05/10/2020
Thứ Hai Tuần XXVII Mùa Thường Niên
Lc 10, 25-37
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI
Mở đầu trang bài Tin Mừng hôm nay là câu hỏi của một vị luật sĩ. Không biết vì lý do nào khiến ngươì hỏi Chúa Giêsu một vấn đề mà lẽ ra ông phải thông suốt : “ Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời ?” Chúa Giêsu trả lời bằng hai câu hỏi : “ Luật viết gì ? ông đọc thế nào ?” (c.26) Chúa Giêsu muốn chính ông phải trả lời về câu hỏi ông đặt ra dựa trên luật mà ông đã nắm vững. Ở câu 27, ta thấy ông rất thuộc luật và Chúa Giêsu đã không phải trả lời hoặc sửa đổi, nhấn mạnh ở điểm nào cả :
“ Hãy yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”( 27a) nghĩa là yêu Thiên Chúa với trọn vẹn con người gồm thân xác và linh hồn, tâm tư, trí lực. Nói tóm lại : hãy yêu Ngài với những gì bạn Có và bạn Là. Bên cạnh đó “ hãy yêu người thân cận như chính mình” ( 27b) nghĩa là hãy quí trọng người khác như thân thể mình vậy. Ông luật sĩ trả lời vanh vách, không ngập ngừng hay lúng túng đến nỗi Chúa Giêsu phải khen ông “Ông trả lời đúng lắm, và Ngài thêm một mệnh lệnh “ cứ làm như vậy sẽ được sống” ( c.28).
Tiếp theo đó là dụ ngôn người Samaria nhân hậu.
Và rồi ta thấy thánh sử Luca giới thiệu bằng một mệnh đề nói lên lý do vì sao Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn : “Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý... Ai là người thân cận của tôi?” ( c.29). Đây là cách giảng dạy thông thường của Chúa Giêsu khi có một nguyên nhân thúc đẩy để Ngài nói lên một vấn đề, đúng hơn là một bài giáo huấn. Trong luật nói : Người thân cận.
Ở đây ông luật sĩ đựơc Chúa khen, nên ông tưởng minìh đã đi đúng đường. với tính tự cao tự mãn bộc lộ rằng : Mình có lý. Chúa Giêsu muốn ông xác định lại vấn đề ông hỏi và dẫn ông đi vào cái nhìn của Ngài về “ người thân cận” qua dụ ngôn. Ngài mở lời : Có một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô ... rơi vào tay kẻ cướp, bị trọng thương, mất hết của cải. Và kìa có thầy tư tế, thầy Lêvi đi qua đó, nhưng cả 2 ông đều tránh sang một bên. Lý do đơn giản : sợ ô uế. Một hình thức giữ luật vì luật. Họ sợ ô uế đến nỗi : thà để một con người chết đi, hy sinh vì luật. Luật đã khiến họ ra mù quáng ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Chúa Giêsu đưa ra tiếp một hình ảnh người Samaria. Theo quan niệm Do Thái giáo, người Do Thái không tiếp xúc với người Samaria vì cho họ là dân ngoại. Nhưng ở đây, chính người ngoại này đã dừng lại. Cúi xuống băng bó vết thương và vực người bị thương lên lưng lừa, đưa về quán trọ. Thánh sử nói rõ : ông ta làm vì lòng thương (c 33). Chẳng những ông ấy băng bó rồi còn trao cho chủ quán tiền chữa chạy, nếu thiếu, trên đường về chính ông là người trả lại số tiền thiếu đó. c.35). Một hành vi cao thượng. Người Samaria này không nghĩ đến bản thân : túi tiền bị hao hụt, mất thời giờ, lỡ cơ hội vì chậm trể hoặc có nguy cơ chính mình sẽ bị cướp lột ngay trên quãng đướng vắng vẻ này. Hình như tình thương che phủ sợ hãi. Ông quên hết những điều đó mà chỉ chuyên chú một điều : chạy chữa cho nạn nhân.
Một dụ ngôn thật ứng dụng cho đời sống. Chúa Giêsu có biệt tài hướng dẫn những người thành tâm thiện chí nhận ra đường lối của Thiên Chúa. Ngài xoay lại câu hỏi của ông luật sĩ : ai là người thân cận của tôi thì nay sẽ là :ai đã tỏ ra là người thân cận ?...( c.36). Thật vậy, nhiều khi chúng ta đòi hỏi người khác phải trở thành “ thân cận” của mình, mà ta quên rằng : chính chúng ta phải là “ người thận cận” cho anh em. Người luật sĩ đã nhận ra vấn đề và trả lời: Người thân cận là người đã thực thi lòng thương xót với anh em đồng loại (c.37). Và Chúa Giêsu lại kết luận bằng cách nhắc lại một lần nữa mệnh lệnh của Ngài “ Hãy đi và làm như vậy” . Ông đã hiểu giờ chỉ còn thực hành mà thôi.
Trong cuộc sống hiện tại, có lẽ mỗi người không ít thì nhiều rất e dè khi giúp đỡ người khác, nhất là người đang lâm nạn, bởi vì “đầu không phải, phải tai” và có khi chính mình phải lãnh hậu quả do người khác gây ra chỉ vì lòng bác ái của mình. Nhưng chúng ta cũng đừng vịn vào cớ đó mà bàng quan trước đau khổ của người anh em, như thầy tư tế và thầy Lêvi xưa. Lòng bác ái không có ranh giới. nó phủ nhận mọi lý do ngay cả lỗi lầm, thiếu sót.
Chúa Giêsu muốn giáo huấn cho chúng ta về luật yêu thương. Người thông luật thực tâm muốn tìm hiểu về người thân cận là ai? Đối với Chúa Giêsu, người thân cận phải là người có lòng yêu mến, có tâm tình chia sẻ thương yêu mọi người, qua đó người thông luật biết vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của mình, để trở thành người thân cận, từ đó họ có cái nhìn thấu đáo, và trả lời với Chúa Giêsu với tấm lòng thành tâm của mình như sau: “Chính kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” và Đức Giêsu đã bảo ông: “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Hành động người Samari, Chúa đã cho mọi người hiểu rõ, giới hạn của tình yêu là vô biên, phát xuất từ sự tốt lành, nhân hậu, bác ái của ông quả đã minh chứng rõ ràng qua hành động yêu thương quá cụ thể, không chỉ chạnh lòng thương thôi, mà thể hiện bằng chính tấm lòng của mình: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35). Đây là hành động phát xuất từ tâm hồn hay trái tim của con người tràn đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Ông đã thể hiện đức ái không chỉ trong lời nói mà còn trong chính việc làm của mình.
`Có thể người đời cho rằng người Samari thích làm chuyện bao đồng, hay thích “vác tù và hàng tổng”, nhưng chính lòng nhân hậu của họ đã được Thiên Chúa thương yêu. Họ xứng đáng làm môn đệ của Người, cho dù họ là những người khố rách áo ôm, bần cùng trong xã hội. Chúng ta đều mắc nợ nhau với tha nhân, nhưng còn món nợ đời đời phải trả đó là lòng yêu thương Chúa luôn dành cho ta. Từ đó, mỗi người chúng ta tìm thấy được chính lòng mến Chúa và yêu người là kim chỉ nam cho ta đi tìm sự sống vĩnh cửu ở quê trời.
Trong cuộc sống có biết bao cảnh ngộ bi thương đau đớn, vẫn còn đâu đó những người vô cảm, lạnh lùng, không có lòng thương xót. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Ta bảo thật các ngươi; mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 26, 45). Như vậy, người thân cận của tôi không chỉ hạn hẹp trong nhận thức là những người tôi quan biết, gần gũi, yêu thương, mà Chúa đã chỉ cho tôi thấy người thân cận chính cả tất cả mọi người chung quanh nữa.
Qua dụ ngôn người Samari, Chúa cũng dạy cho mọi người biết giới hạn của tình yêu thương là không biên giới, dụ ngôn khác hẳn bởi người thông luật chỉ yêu thương trong phạm vi luật buộc, hay luật định.
Huệ Minh