyện rất bình thường của tâm trạng con người. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã cho họ có cái nhìn siêu nhiên, hơn là dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên con người. Họ cần phải có sự chiến đấu nội tâm để có được niềm hy vọng vào Đức Kitô ngang qua đau khổ của cuộc đời mà họ gặp phải !
Sự đau khổ này không phải là đau khổ của tuyệt vọng, không lối thoát, mà quan trọng và ý nghĩa hơn là niềm Hy vọng của Kitô giáo! Sự đau buồn này có lý do để mà “chịu đựng”, đó là thời gian ấp ủ để ươm mầm sự sống mới, cũng giống như hình ảnh của người sản phụ phải trải qua những mệt nhọc, vất vả và đau đớn sắp sinh con, nhưng bà ta sẽ tràn trề niềm vui và hy vọng vì một mầm sống mới yêu thương sắp được hiện diện trong cuộc đời của bà ta.
Và giờ đây ta trở về khung cảnh từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ năm xưa, lúc đó Chúa Giêsu chưa đi chịu nạn chịu chết: Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em. Nhắc lại một khung cảnh hoài niệm như thế có ích gì không? Bởi hôm nay, Chúa Giêsu đang sống, chúng ta có thể gặp Chúa qua Lời và Thánh Thể của Chúa. Lời Chúa hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta: nỗi buồn của chúng ta bây giờ sẽ thành niềm vui, khi lòng chúng ta khao khát và gặp được Chúa Giêsu hay không là chuyện của mỗi người chúng ta.
Các môn đệ được Chúa căn dặn “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16, 7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa... đều khơi lên một nỗi buồn da diết, đều chết đi trong lòng một ít. Và trong bối cảnh cũng như hoàn cảnh củacác tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài và chỉ dựa vào Thầy mình mà thôi.
Các môn đệ buồn rầu trước cuộc ra đi của Đấng đã chịu đóng đinh vì mình. Họ lo âu cho tương lai đời họ sẽ đi về đâu, số phận của họ sẽ xoay vần ra sao. Nỗi lo âu có trên một phạm vi nhân loại rất là hữu lý, có vẻ là khôn ngoan, lo xa nữa. Nhưng Chúa nói đó chỉ là nỗi lo âu tạm bợ thôi. Cũng như xưa kia các môn đệ lo lắng làm sao ra của ăn nơi hoang địa, thì Chúa đã ban bánh hóa ra nhiều hai lần.
Nơi Vườn Cây Dầu, các môn đệ lo sợ sống những giây phút căng thẳng... Nhưng rồi Chúa đã Phục Sinh hiện đến giữa họ, ban an bình, lấy lại niềm tin hy vọng. Nay niềm vui chưa trọn thì Chúa lại về Trời. Sự vui qua sự sầu lại tới là thường thế đó. Nhưng các môn đệ đâu có ngờ Chúa về Trời mà vẫn còn ở lại với họ và những người kế tiếp họ cho đến tận thế. Ngài vẫn sống, nhưng sống cách thiêng liêng vượt trên mọi điều kiện không gian, thời gian. Chính nhờ đó các môn đệ không còn cảm thấy lo sợ và họ còn vui mừng đón nhận cái chết như chính Chúa nữa, vì họ biết có phần tốt nhất đang dành cho họ trên Trời.
Sự đau đớn của Chúa Giêsu như cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, đau khổ vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đau khổ vì sự sự bội bạc thay đổi của lòng người…Những đau khổ tột cùng trước giờ lâm tử, không thể chỉ dừng lại của sự hấp hối của một cái chết đơn thuần: “chết là hết!”, nhưng Chúa Giê-su đã thực sự phục sinh-đã sống lại thật. Và như thế, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng. Đây là cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng về sự đau khổ.
Thật vậy, đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá đã sinh lại chúng ta trong đời sống mới. Có chấp nhận đau khổ và cùng chết với Chúa Kitô thì chúng ta mới mong được sống lại hạnh phúc với Người.
Trong mỗi người thực tế luôn luôn dấu ẩn một tia sáng hy vọng - dù rất nhỏ nhoi và nếu khơi gợi đúng điểm mạnh này, có thể đã làm chuyển đổi được nhiều điều…Chính trong lúc điên loạn, nhào lộn, hoạn nạn, chết chóc…tưởng chừng như sụp đổ, tan nát và vô vị, mà vẫn giữ được một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào đó vào một Đấng Hy Vọng, đó chính là một ân ban siêu nhiên và đó đích thực là niềm hy vọng của người Kitô giáo có đức tin.
Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm những lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên Lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được gia nhập vào Giáo Hội cùng phép Rửa Tội, được Chúa huấn luyện bằng Lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.
Chúa không chỉ biến ưu phiền của chúng ta thành niềm vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn. Điều đó có thể thấy được nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy, hay nơi những người đã thấy Đức Kitô sống lại. Còn chúng ta, khi vẫn còn bước đi trong đức tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh hội được một chút gì của mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự thật” của Ngài, thì niềm vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy nghiệm lại những lời Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”
Để sống trong niềm vui trọn vẹn với Thiên Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ mới được thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu xin và nhờ Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.
Huệ Minh