04/10/2020
Chúa Nhật Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm A
Mt 21, 33-43
TRẢ LỜI VỚI CHÚA VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM
Dụ ngôn những thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài loại bỏ.
Như thường lệ Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm vườn.
Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó.
Quả thực, người con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.
Chúa Giêsu đã nói tới lòng tốt của ông chủ vườn nho không những sẵn sàng thuê mướn mọi người, nhất là những kẻ thất nghiệp, kém may mắn, mà còn trả công đồng đều cho cả những kẻ làm việc ít giờ nhất.
Ngài cũng đã nói tới những tá điền, là những người quản lý có trách nhiệm canh tác vườn nho để giao nộp hoa lợi cho chủ. Nhưng họ đã phản bội, đã đánh đập các sứ giả và đã giết chết chính người con của chủ. Để rồi, chủ đã phải lấy lại vườn nho mà trao cho người khác quản lý, tức là Giáo Hội.
Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều Chúa nói nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.
Qua dụ ngôn những người tá điền nổi loạn chúng ta thấy ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa đã rào giậu và chăm sóc cho vườn nho của mình. Còn những tá điền nổi loạn chính là dân Do Thái, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho muôn vàn hồng ân. Còn các đầy tớ được sai đến là các tiên tri. Nhờ các tiên tri mà Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài cho họ, thế nhưng họ đã đối xử dã man và tàn bạo đối với những người được Thiên Chúa sai đến. Nào là đánh đập, nào là giết đi.
Điều đáng buồn hơn nữa là cũng chẳng thiếu gì những tá điền, những người quản lý đã chiếm đoạt vườn nho Chúa làm gia nghiệp riêng của mình. Họ mặc sức khai thác tùy theo ý muốn, miễn sao có lợi cho mình. Không thiếu những kẻ chỉ lo rào dậu, xây tường và kiến tạo những bồn đạp nho, nhưng lại chẳng chăm sóc gì đến cây nho, khiến vườn nho Chúa mọc lên những cỏ dại và gai góc.
Sau cùng ông chủ đã phải sai phái chính người con trai duy nhất của mình đến với họ, để tỏ cho họ thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Ngài, nhất là sau những biến cố đáng buồn đã xảy ra. Người con duy nhất này là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng đã bị họ giết chết trên thập giá. Cái chết khổ đau này làm cho Ngài liên tưởng tới lời thánh vịnh 118: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường, đó là việc Thiên Chúa đã làm và thực lạ lùng dưới mắt chúng ta. Tảng đá góc tường là nơi câu móc những bức tường của toà nhà, nó nắm giữ một vai trò, một vị trí rất quan trọng.
Chúng ta được trao phó cho mảnh vườn của Thiên Chúa, cha mẹ được Thiên Chúa trao phó cho một gia đình để chăm sóc; linh mục cũng được Thiên Chúa trao pho cho đoàn chiên; các người có trách nhiệm với dân tộc, với cộng đoàn giáo xứ, với các hội đoàn... đều là những người được Thiên Chúa trao phó vườn nho của Ngài. Cuộc sống này là vườn nho của Thiên Chúa và mỗi người chúng ta là những người làm vườn nho của Thiên Chúa.
Chính trong ý nghĩa nói trên mà câu chuyện dụ ngôn cũng là câu chuyện của đời thường và câu chuyện của ngày xưa cũng là câu chuyện của ngày hôm nay. Hàng ngũ lãnh đạo Do thái giáo ngày xưa đã loại trừ và đã giết chết Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để chỉ cho họ con đường về Trời. Vụ án giết Con Thiên Chúa vẫn còn kéo dài qua mọi thời cho tới ngày hôm nay. Và lý hình giết con Thiên Chúa có thể là mỗi người chúng ta. Điều đó thật là đáng sợ.
Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo DoThái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ nắm giữ công quyền của các quốc gia. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử giật mình tự kiểm.
Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó. Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi. Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay. Đức Hồng Y Suhard đã nói: "Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm".
Huệ Minh