Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 13 Tháng 6 2020 06:44

Lương thực Thánh Thiêng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lương thực Thánh Thiêng


14.6.2020 Chúa Nhật

Mình Máu Thánh Chúa

Ga 6, 51-58

LƯƠNG THỰC THÁNH THIÊNG

Bí tích Thánh Thể vẫn được Giáo hội gọi là Bí tích của sự Hiệp thông (Holy Communion). Sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể tại nhà tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha ‘Xin cho họ nên một’ (Ut unum sint) như chúng ta là một. Chúng ta hãy bắt chước cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, như sách Tông đồ Công vụ thuật lại :‘Họ chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ sống hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Yêu, là trung tâm của đời sống yêu thương của con người. Vì yêu thương Chúa Kitô đã có sáng kiến thiết lập bí tích Thánh Thể, Ngài dùng chính Thịt Máu Ngài để nuôi dưỡng loài người chúng ta. Ngày xưa dân Do Thái đi trong sa mạc sống nhờ ăn manna từ trời và uống nước từ tảng đá vọt ra nhưng họ vẫn phải chết. Còn hôm nay, con người sống trong thời đại mới, thời đại giao ước mới của Chúa Kitô, người kitô hữu được nuôi dưỡng bằng chính Thịt Máu Chúa Kitô, Thịt Máu con Vua Trời,...nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Của ăn Thịt Máu Chúa Kitô sẽ làm cho chúng ta được sự sống đời đời như Chúa giêsu đã nói "Ai ăn Thịt Ta sẽ được sự sống đời đời". Chúng ta sẽ sống chứ không phải chết nhờ ăn uống Thịt Máu Ngài. Chính Chúa Kitô đã xác quyết mạnh mẽ: "Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống" (Ga 6, 55). Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn và của uống là những thứ thường tình nhất của đời sống con người để đưa con người vào sự sống đời đời.

Toàn bộ chương VI của Tin Mừng thánh Gioan đặt các môn đệ trước thái độ quyết liệt này, các ông đã được thấy Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều (Ga 6, 1-10), rồi đi trên mặt nước và trong nháy mắt thuyền đã cập bến không cần chèo chống (Ga 6, 16-21). Rồi cuối bài giảng tại hội đường Capharna um, ở đó Chúa Giêsu xưng mình là Bánh Hằng Sống (Ga 6, 26-59). Bài Phúc Âm hôm nay rút từ bài diễn văn của Chúa tại Hội Đường Capharnaum: "Ta là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây để cho thế gian được sống".

Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy ở trong Ta và Ta ở trong người ấy. Lời này của Chúa cho thấy rõ một sự hỗ tương quan trọng. Thực vậy, thoạt xét người ta có thể đơn giản nghĩ rằng Đức Kitô ở trong người nào ăn mình Ngài. Như thế chưa đủ, điều ngược lại cũng đúng. Người ước ao mình được ở trong Ngài, người ấy được đi vào và ở trong Đấng tạo dựng Cứu chuộc, viên mãn của mình. Làm sao nghĩ tưởng một điều như vậy?

Chúa đã muốn như thế. Ngài ban cho con người một khả năng phi thường hoà nhập vào Thần linh. Khi rước mình Đức Kitô, người tín hữu tiến dần đến sự hoà nhập với Đức Kitô. Nếu nghĩ rằng con người sẽ biến Thiên Chúa thành người thì được nuôi dưỡng bởi mình và máu Ngài thì thật là ấu trĩ. Con người được biến thành Thiên Chúa mới đúng. Con Thiên Chúa khi hiến thân làm lương thực thần hoá người nào ăn Ngài, Ngài cho người được tham dự vào bản tính Thần linh. Điều này khiến ta nghĩ đến câu tán tụng của mùa Giáng Sinh: Ôi trao đổi kỳ diệu, Thiên Chúa làm người để người được nên Thiên Chúa.

Ta là bánh sự sống từ trời xuống. Chúng ta có thể giải thích lời này như một mệnh đề phát biểu sự kiện Nhập thể. Sự sống đời đời hứa cho ai ăn bánh ấy là sự sống siêu nhiên, do Đức Kitô mang đến cho kẻ nào tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến. Nhưng lời ấy còn có ý nghĩa khác. Bánh Ta sẽ ban là thịt Ta chịu nộp cho thế gian được sống. Ở đây Chúa Giêsu nói về tương lai. "Bánh" cho đến đây có thể chỉ Chúa Giêsu lương thực đức tin, nay mang một ý nghĩa mới... Đức Kitô – Bánh ăn – đã trao nộp thịt mình cho thế gian được sống.

Điều ấy có nghĩa là nếu phép Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp làm của lễ hy sinh trong cuộc Tử nạn và trên thập giá, Thánh Thể đồng hoá hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi. Chúng ta có nghĩ rằng khi tham dự vào bàn tiệc của Chúa, mối dây liên kết huynh đệ đầu tiên và chính yếu nhất nối liền chúng ta với Hy lễ của Ngài hay không? Những buổi cử hành phép Thánh Thể nối kết làm một sự thông hiệp của chúng ta với nhau. Đừng bao giờ chia cắt những gì Chúa đã liên kết. Các Thánh lễ của chúng ta, cử hành chia sẻ, cũng phải cử hành lòng thờ phượng.

Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa chúng ta đến việc hiệp nhất với các anh chị em tín hữu. Vì liên kết với Chúa Kitô, nên chúng ta cũng liên kết với nhau để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là "Nhiệm thể Chúa Kitô". Ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những mối bất đồng, những mâu thuẫn sâu xa nhất để chỉ còn trở nên với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn. Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu trong Bí tích Thánh Thể có sức mạnh thu phục những khách bàng quan, những người xa lạ đến với Giáo Hội, như các tín hữu thời sơ khai đã từng chinh phục và đem lại ảnh hưởng lớn lao cho thế giới ngoại giáo: Họ nói với nhau: "Kìa xem coi họ (các tín hữu Kitô) yêu thương đoàn kết với nhau biết chừng nào!" (Cv 2, 42-47).

Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh –là Thịt Máu Chúa Giêsu- chúng ta được mời gọi chia sẻ chén cơm hằng ngày cho anh em và dấn thân hoạt động cho một trật tự công bằng, huynh đệ, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của mọi người trên thế giới hôm nay.

Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài.

Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Thánh thể là Bí tích Tình Yêu. Khi mời gọi: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.

"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: "Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết". Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: "Đây là bánh từ trời xuống... Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời".

Đứng trước mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng kinh ngạc nhưng không phải vì sự cao cả uy hùng của Thiên Chúa, nhưng là vì sự chiếu cố và tình yêu của Người đối với chúng ta. Bí tích Thánh Thể trước tiên chính là việc tưởng niệm một tình yêu không thể cao cả hơn, tình yêu hy sinh mạng sống cho bạn hữu mình.

Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa. Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta chia sẻ tình yêu của Chúa cho người chúng ta gặp gỡ.
Huệ Minh

Read 632 times Last modified on Thứ hai, 15 Tháng 6 2020 06:40