Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến hai giới luật chính yếu mà Đức Kitô lượng giá là lớn lao nhất: Yêu Chúa và yêu người. Không cần phải kể đến bao nhiêu lần chúng ta nghe nói về những lời này, mọi người đều phải chú tâm về những đòi hỏi gắt gao phải được thực hiện trong cuộc sống nhân sinh. Vì thế, Đức Kitô có ý kết hợp hai giới răn yêu Chúa và yêu người nên một và bất khả phân li như hai mặt của một đồng tiền.
Kính yêu Thiên Chúa, là Đấng vô hình, sẽ không hoàn hảo và phi lý nếu không được chứng tỏ bằng sự yêu mến tha nhân là những người cùng chung sống hoặc gặp gỡ mỗi ngày trên đường phố nơi chúng ta đang sống. Hàng xóm láng giềng không chỉ là những người được xử dụng để “điền vào chỗ trống” trong đời mình khi có sự cố, vì qua họ, Chúa đối thoại với chúng ta mỗi ngày. Kinh thánh không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng: “Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà lại giận ghét anh em mình là người nói dối.” (1John 4: 20-21) Không ai có thể tự xưng mình là Kitô hữu nếu chúng ta tiếp tục đóng đanh hàng xóm láng giềng của mình.
Yêu mến tha nhân như chính mình là một yếu tố cần thiết để hiến dâng lòng trí chúng ta cho Thiên Chúa và đó chính là động lực thúc đẩy mọi người phải cố gắng và nỗ lực thực hiện suốt cả đời mình. Về lý thuyết thì xem ra đây là một lý tưởng sống thật tuyệt vời và dễ chu toàn nhưng để thực hiện vuông tròn lời mời gọi này thì lại là chuyện đầy nhiêu khê rắc rối. Yêu một người hàng xóm có thể là một thách đố lớn lao, đặc biệt khi người hàng xóm đó lại là người có tính tò mò lắm chuyện và con cái của họ là những đứa trẻ phá phách và hỗn xược, đó là chưa kể đến những người bạn đồng nghiệp luôn mè nheo đôi mách làm cho cuộc sống của chúng ta bị xáo trộn và điên đầu.
Chứng tỏ được tình yêu qua những hoàn cảnh đó tất nhiên là khó khăn vô cùng và đói hỏi thật nhiều cố gắng triền miên, và đây thường là cách chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa trong đời mình. Điều không thể sai lầm là tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành một sự trốn chạy đúng nghiã và lòng đạo đức của chúng ta sẽ là một sự ảo tưởng đầy vô vọng nếu chúng ta cầu nguyện hằng ngày, tham dự thánh lễ vào ngày Chúa nhật, nhưng lại không bao giờ màng tới những người cùng thờ phượng dưới một mái ấm Thánh đường như chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn để mắt nhìn xem để biết chúng ta đối xử với anh em mình như thế nào. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và không ai là khác biệt.
Hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi để nhận ra cái bóng đen của chính mình và những vết rạn kẽ nứt của cuộc đời đã tạo nên những hố ngăn cách với Thiên Chúa. Khi tuyên xưng rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhưng chúng ta lại lạnh nhạt trong sự liên hệ với người khác thì thật là trái ngược trớ trêu. Là con người, ai ai cũng muốn tình yêu chỉ là những đoá hoa hông không gai, tươi mát và mượt mà để dễ dàng đưa tay hái, nhưng nếu bước theo chân của Đức Kitô vào con đường yêu thương, chúng ta sẽ cảm nghiệm được rằng, yêu là đau khổ, là hy sinh quên mình dưới bóng cây thập tự giá trên đồi Can-vê – nơi Ngài đã chết vì yêu.
Lúc yêu chính là lúc chúng ta phục vụ những kẻ già nua yếu ớt, chăm sóc những kẻ ốm đau bệnh tật, hàn gắn những rạn nứt trong tình liên đới và kiên nhẫn lắng nghe tiếng thở than của những người bị đè nén khổ đau. Rất ít người tìm kiếm tình yêu trong sự yếu đưối mọn hèn, sự bất lực và sự khổ đau, nhưng đó lại là lệnh truyền phát xuất từ con tim rướm máu vì yêu của Đức Kitô. Từ lúc sinh ra trong khó nghèo ở chốn hang lừa như một kẻ vô gia cư cho đến cái chết như một tội phạm trên thập giá ở đối Can-vê, Đức Kitô luôn được công nhận là kẻ nghèo khó và khiêm hạ nhất trong lịch sử của con người từ của cải ật chầt, tinh thần cũng như thân xác.
Thật vậy, Tin mừng của Chúa không chỉ là một lý tưởng tuyệt vời hoặc một quan niệm sống hoàn hảo để tôn thờ, nhưng là một lối sống thực tế thật cần thiết mà chúng ta phải thực hiện, nếu chúng ta muốn bước trên con đường khiêm hạ với Thiên Chúa. Như lời nói xưa rằng, đêm đã tàn và một ngày mới đang bắt đầu khi chúng ta nhận ra được mọi người đều là anh chị em với nhau.
Lm. Francis Trần Phương