Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 09 Tháng 11 2020 07:03

Phục Vụ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Phục Vụ


10 25 Tr Thứ Ba tuần 32 Mùa TN.

Thánh Lêo Cả, Ghtsht. Lễ nhớ.

Tt 2,1-8.11-14; Lc 17,7-10

PHỤC VỤ

Thánh Giáo Hoàng Lêô có lẽ qua đời ngày 10 tháng 11 năm 461, và lễ nhớ ngài đã được chứng thực trong sách Tử đạo của thánh Giêrônimô. Ở phương Đông, ngay từ xa xưa, lễ này được mừng vào ngày 18 tháng 1 tại thánh đường Sainte Sophie ở Constantinopoli. Còn tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh chỉ có từ 1754. Lăng mộ của ngài được đặt dưới hành lang của thánh đường thánh Phêrô ở Rôma.

Thánh Lêô sinh vào cuối thế kỷ IV, có lẽ là người gốc Toscana có thủ phủ là thành phố Florence, nước Ý, nhưng hấp thụ nền giáo dục Rôma. Là tổng phó tế [nhân vật số 2 của Giáo hội Rôma] thời các Đức Giáo Hoàng Celestin I và Sixte III, ngài nổi bật về sự nhiệt tình phục vụ Hội Thánh. Trong số những hoạt động của ngài, chúng ta chỉ kể ra đây một số quan trọng :

Năm 430, vì lo lắng cho giáo lý chính truyền, ngài đã nhờ tới tu sĩ Jean Cassien người Marseille: “Xin giúp chúng tôi chống lại Nestorius, là người chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị…” Vị tu sĩ này trả lời bằng một khảo luận vững chắc về Nhập Thể, đề tặng cho tổng phó tế Lêô, “điểm son của Hội Thánh và của thừa tác vụ thánh”;

Năm 439, nhờ tổng phó tế Lêô, đức Sixte III lật tẩy được lạc thuyết của Julien dÉclane, Giám mục ở Benevent, là người bênh vực thuyết Pêlagiô [loại bỏ sự cần thiết của ơn sủng để giúp con người nên công chính và được thánh hóa], và ông này bị truất ngôi sau đó;

Năm 440, trong khi đang ở tại triều đình xứ Gaule [Nước Pháp], trong sứ mạng hòa giải cuộc xung đột giữa tướng Rôma Aetius và tướng Gaulois Albitius của nước Pháp, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma kêu gọi kế vị đức Sixte III.

Hai mươi mốt năm Giáo Hoàng của ngài (440-461) có thể chia thành 2 thời kỳ, với những biến cố quan trọng nhất sau đây:

Năm 443, Đức Giáo Hoàng Lêô triệu tập ở Rôma một hội nghị để tố giác những lạc thuyết của phái Manikê [kết hợp hai quyền lực ngang sức nhau là “thiện” và “ác”] từng bị Đức Giáo Hoàng Innocentê I kết án năm 416: Tất cả tác phẩm của họ bị đốt hết. Ngài cũng làm như thế đối với phái Pêlagiô [phái phủ nhận quyền lực và sự cần thiết của ơn sủng] mà Công Đồng Êphêsô đã kết án cùng với phái Nestoriô [chủ trương chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu] vào năm 431; năm 437, ngài cũng chống lại phái Priscilla [phái do ông Motanô chủ trương, nở rộ tại Phrysy, thuộc Phi châu ; ông Môntanô thường đi với hai người phụ nữ là Priscilla và Maximilla là những người tự nhận là hiện thân của Thần khí. Họ kêu gọi dân chúng ăn chay và cầu nguyện để có được những mặc khải cao cả, siêu phàm], đức Lêô Cả đã kêu gọi một Công Đồng cấp quốc gia kết án phái này. Đức Giáo Hoàng cũng can thiệp trong lãnh vực kỷ luật tại châu Phi, để tạo điều kiện cho việc phong chức các Giám mục.

Về cuộc tranh cãi giữa ngài với đức Hilaire, Giám mục thành phố Arles và là đại diện giáo chủ Rôma tại Gaule, ngài kêu gọi vị Giám mục này trở về với trật tự và ra hình phạt đối với vị này. Như thế đức Lêô có ý khẳng định uy quyền toàn cầu của Giám mục Rôma. Ngài tuyên bố trong một lá thư viết năm 446: “Rôma đề ra những giải pháp trong trường hợp được người ta yêu cầu; những giải pháp này có giá trị sắc lệnh. Trong tương lai, Rôma sẽ ra những hình phạt theo luật.”

Trong thời kỳ thứ hai của đời Giáo Hoàng, ngài chủ yếu quan tâm tới việc bảo vệ tín lý về Nhập Thể chống lại Eutychès, với tất cả những bước thăng trầm gắn liền với Công Đồng Chalcédoiniô là Công Đồng định tín về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô (451).

Chúng ta nhắc lại những sáng kiến rất dồi dào của ngài. Trên bình diện giáo lý có bức thư nổi tiếng là lá thư gửi đức Flavien. Trên bình diện phụng vụ: Rất nhiều bản văn của sách Bí tích Vêrona cũng được gọi là “của đức Lêô”. Trên bình diện chính trị, các sáng kiến cá nhân của ngài, như việc chống lại Attila, vua người Huns, ở Mantoue (452), hay chống lại Senséric, vua của người Mandi Vandalê, ở Rôma (455), xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình. Trên bình diện văn chương hay tu từ: 96 thiên khảo luận hay bài giảng liên quan tới 5 năm thi hành thừa tác vụ đầu tiên của ngài, và 173 lá thư.

Khi Đế quốc Rôma tới ngày suy tàn, và khi những đạo lý mới lạ ngày càng lôi cuốn người ta và các lạc giáo xưa kia nổi dậy trở lại, Đức Giáo Hoàng Lêô ý thức vai trò kế vị thánh Phêrô của mình, đã có những hành động quyết định đối với vận mệnh của Hội Thánh và của Đế quốc.

Trang Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi".

Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?

Rất dễ thấy, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi.

Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".

Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi chúng con biết nghe Lời Chúa, noi gương Chúa trở nên những người phục vụ giáo xứ, gia đình và những người xung quanh với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Chúng con tin rằng Chúa sẽ trả công bội hậu theo lòng quảng đại của Ngài, nhất là sẽ ban thưởng nước trời cho chúng con nếu chúng con phục vụ anh chị em một cách cần mẫn, với tinh thần khiêm tốn và trung thành.

Huệ Minh

Read 436 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 11 2020 11:21