11, 8Thứ Ba tuần XIX Thường niên
Ngày 11 tháng Tám
Thánh Clara, trinh nữ
Pl 3, 8-14; Mt 18, 1-5. 10. 12-14
ĐƠN SƠ NHỎ BÉ
Thánh nữ Clara qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253 tại Saint-Damien và được Đức giáo hoàng Alexandre IV phong thánh hai năm sau. Ngày lễ thánh nữ đưa ta lên tới cội nguồn dòng Phan sinh và giúp ta hiểu được lý tưởng của Poverello (Anh Nghèo, thánh Phanxicô) mà thánh nữ đã thể hiện một cách tuyệt diệu. Chính thánh nữ thường cũng đã tự gọi mình là “cây bé nhỏ do Phanxicô trồng” .
Clara sinh tại Assise khoảng năm 1193, con gái hiệp sĩ Favarone và phu nhân Ortolana. Hồi còn là thiếu nữ, Clara đã gặp gỡ cha linh hồn nhiều lần. Năm 1208 Phanxicô trở lại và trở thành “người điên có lời nói rực lửa và những việc làm siêu nhân”. Đêm lễ lá năm 1212, sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa và nhận cành lá từ tay Đức giám mục, cùng với người em họ là Philippa, Clara trốn khỏi nhà, đến với thánh Phanxicô tại Sainte Marie-des-Anges, ngôi nhà thờ bé nhỏ thánh nhân vừa sửa chữa lại. Chính tại đây Poverello cắt tóc cho Clara, đội cho một chiếc lúp và mặc một cái áo vải thô để đánh dấu việc trút bỏ trần gian và tận hiến cho Đức Kitô. Thánh Phanxicô tìm cho Clara một chỗ tạm lánh thân, trước hết là ở nhà dòng các bà Biển Đức.
Tại đây em gái của Clara là Agnes cũng đến theo chị. Sau nhà dòng các bà Biển Đức là một căn nhà cũ gần nhà thờ Saint-Damien cạnh cổng thành Assise. Đây là nơi khai sinh Dòng các nữ tu nghèo hay nữ tu Clara, cũng còn gọi là Dòng Hai Phan sinh. Trong bốn mươi ba năm tu dòng ở Saint-Damien, trong đó hai mươi chín năm bệnh tật đau đớn, Clara đã thực hiện trọn vẹn ơn gọi theo lý tưởng thánh Phanxicô qui định thành một “công thức sống” do Poverello thành Assise và được Đức Giáo Hoàng Innocent IV phê chuẩn. Ngày 5 tháng 10 năm 1226, tại Saint-Damien, Clara chào từ biệt lần cuối thi hài thánh Phanxicô. Trước đó Poverello lúc ấy đã rất đau yếu đã được đón về và săn sóc ở một căn lều dành riêng trong khu vườn nhà dòng suốt mùa thu năm trước.
Nơi thánh Clara, lòng bác ái đó cũng trở thành tình thắm thiết như thấy trong lời chúc của thánh nữ: “chị Clara, môn đệ của Chúa Kitô, là cây nhỏ do thánh Phanxicô trồng, người chị, cùng là mẹ của em cũng như của các chị em nữ tu nghèo khác mặc dầu chị bất xứng ... chị chúc lành cho em khi còn sống cũng như sau khi chị qua đời hết sức có thể và cả hơn sức có thể”. Tương tự như thế, những lời Bà nói với linh hồn mình lúc gần chết chứng tỏ sự thắm thiết đó: “Hãy yên tâm tiến bước, vì em đã đi đúng đường tin tưởng mà bước tới, bởi vì Chúa tạo hóa đã thánh hiến em, gìn giữ em không ngơi, đã yêu thương em với tất cả sự dịu dàng của một bà mẹ đối với con mình. Ôi lạy Chúa, con ca ngợi Chúa vì Ngài đã dựng nên con!”
Suốt ba năm đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ cũng có cao vọng muốn được trở thành người lớn nhất trong Nước Trời nên đã đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”.Hiểu được tâm tư ấy, Chúa Giêsu liền dạy các ông một bài học thật ý nghĩa đó là “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất cụ thể đó là trở nên khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ. Khiêm tốn là một đức tính cao quý của con người. Người người có tâm hồn trẻ thơ thì tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa,khiêm tốn không cậy dựa sức riêng nhưng biết nhìn nhận những giới hạn của mình.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc hay hình thức bên ngoài nhưng dựa vào thái độ chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người có tâm hồn khiêm tốn. Chúa sẽ không mạc khải cho những bậc khôn ngoan thông thái biết về mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như đón nhận chính Chúa, vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20).
Vì thế mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người có đầy đủ mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ, chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta biết cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.
Và để minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ về người chủ chăn đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi.
Ai khiêm tốn nhận mình là yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn giúp sức. Thánh Phaolô tông đồ có nhiều kinh nghiệm về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ yếu đuối chẳng có gì để vênh vang.Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa. Còn thánh Augustinô thì xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau, chính sự khác biệt đó càng diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.Hình dáng bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, trắng hay đen...đối với Chúa không có gì là xấu.Điều quan trọng nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta được chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
Huệ Minh