Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 10 Tháng 6 2020 09:09

Trở nên môn đệ Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Trở nên môn đệ Chúa


11.6.2020 Thứ Năm Thánh Barnaba

Mt 10, 7-13

TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.

Thánh Barnaba quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkia, nơi người đã giới thiệu ông Saolê thành Tácxô với các anh em.

Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.

Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.

Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu".

Bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ để các ông ở với người, chứng kiến việc Người làm, rồi được sai đi rao giảng Tin Mừng. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được gia nhập vào Giáo Hội, trở nên người môn đệ của Chúa. Vì thế, mỗi người phải có bổn phận nói về Chúa cho mọi người.

Nước Trời là nơi Thiên Chúa hiện diện. Qua biến cố Nhập Thể, “Nước Trời” đã đến gần với con người. Đức Giêsu Kitô chính là sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, giữa Nước Trời với thế gian. Bởi đó, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã rao giảng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng sai các Tông Đồ ra đi và rao truyền cùng một sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”. Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua việc Chúa Giêsu trao ban quyền năng cho các Tông Đồ để các ông có thể làm những điều vượt khả năng con người. Đó là làm cho người đau yếu được lành, người chết được sống lại, người phong hủi được sạch, người giam cầm được tự do. Qua đó, những ai đang đau khổ, buồn phiền, thất vọng, bị bỏ rơi được hưởng trọn vẹn tình yêu của Chúa.

Chúa Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng hay qua các trung gian. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.

Ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong Cộng Đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở Cộng Đoàn này, chúng ta được qui tụ từ rất xa trong niềm vui sống ơn gọi như thế này.

Khi sai họ đi, Chúa Giêsu không đòi hỏi các Tông Đồ điều gì quá sức, chỉ là những gì “đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8b). Điều mà các Tông đồ nhận được cách nhưng không từ Chúa không gì khác hơn chính là tình yêu. Đến lượt mình, các Tông Đồ đã ra đi và loan báo tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người. Đó là truyền giáo. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi ra đi và làm cho môi trường chúng ta sinh sống trở thành nơi tình yêu Chúa hiện diện, cụ thể, trong gia đình, nơi xứ đạo, trường học, công xưởng và ngoài xã hội.

Lời rao giảng « Nước Trời đã đến gần » đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ « nhưng không » : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (c. 8). có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời sẽ không hiện diện ở giữa chúng ta. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.

Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con trở nên hư hỏng.

Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.

Thánh Barnaba là mẫu gương nhiệt thành trong đời sống tông đồ và hết lòng với tha nhân. Ước mong mỗi người đều học được nơi ngài những nhân đức cao cả đó, hầu trở nên chứng nhân của Chúa giữa cuộc đời.
Huệ Minh

Read 444 times Last modified on Thứ sáu, 12 Tháng 6 2020 15:09