Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 07 Tháng 7 2020 06:44

Chọn và gọi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chọn và gọi


8.7 Thứ Tư

Mt 10, 1-7

CHỌN VÀ GỌI

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.

Chúa Giêsu không chọn những người tài cao và học rộng, giàu sang và quí phái, chức vụ và uy quyền trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn người có tấm lòng và thiện chí. Chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu.

Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.

Với thánh sử Máccô và Luca chỉ nêu danh sách 12 tông đồ khi Chúa gọi các ngài; còn Matthêu thì nhắc đến nhóm 12, khi Chúa sai các ông đi rao giảng. Như vậy, Matthêu đã nhấn mạnh đến sứ mạng của nhóm 12 hơn là việc kêu gọi các ngài, và đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu, đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và nhiệm vụ truyền giáo, như chính Người đã được Chúa Cha sai đi.

Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông đồ làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm nền tảng cho Giáo hội. Các ông không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; Trái lại, các ông chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế, tức là hạng người thường bị khinh bỉ.

Ta thấy từ mười hai người này, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài. Nền tảng của Giáo hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Đấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo hội đứng vững đến độ sức mạnh hỏa ngục không làm lay chuyển nổi.

Chúa Giêsu chọn các Tông đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: Matthêu người thu thuế. Tất cả mọi người đều coi Matthêu là người phản quốc (làm việc cho ngoại bang), như một người làm tay sai cho những chủ nhân chiếm xứ mình để cầu lợi. Trái ngược với Matthêu, một người ái quốc thương dân là Simon (người nhiệt thành). Nếu Simon người cuồng tín đó gặp Matthêu tại một nơi nào khác ngoài tập thể của Chúa Giêsu, thì chắc chắn giữa hai ông sẽ xảy ra án mạng. Rồi một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói.

Và một Toma từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao. Tại dây có một chân lý trọng đại là những người thù ghét lẫn nhau lại có thể thương yêu nhau, khi cả hai đều mang sứ điệp Tin Mừng. Trái lại trong bài đọc một gia đình tổ phụ Giacob chúng ta thấy: Anh em trong nhà lại ám hại nhau.

Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô.

Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.

Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường. Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ. Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.

Sự chọn gọi các môn đệ của Chúa Giêsu là có chủ đích: Đó là để sai đi, công bố Tin Mừng Nước Trời, cùng với sứ mạng, các môn đệ được trao cho quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là dấu chỉ của thời đại Nước Trời đã đến, Tin Mừng thắng được sự dữ, Tin Mừng đến để phục vụ, để cứu chữa.

Kể từ khi được khai sinh, Giáo Hội vẫn trung thành và nhiệt tâm thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn trung thành, nhiệt huyết với ơn gọi. Chúng ta cũng luôn cộng tác với các ngài trong sứ vụ truyền giáo. Cộng tác qua cách sống hằng ngày trong gia đình, lối xóm, quê hương. Một lối sống thể hiện là con cái Thiên Chúa. Một lối sống mà khi nhìn vào dân ngoại biết chúng ta đang mang gương mặt, trái tim, tình yêu của Đức Kitô.

Đồng thời, chúng ta cũng phải biết sẻ chia, giúp đỡ và đón nhận dân ngoại bằng tinh thần yêu thương, qua đó họ sẽ nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hướng lòng về Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo đầy thách thức hôm nay với tinh thần cầu nguyện, hiệp thông. Cầu nguyện cho những người xa Chúa biết trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ. Hiệp thông trong sứ mạng chung bằng cách góp phần nhỏ bé của mình.

Lệnh sai đi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn hiệu lực cho Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu có bổn phận đến với muôn dân, mang Tin Mừng của Chúa đến bằng sự phục vụ, yêu thương và cứu chữa. Như trong bài đọc một. Giuse nhận ra kẻ thù là anh em, sẵn sàng chia sẻ khi anh em gặp khốn khó, cấp dưỡng khi anh em bị bỏ rơi.
Huệ Minh

Read 553 times Last modified on Thứ tư, 08 Tháng 7 2020 11:09