Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 08 Tháng 6 2020 11:43

Phúc thật

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Phúc thật
 ngày 8.6.2020
Thứ Hai tuần X TN, năm A

Mt 5, 1-12

PHÚC THẬT

Bất cứ ai sống trên trần gian đều mong ước có hạnh phúc. Đó là điều người ta cũng thường xuyên cầu chúc cho nhau. 

Đức Kitô đã đến để chỉ cho người ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thật sự hạnh phúc ở đời này. Không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách, mà là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại,… mới hạnh phúc thật. Chẳng phải là Người muốn phá đổ các tiêu chí quen thuộc của loài người để gây chú ý đâu. Người chỉ muốn khẳng định lại cách sống con người phải theo để trở lại đúng với hình ảnh họ đã đánh mất khi phạm tội, để Thiên Chúa lại trở thành tất cả cho con người.

Ta thấy Chúa Giêsu được thánh Matthêu giới thiệu như một Môsê mới. Chúa lên núi và công bố một sứ điệp làm thỏa mãn nỗi khắc khoải của con người, sứ điệp về ‘Hạnh Phúc Trọn Hảo’. Đó là hạnh phúc trong Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Bài Giảng trên núi cũng diễn tả Tin Mừng về Nước Trời: đề tài Nước Trời là một trong những điểm nhấn mạnh của Bài Giảng. Ngay ở câu đầu của Bài Giảng, ta đã được đặt trong quan hệ với Nước Trời, với Mối Phúc đầu tiên. Bài “Huấn giáo” này (tức Bài Giảng trên núi) là một phần nối dài của kêrygma về Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”.           

Thánh Matthêu nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng.

Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác

Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám đều có cấu trúc “Phúc thay […] vì Nước Trời là của họ”. Cấu trúc này tạo thành bộ khung cho toàn bộ sứ điệp ‘Phúc Thật’ và diễn tả: con người chỉ thực sự hạnh phúc khi có được Nước Trời, nghĩa là được sống trong sự cai trị của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa hằng hữu đầy quyền năng và nhân ái mới có thể đem lại cho con người hạnh phúc bất diệt. Thiên Chúa ban hạnh phúc dạt dào khôn tả cho ta qua các hoạt động của Người: Thiên Chúa ban Đất Hứa cho con người làm gia nghiệp, an ủi những ai nghèo khó, làm thỏa lòng những ai khát khao nên công chính…

Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn con người đón nhận hồng ân lớn lao này cách thụ động như thể không có lý trí và tự do. Chúa Giêsu dạy cho con người cách sống đúng đắn với thánh ý Thiên Chúa để đón nhận được hạnh phúc. Nến tảng của đời sống này nằm trong mối phúc đầu tiên, “tâm hồn nghèo khó”.

Ở đây, Chúa không có ý nói đến nghèo khó vật chất cho bằng nghèo khó về tinh thần. Đó là những “kẻ bé mọn” (Mt 18,10) biết khiêm nhường nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và biết phó thác trọn bản thân cho Người. Con người ấy không chỉ hoàn toàn hướng về Thiên Chúa mà còn mở ra với tha nhân trong tình mến: cậy trông vào Thiên Chúa, khát khao nên người công chính, sống hiền lành …

Kết thúc những mối phúc, Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc hay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Điều đó như một dự báo tiên tri đầy khó khăn cho những ai tuân giữ các mối phúc của Ngài.

Nói khác đi, những ai không tin, không thấy được cùng đích, không tin sự thưởng phạt, không tin sự sống đời sau, không thể nào cho đó là phúc được, ngược lại, đó là thảm họa! Chúng ta đang sống trong thực tại trần gian đầy cám dỗ, mỗi ngày qua đi đức tin của chúng ta bị hao mòn dần bởi chủ nghĩa thế tục và sự lên ngôi của quyền lực sự dữ, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để theo đuổi triết lý "thiện thắng ác, hiền thắng dữ, ánh sáng thắng bóng tối…” không?

Sự nghèo khó, dù là về tinh thần thôi, ngày hôm nay bị người đời rẻ rúng và khinh miệt. Người ta đua nhau làm giàu và tìm đủ mọi cách để phô trương, dù chỉ là khoe mẽ và đua tranh. Nghèo như Chúa Giêsu và gia đình Nazareth ngày hôm nay, giữa thế kỷ 21 này, sẽ bị người đời coi khinh lắm. Điều căn bản ngày hôm nay người ta không chỉ đo sự giàu có để khẳng định đẳng cấp, mà người ta dùng cả tiền bạc để mua tất cả mọi sự. "Còn tiền còn bạc còn ông tôi; có tiền anh nói em nghe, không tiền anh nói em chê anh tồi…” Ngày nay người ta vẫn tôn sự thực dụng ấy đấy thôi.

Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).

Mỗi cá nhân sẽ cảm nghiệm được những mong manh của phận người và điều còn lại bên chúng ta là: “Tất cả sẽ qua đi, chỉ mình Chúa mới tồn tại muôn đời” (Thánh nữ Têrêxa Avilla). Có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ không thiếu thốn điều gì. Giữa những lao công vất vả, giữa những giọt mồ hôi và nước mắt, giữa những quyến rũ trần gian, thì đôi mắt chúng ta vẫn hướng nhìn về Chúa. Chỉ có một sự cần đó là sống cho Chúa để cứu rỗi linh hồn mình.

Khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban Nước Trời, Đất hứa, ơn an ủi, lòng thương xót, được thấy Thiên Chúa và làm con Thiên Chúa. Nhưng vì các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, Vì thế, khi sống các mối phúc, chúng ta đã có kinh nghiệm ngay bây giờ niềm vui và hạnh phúc rồi.

Huệ Minh
Read 523 times Last modified on Thứ ba, 09 Tháng 6 2020 07:37