2.6.2020
Thứ Ba
Mc 12, 13-17
CỦA XÊ DA
Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu thế tục hóa ngày hôm nay rất dễ dẫn chúng ta đến một lối hiểu chưa đúng về Lời Chúa. "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Người ta có thể nghĩ Chúa Giêsu đang phân ranh giới rạch ròi giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa nhà thờ và xã hội, giữa đời sống tâm linh và cuộc mưu sinh giữa đời; bên này không phạm đến bên kia. Thưa, hoàn toàn không phải thế !
Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda, nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa; con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.
Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Trong truyền thống Do Thái, Thiên Chúa là Đấng chủ tể siêu việt trên tất cả: toàn thể vũ trụ càn khôn và con người mọi nơi mọi thời, dù có là Xê-da đại đế chăng nữa, hết thảy đều phục quyền Người. “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12, 29-30). Chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn chân-thiện-mỹ, phải hiện diện trong mọi suy nghĩ, mọi tình cảm ước muốn cũng như trong từng hành vi cử chỉ của chúng ta. Nếu đồng tiền in hình Xê-da nhắc ta nhớ đến trách nhiệm và quyền lợi công dân, thì hình ảnh Thiên Chúa ta mang nơi mình vẫn hằng mời gọi ta đến với Chúa bằng trọn vẹn thể xác tâm tư, để Người trao ban cho ta sự sống và hạnh phúc viên mãn.
“Của Xê-da trả cho Xê-da”. Xê-da – Hoàng đế La-mã – vị vua ‘bách chiến bách thắng’ ở đây có thể nói là biểu tượng cho sức mạnh, sự giàu sang, và quyền uy phù phiếm của trần tục. Xê-da đã qua đi cũng đồng nghĩa với việc mọi sức mạnh, vinh quang, giàu sang phú quí vật chất rồi cũng sẽ qua đi, bởi vì ‘phù vân nối tiếp phù vân, trần gian hết thảy chỉ là phù vân’ (x. Gv…).
Tuy nhiên, Chúa cho phép tất cả những phù vân đó được có giá trị và tồn tại khi nó qui về Thiên Chúa trong đức ái. Khi Đức Giê-su nói “của Xê-da trả về cho Xê-da” thì mặc nhiên Ngài đã xác định thế quyền và những cơ cấu tổ chức xã hội có vị trí của nó trong sinh hoạt đời sống con người, và con người sống trong tổ chức xã hội nào thì có quyền lợi và bổn phận đối với xã hội mình đang sống, miễn là nó không đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.
Do đó, mọi nghĩa vụ và quyền lợi mà các cơ chế tổ chức, xã hội, con người đặt ra đều tốt đẹp, có ý nghĩa khi nó nhằm phát triển xã hội, xây dựng con người và làm cho thế giới tốt đẹp. Vì vậy mà đối với Giáo hội, mọi hình thức trốn thuế hay thâm lạm của công… đều lỗi đức công bằng và là hành vi tội lỗi. Bởi vì con người đã hưởng quyền lợi từ các cơ chế tổ chức thì cũng có bổn phận và nghĩa vụ phải đóng góp, xây dựng nó là lẽ đương nhiên của cuộc sống.
“Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Như đã nói: Có gì dưới gầm trời này mà không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế cuộc đời con người là một cuộc hành trình tìm kiếm và đi về với Thiên Chúa. Con người với linh hồn, thể chất, tài năng, sức khỏe, và những điều kiện vật chất như tiền bạc, của cải, những ân huệ thiêng liêng của linh hồn, những ân huệ tự nhiên phong phú của vũ trụ, môi trường sống… tất cả là để phục vụ hạnh phúc con người, và con người có bổn phận phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa để đáp lại muôn ngàn hồng ân Chúa đã thương ban bằng cả cuộc sống mình. Vì vậy, con người không nên, không được phép chạy theo, tôn thờ sức mạnh, quyền lực, của cải và coi nó là mục đích cuộc đời mình, hay phục vụ cơ chế chỉ vì cơ chế, nhưng biết dùng nó như phương tiện để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
“Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, khi nói điều này, Chúa Giêsu còn có ý minh định con người đừng đem chính trị xen vào tôn giáo, cũng đừng hạ tôn giáo xuống thành những tổ chức chính trị trần tục; Nhưng như tâm linh hướng dẫn hành vi con người, tinh thần đạo đức tôn giáo do ánh sáng của Lời Thiên Chúa sẽ giúp con người có những hành động đúng khi thi hành chính trị.
Ngoài ra giáo huấn “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” cũng dạy chúng ta biết thực hiện đức công bằng trong cuộc sống; không xâm phạm quyền lợi cũng như của cải của tha nhân; đồng thời biết sống yêu thương và tôn trọng những giá trị của nhau, biết trau dồi và phát huy khả năng riêng của mình. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người - mỗi người có một giá trị riêng biệt; nhưng như Ba Ngôi là một, Thiên Chúa sáng tạo chúng ta khác nhau, là để chúng ta cần đến nhau, bổ túc cho nhau, tạo nên sự hiệp nhất và cùng nhau xây dựng cuộc sống phong phú và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã dùng dòng chữ này cùng với hình của hoàng đế trên đồng tiền để thoát khỏi thế lưỡng nan mà phe Hêrôđê và nhóm Pharisêu đặt ra: Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?
Nếu trả lời “có”, Người đã đụng chạm đến lòng ái quốc của người Do Thái. Nếu trả lời “không”, Người sẽ gặp khó khăn đối với người Rome. Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này để khỏi rơi vào cái bẫy của họ. Người còn mở ra một vấn đề khác quan trọng hơn: “Của Xêda, trả về Xêda; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
Đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế thì trả về cho hoàng đế. Còn chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Người, nên chúng ta phải dâng hiến cả con người mình cho Thiên Chúa.
Nhìn lại bản thân, biết bao lần ta thậm chí còn hạ Thiên Chúa xuống hàng tùy phụ trong bậc thang giá trị của đời mình. Ta sẵn sàng làm mọi sự để giành cho được chút ít danh vọng, quyền lực hão huyền mà bất tuân lề luật Thiên Chúa. Ta lao tâm khổ trí tìm kiếm mọi cơ hội để làm giàu nhưng hiếm khi nào lo nghĩ phải sống sao cho thánh thiện đạo đức. Ta có thể vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng lại không sắp xếp nổi thời gian cho giờ kinh tối gia đình. Ngày hôm nay, Lời Chúa mời gọi ta trả lại cho Thiên Chúa những gì xứng đáng thuộc về Người, trả lại cho Người vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời ta.
Huệ Minh