Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 26 Tháng 5 2020 07:22

Cầu nguyện và phó thác

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cầu nguyện và phó thác


27.5.2020

Thứ Tư

Ga 17, 11-19

CẦU NGUYỆN VÀ PHÓ THÁC

Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha khi Người sắp phải rời xa những môn đệ thân yêu của mình. Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha để Ngài ban cho họ sự hiệp nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Để có được sự hiệp nhất này, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi cạm bẫy của thế gian. Sống giữa thế gian, người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ gặp những đau khổ, những cám dỗ của thế gian.

Chúa Giêsu không xin Chúa Cha cất đi những đau khổ, thử thách nhưng thêm lòng tin và sức mạnh để họ thắng vượt những điều đó. Chúa Giêsu chính là mẫu gương của sự hiệp nhất. Ngài vâng lời Chúa Cha, chấp nhận mang thân phận con người để sống như con người. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đón nhận những cám dỗ, những thử thách nơi sa mạc để cảm thông, chia sẻ với phận người. Trong suốt cuộc đời rao giảng, dù bị hiểu lầm, thù ghét nhưng Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả. Và đỉnh cao là Ngài chấp nhận cái chết đau thương nhục nhã trên thập giá để thánh ý Chúa Cha được trọn vẹn.

Chúa Giêsu tung hô sự thánh thiện siêu việt, tuyệt đối của Chúa Cha. Sự thánh thiện vượt trên mọi sự thế gian phàm tục, Ngài thống trị cả địa cầu. Lời Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha bày tỏ tình thương của ngài đối với các môn đệ khi Ngài ở giữa họ, Ngài săn sóc, dạy dỗ, bảo ban họ lời chân thật của Chúa Cha để họ đủ sức đối đầu với thế gian, với lời dối trá của thế gian để họ ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian.

Khi Chúa Giêsu sắp về trời Ngài lo cho họ khi gặp thử thách mà phải nao núng tan rã chăng, Ngài kêu lên với Chúa Cha: Xin gìn giữ các môn đệ trong niềm tin vào danh Cha và trong sự bao bọc của sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa luôn mãi. Lời cầu xin ấy đem lại bình an cho các môn đệ và củng cố niềm vui của họ trong Chúa Giêsu được trọn vẹn, tuy họ ở giữa thế gian bị thế gian ghét bỏ vì họ không thuộc về thế gian.

Sau khi chịu phép rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa Cha, cha chúng ta là Đấng Thánh chúng ta cảm nghiệm một niềm vui hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng là con phải giống cha, con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh, có nghĩa là phẩm vị chúng ta đòi buộc, thúc bách chúng ta nổ lực nên Thánh, nổ lực sống hoàn thiện để làm rạng danh Cha mới là con thảo hiếu của Cha.

Chúng ta còn là Đấng toàn năng, chúng ta luôn tin tưởng, đặt tràn đầy hi vọng vào cha chúng ta. Đồng thời noi gương Chúa Giêsu biết cầu nguyện cho mình, cho anh em, cho Hội Thánh như Chúa Giêsu đã cầu nguyện, vì chúng ta đang sống giữa bao nhiêu cám dỗ thử thách. Để thắng vượt thế gian chúng ta chúng ta còn cần sống lời Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta mỗi ngày, không những để đối đầu với thế gian mà chúng ta còn làm chứng nhân cho Thiên Chúa nữa, tỏ ra chúng ta không lệ thuộc về thế gian, mà lệ thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không sống rập theo thế gian nhưng là sống theo Thiên Chúa đúng như lời Ngài truyền dạy.

Dù Chúa Giêsu không xin cất chúng ta ra khỏi thế gian, dù thế gian ghét chúng ta bắt bớ chúng ta, giết chết chúng ta, chúng ta vẫn đứng vững trong niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Thiên Chúa, và dấn thân thi hành sứ mạng truyền giáo như Chúa Giêsu đã sai phái Giáo Hội trước khi về trời, chúng ta luôn làm công việc rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, bằng đời sống hoặc bằng công việc bác ái để chúng ta luôn luôn là muối, là ánh sáng cho thế gian.

Chúa Giêsu nhiều lần dạy các môn đệ cầu nguyện và Ngài quả quyết lời họ cầu xin chắc chắn sẽ được Chúa đáp nhận. Chúng ta vẫn nghĩ Chúa dạy chúng ta cầu xin như thế để đáp ứng nhu cầu cơm ăn áo mặc thường ngày. Nhưng ít khi chúng ta biết rằng lời cầu nguyện tha thiết nhất của Chúa là lời nguyện hiến tế, là lời cầu nguyện cho công trình cứu độ nhân loại được hoàn thành. Ngoài việc khẩn nài Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại, Người còn muốn hiến dâng chính mình để thực hiện điều mình khẩn xin đó. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình để cầu xin Chúa Cha cứu độ con người.

Quả vậy, cả cuộc sống của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện hiến tế dâng lên Chúa Cha. Lời cầu nguyện đạt đến đỉnh cao và chiều sâu của nó ở nơi tiếng kêu: “Cha ơi, sao cha bỏ rơi con” ở trên thập giá. Một tình yêu khẩn nài, đã được Chúa Cha đáp lời bằng sự phục sinh vinh hiển và ơn cứu độ cho nhân loại.

Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần và có lần như thánh Luca kể lại "Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm". Phúc âm đã kể lại một vài câu kinh ngắn mà Chúa Giêsu cầu nguyện, chỉ có lần này thánh Gioan kể lại câu kinh rất dài và tỉ mỉ của Chúa Giêsu. Ðiều đặc biệt hơn nữa là khi nói đến cầu nguyện, chúng ta nghĩ là mình cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Còn ở đây, chính Chúa Giêsu cầu nguyện và cầu nguyện vơí Chúa Cha cho chúng ta, cho các tông đồ và những người theo Chúa sau này.

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ lúc bấy giờ, đồng thời Ngài còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong tương lai. Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta nghe những lời dạy của các tông đồ và các Ðấng kế vị các tông đồ và Ngài cũng cầu nguyện cho tất cả những người theo đạo Chúa Giêsu. Người nói: "Con không chỉ cầu cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con".

Chúa Giêsu còn tha thiết cầu xin với Chúa Cha dùng lời chân thật của Chúa Cha mà thánh hiến các mộn đệ, để một lần nữa Chúa Cha tách họ khỏi lối sống thế gian, ban cho họ sự sống thần linh của Chúa Cha và ban cho họ những ơn sủng, trợ giúp họ để họ có khả năng thi hành sứ vụ làm tròn sứ mạng vị tông đồ, sứ mạng của một nhà truyền giáo khắp mọi nơi, cho mọi người theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” Nhờ đó các môn đệ sống đời sống thánh hiến của họ với tất cả sự hi sinh, dấn thân vào chương trình cứu độ các linh hồn theo gương Chúa Giêsu đã thánh hiến mình cho Thiên Chúa Cha để cứu độ nhân loại bằng cuộc tử nạn của Ngài.

Mang thân phận con người, ai cũng phải gặp những đau khổ, những thử thách trong cuộc sống. Những đau khổ dễ làm chúng ta nản chí và thất vọng. Những cám dỗ dễ lôi kéo chúng ta đi ngược với những giá trị của Tin Mừng. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đón nhận những điều đó như là cơ hội để thanh luyện và trưởng thành trong đời sống đức tin nhờ vào cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để xin Chúa cho ta biết từ bỏ những ý riêng, khước từ những cám dỗ và những thứ thuộc về thế gian để chọn Chúa, đó là lẽ sống của cuộc đời kitô hữu.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng Phục Sinh, đặc biệt là sự về trời của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào tình yêu của Chúa, phó thác đời mình trong vòng tay quan phòng của Chúa và để Ngài gìn giữ, hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Huệ Minh

Read 516 times Last modified on Thứ sáu, 29 Tháng 5 2020 06:53