26.6.2020 Thứ Sáu
Mt 8, 1-4
TIN TƯỞNG & LÒNG BIẾT ƠN
Chứng bệnh phong đối với người Do Thái xưa là bệnh nan y không thể chữa được. Ai mắc bệnh đó liền bị ô uế. Vì là bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân phải cách ly khỏi xã hội, cộng đoàn, đi tới đâu phải tự kêu từ xa cho người ta biết mà tránh xa mình. Người ta quan niệm đó là hình phạt do tội lỗi. Người mắc bệnh vừa khổ sở thể xác, tinh thần còn khổ đau gấp bội vì bị cô lập, xa tránh, ghê tởm, bị loại trừ khỏi cộng đoàn, hội đường.
Một trong những nỗi khổ đau, cay đắng của con người là bị kỳ thị, ruồng bỏ bởi chính đồng loại của mình. Trong trang Tin mừng hôm nay, người bệnh phong bị rơi vào tình cảnh đó. Người bệnh không chỉ chịu nỗi đau về thể xác như ung nhọt, ghẻ lở mà còn chịu những đau khổ về tinh thần, bị mọi người xa lánh, bị đẩy ra lề cộng đồng.
Bệnh phong thể xác đã gây ra bao đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần nhưng bệnh phong thiêng liêng còn khủng khiếp hơn nhiều. Đó là những tội trọng mà chúng ta vấp phạm làm mất lòng Chúa. Bệnh phong thiêng liêng này không chỉ làm ta mất ân sủng trước nhan Chúa mà còn mất tình liên đới với tha nhân. Vì thế, mỗi người chúng ta phải nhìn lại lòng mình, nhìn lại thực trạng tâm hồn mình để nhận dạng căn bệnh trầm kha này và mau mắn chạy đến với Chúa để được chữa lành và được phục hồi như người bệnh phong trong Tin Mừng.
Trong Tin Mừng hôm nay, trước đám đông lũ lượt, một người phong hủi dám tiến lại mà xin với Chúa Giêsu thật là khiêm tốn: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh không còn chỗ trong cộng đoàn và chẳng được hòa nhập xã hội. Giữa cảnh cùng đường tuyệt vọng, dù biết thân phận và sợ sệt, nhưng với sự khát khao đến cháy lòng, anh nhận ra, tin tưởng vào lòng thương xót và uy quyền của Thiên Chúa nơi Ngài. Trước lòng tin tưởng và thái độ khiêm tốn của anh, làm sao Ngài lại không muốn cho được? Ngài giơ tay “đụng” vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Ngay lập tức anh được sạch trơn căn bệnh đáng sợ và vô phương chữa trị ấy.
Ở đây, mười người phong cùi còn xưng đích danh Chúa Giêsu. Họ không sợ "phạm húy". Họ muốn nói lên lòng tín nhiệm muốn kéo Người lại gần mình, như người trộm lành sau này cũng kêu tên Chúa Giêsu như thế để được chia phần số phận với Người, vì thực ra âm thầm họ ý thức được bệnh tình của họ chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới chữa được. Họ như nói lên niềm tin của dân Chúa đang trông chờ ơn cứu độ lòng Chúa thương xót, tức là nhờ Chúa là Ðấng thương xót.
Chắc chắn Chúa Giêsu đã coi lời họ xin là biểu thị lòng tin, nên bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế". Người bị bệnh phong cùi chỉ đi trình diện các tư tế khi đã khỏi bệnh để được các bậc nắm giữ pháp luật xác nhận là đã lành sạch. Bảo họ đi trình diện tức là Chúa Giêsu đã cam kết chữa họ. Thế mà Người chỉ làm phép lạ khi thấy lòng tin của người ta. Do đó Người đã chắc chắn về lòng tin của 10 bệnh nhân này.
Và quả thực, họ tin Người đến nỗi lập tức đã ra đi trình diện khi chưa thấy mình sạch. Ðó là niềm tin có thể dời núi chuyển non, như Lời Chúa đã hứa. Và thật vậy, trong khi họ đi họ đã được "sạch", tức là được khỏi bệnh. Chúng ta cảm phục lòng tin của họ; nhưng thiết tưởng chúng ta phải kính yêu Chúa Giêsu hơn nữa. Người đã chữa 10 kẻ phong cùi khỏi bệnh dễ dàng như vậy và nhất là khiêm tốn như thế. Khác hẳn với những tên tự xưng là cao tay làm phép lạ nhưng thật sự chỉ là những tên bịp bợm. Nhưng chúng ta hãy trở về với 10 người phong cùi.
Cung cách khi đến với Chúa Giêsu của anh là bài học lớn cho mỗi chúng ta hôm nay. Đang khát cháy lòng chuyện khỏi bệnh mà anh vừa xin vừa tôn trọng ý muốn của Ngài. Anh đặt số phận được hay không trong ý muốn của Ngài. Ngày nay nhiều khi chúng con cầu nguyện, lòng dạ chỉ một niềm muốn Chúa thực hiện cho được ý muốn của mình, chứ Chúa mà làm khác thì buồn sầu thất vọng…
Vì lòng xót thương, Ngài không ngần ngại “đụng” vào anh mà chẳng sợ lây bệnh. Ngài bẻ gãy hàng rào ngăn cách giữa những “người trong sạch” và những “người ô uế”. Lời “tôi muốn” chứng tỏ quyền năng của Ngài trên bệnh tật và tội lỗi, vượt lên trên hàng rào luật lệ. Lời ấy chứng minh rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể và anh sẽ được lành sạch. Người thực là Đấng có thể đưa anh trở lại hòa nhập cộng đoàn mà anh đã bị xa tránh loại trừ. Nhớ lại cuộc đời của Abraham, ta thấy ông Abraham khó tin nên cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Sara đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?... Nhưng Thiên Chúa phán: “Không đâu! Chính Sara, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac.”
Chúa Giêsu đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Nhìn lại, đời chúng ta là kết tinh của bao công ơn, chúng ta phải biết ơn, cám ơn mọi người có liên hệ gần xa với chúng ta, tất cả đều là những ân nhân của chúng ta. Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải biết ơn và cảm tạ Chúa luôn luôn, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là những ơn Chúa ban. Cảm tạ Chúa là một sự công bằng, hợp lý, không bao giờ đủ, cả đời sống dương thế để mà tạ ơn Chúa cũng không đủ, huống chi chúng ta chỉ thỉnh thoảng cám ơn, thậm chí quên bẵng luôn những việc tạ ơn, thì thật là bất hiếu, bất kính biết bao.
Ta hãy tạ ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Cám ơn là đi vào luồng tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài. Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có. Công trình cứu độ của Chúa Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.
Huệ Minh