Ngày 5 tháng Tám Cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả
Kh 21, 1-5a; Lc 11, 27-28
HÃY ĐỂ TÂM HỒN TA LÀ ĐỀN CHÚA NGỰ
Đền thờ đầu tiên được cung hiến để kính Đức Trinh Nữ ở Roma, ngày nay gọi là đền thờ Đức Bà cả. Truyện kể lại rằng, có hai vợ chồng không con nuôi nấng, muốn dâng gia tài của mình cho Đức Mẹ. Trong khoảng đêm 4 hay 5 tháng 8, Đức Trinh nữ đã hiện ra với họ, cùng một lúc với Đức Thánh Cha Libêriô, bày tỏ ý muốn được thấy mọc lên trên núi Esquilin, một thánh đường dâng kính Ngài.
Hôm sau, Đức Thánh Cha cùng với hàng giáo sĩ ở Roma đi lên núi Esquilin. Lúc ấy trời nóng nực nhưng tuyết vẫn còn phủ đầy một góc núi. Theo ý Đức Trinh Nữ, Đức Thánh Cha phác họa một thánh đường, xây cất bằng tiền của cặp vợ chồng không con dâng cúng, lấy tên là đền thờ Đức Bà xuống tuyết để ghi nhớ phép lạ trên.
Truyện kể lại như vậy, nhưng tính chất chân thực của câu chuyện vẫn còn bị nghi ngờ, thực sự ở Roma đã có một đền thờ Đức Bà cổ, còn cổ kính hơn cả đền thờ Đức Thánh Cha Libêriô (352 - 366) cho xây cất nữa. Và đền thờ này được Đức Sixtô Israel (436 - 440) tái thiết. Ngài đặt tên là đền thờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn là để ghi nhớ công đồng Ephêsô (431) biến cố dẫn tới tín điều Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa.
Ngoài danh xưng là đền thờ Đức Bà xuống tuyết và đền thờ Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, ngôi đền này còn mang tên đền thờ Đức Bà Máng cỏ, vì nơi đây lưu giữ máng cỏ Chúa Giêsu sinh ra. Máng cỏ được đặt trong một cái hộp bằng bạc. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng.
Ngày nay, người ta thường gọi là đền thờ Đức Bà cả. Danh hiệu nầy nhắc nhớ thứ bậc của đền thờ này trong các các thánh đường dâng kính Đức Maria tại kinh thành muôn thuở. Đối với Giám mục Roma, đây cũng chính là nhà thờ chính tòa thứ hai.
Nhiều đền thờ trong số những đền thờ này đều ghi nhớ một giai thoại đạo đức như một ảnh lạ, vài ơn phúc đặc biệt mà tình yêu của Đức Trinh nữ đã thực hiện. Các tín hữu đến đây cầu nguyện để bày tỏ niềm cậy trông chân thành với Thiên Chúa và Đức Trinh nữ Maria.
Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: "Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đã chỉnh lại : “Đúng ra phải nói : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Trả lời như vậy Chúa Giêsu đã hướng những người nghe vào điều trọng tâm của việc nghe Người giảng đó là : phải đón nhận lời của Thiên Chúa và đem ra thực hành, chứ không chỉ coi những lời Người chỉ là những lời nói hay và thích thú theo kiểu thế gian. Chính thái độ lắng nghe như thế mới đem lại hạnh phúc cho mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Chúa Giêsu không phủ nhận sự nâng niu, nuôi dưỡng của Mẹ Ngài và còn gián tiếp ca ngợi Đức Maria nữa vì Mẹ nghe lời và tuân giữ lời Chúa hơn ai hết. Câu trả lời của Chúa Giêsu còn nhắc nhở cho những người đang nghe Chúa nói và cho mỗi người chúng ta hôm nay, khi nghe lời Chúa, chúng ta có để cho lời Chúa vào tâm hồn mình rồi đem ra thực hành không hay chỉ nghe lời Chúa như lời người bình thường, chỉ thấy đó như là những lời hay ý đẹp của người phàm, chỉ thấy đó làm điều thích thú.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Tin mừng hôm nay Chúa tiếp tục dùng “liệu pháp sốc” để mọi người ý thức về sự cao cả của người biết lắng nghe và thực hành lời Chúa như mẹ của Ngài. Chắc chắn Chúa không bao giờ hạ giá mẹ Ngài, vì hơn ai hết Chúa biết rõ Mẹ là người hằng lắng nghe và thực hành lời Chúa hơn ai hết.
Lắng nghe bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi có thể bị sốc trước lời của Chúa, nhưng Chúa muốn vậy để lay tỉnh tâm hồn ta. Chúa muốn ta suy gẫm về cuộc đời của Mẹ Ngài – một con người luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa và trở thành người có phúc nhất trần gian! Bạn và tôi cũng lại có cơ hội trong thánh Mân côi này suy gẫm cuộc đời của Mẹ gắn với cuộc đời của Chúa qua những mầu nhiệm được suy niệm trong kinh Mân Côi. Ước gì chúng ta luôn biết noi gương Mẹ trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa để chúng ta cũng được hưởng lời chúc phúc của Chúa như Mẹ: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
Huệ Minh