22 08 Tr CHÚA NHẬT 34 MÙA TN.
CHÚA GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ.
Lễ trọng. Ed 34,11-12.15-17;
1 Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
VUA TÌNH YÊU
Quan niệm bình thường của con người là gắn liền ông vua với ngai vàng, với quyền lực, với thống trị. Người ta phải dùng tới bạo lực để đạt được ngôi vua, để rồi bắt mọi người phải quy phục mình và ngày đăng quang sẽ là một ngày chiến thắng. Thế nhưng ngày đăng quang của Đức Kitô lại là một ngày thê thảm nhất. Ngai vàng của Ngài là cây thập giá đáng phỉ nhổ, vương miện của Ngài chỉ là một vòng gai làm trò cười cho thiên hạ.
Thế nhưng chính lúc ấy: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta. Bấy giờ các ngươi sẽ biết Ta là ai và Đấng đã sai Ta ở với Ta. Cái yếu tố thúc đẩy Ngài lên ngôi vua không phải chỉ vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng chính vì Ngài là tình yêu: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Thập giá là dấu chứng của tình yêu, của phục vụ.
Hôm nay Thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quangvà chung quanh Người có các Thiên thần hậu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục (x. Mt 25,31).
Trang Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá. Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này. "Đây là vua người Do thái", tấm bảng ghi như thế. Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường. Không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.
Với chúng ta thì lại khác, bằng cái chết tủi hổ trên thập giá, Ngài đã trở nên một vị mục tử nhân lành, hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình. Ngài đã khai mạc vương quốc mới của tình yêu, một tình yêu tự hiến: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Cho đến tận cùng thời gian, các môn đệ của Ngài sẽ làm chứng về vương quyền mới mẻ ấy. Họ không được phép mơ tưởng, dù đôi khi bị cám dỗ, về một Giáo Hội quyền lực. Họ chỉ bày tỏ Đức Kitô ra cho thế giới bằng thứ vũ khí của lòng khoan dung, nhân hậu, tha thứ và yêu thương.
Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.
Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.
Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.
Chúa làm Vua bằng con đường tận hiến. Như hạt lúa phải thối đi mới sinh nhiều bông hạt; như cỗ máy phải chấp nhận hao mòn đi mới phát sinh công suất; như bông hoa phải chịu ngắt đi mới trang hoàng đẹp bàn thờ; và cũng như cây nến phải chấp nhận hao mòn đi mới có thể đem cho ngày lễ ánh sáng lung linh.
Việc tôn vinh Đức Giêsu là Vua vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ mang một ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta được mời gọi hướng về ngày cánh chung, tức là ngày tận thế, ngày tận cùng của lịch sử nhân loại. Khi ấy, mọi quyền bính trần thế sẽ chấm dứt; mọi chia rẽ hận thù và chiến tranh tàn khốc sẽ không còn. Chỉ còn vương quốc yêu thương và an bình tồn tại.
Vương quốc ấy là vương quốc của Chúa Giêsu. Vị Vua Giêsu vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của Chúng ta. Một vị vua không thực thi quyền thống trị. Người đang tiếp tục đi qua các ngả đường và ngõ xóm, ngồi trên lưng một chú lừa con, như trên đường phố Giêrusalem xưa. Người đang gõ cửa tâm hồn chúng ta, dù chúng ta không đón tiếp Người. Trước mặt chúng ta, Người cũng trần trụi như khi đứng trước Philato và mời gọi chúng ta nhận ra mình thuộc về chân lý. Mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi nhận ra Người và cùng với Người và anh chị em chung tay xây dựng vương quốc của Người ngay từ hôm nay, khởi đi từ những cố gắng rất đơn giản dung dị trong cuộc sống đời thường.
Đức Kitô là một vị Vua rất khác lạ, Người làm tất cả chỉ vì muốn cứu độ muôn người: Người tự hiến cúi xuống với con người; Người tận hiến mạng sống cho con người, và Người thánh hiến để con người được sống muôn đời với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Vấn đề còn lại là hãy tôn vương Chúa Kitô ngay trong cuộc sống hôm nay.
Như một điệp khúc được lập đi lập lại nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy rằng sự toàn hảo của chúng ta là vô kỷ và vị tha. Chúa Giêsu nói, "Hãy yêu tha nhân như chính Ngài đã yêu chúng ta." Chúa Giêsu đã dạy bài học này, bằng lời nói cũng như việc làm cho tới hơi thở cuối cùng trên Thánh Giá. Ngài bị treo giữa hai tên cướp, mà một kẻ thì chỉ lo cho riêng thân mình, còn người kia lại tỏ lộ sự lo lắng cho Chúa Giêsu. "Chúng ta chỉ phải trả cho những gì chúng ta đã làm," người ấy nói, "Nhưng ông này đã làm gì sai đâu." Bởi đó mà Chúa Giêsu dù đang hấp hối cũng đã trả lời, "Ta bảo thật: ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta" (Lc 23, 43).
Huệ Minh