Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 30 Tháng 12 2020 06:47

Lời đã thành xác phàm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lời đã thành xác phàm


31 18 Tr Thứ Năm. NGÀY THỨ BẢY TUẦN

BÁT NHẬT GIÁNG SINH.

1 Ga 2,18-21; Ga 1,1-18

LỜI ĐÃ THÀNH XÁC PHÀM

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” đó là lời xác quyết của thánh sử Gioan, là lời xác quyết của các tông đồ, của Giáo Hội và cũng là lời xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Ý nghĩa của câu Lời Chúa này diễn tả mầu nhiệm nhập thể, một Ngôi vị của Thiên Chúa đã được sinh ra và ở giữa chúng ta, để nhờ Người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và hưởng trọn lời hứa cứu độ.

Ngay từ câu đầu tiên của Tin Mừng thánh Gioan đã khẳng định căn tính và nguồn gốc của Ngôi Lời (Logos). “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Lúc khởi đầu là một kiểu nói gợi lên sự khởi đầu tuyệt đối theo sách Sáng thế: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất”. Điều này cho thấy nguồn gốc của Đức Giêsu không phải bởi thụ tạo mà bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy là Thiên Chúa thật, Đấng được sinh ra mà không phải được tạo thành. Hay nói cách khác, Ngôi Lời đã có từ trước khi tạo dựng, nên Người hiện hữu mà không phải do tạo dựng.

Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, ngài muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất của Đức Giêsu, sự kiện Người nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm quan trọng của Người đối với loài người chúng ta. Dân Israel nhận biết vị Thiên Chúa của riêng mình như là Đấng nói với họ: không phải như vị Thiên Chúa khép kín mình lại và giam mình trong cõi thinh lặng, vị Thiên Chúa vô danh, xa cách và gây ra sợ hãi, nhưng như vị Thiên Chúa ngỏ lời với họ và cho họ biết các ý định và ý muốn của Ngài. Ngài đã nói với Abraham, đã gọi ông và đã ban cho ông lời hứa là muôn dân được chúc phúc (St 12,1-3).

Qua trung gian Moses, Ngài đã giải phóng dân Ngài khỏi kiếp nô lệ và đã cho biết ý muốn của Ngài đặc biệt trong “Thập Điều”. Nhờ các ngôn sứ, Ngài đã can thiệp vào trong các tình cảnh khác nhau của lịch sử dân Ngài. Ngài đã ngỏ lời với họ, để cho họ truyền đạt như là lời khuyên nhủ, lời khuyến cáo, lời hứa và lời động viên. Lời Thiên Chúa ở tại khởi đầu của toàn thể lịch sử. Bằng Lời tạo dựng quyền năng, Thiên Chúa đã gọi mọi sự ra hiện hữu.

Nhờ Lời này, Thiên Chúa giao tiếp với các tạo thành của Ngài, tự mạc khải ra cho họ, cho họ được thông dự vào tất cả dự phóng và ý muốn của Ngài về họ. Lời Thiên Chúa đã ban sự hiện hữu và sự sống. Lời này ngỏ với chúng ta, và kêu gọi chúng ta dấn thân. Lời này vừa là yêu cầu vừa là lời hứa. Lời này đến từ Thiên Chúa, làm nền tảng và xác định tương quan giữa Thiên Chúa và loài người.

Con Thiên Chúa đến trên địa cầu để làm cho chúng ta sống trên mặt đất này trở nên con Thiên Chúa. Vì thế, toàn trái đất hãy vui mừng và hải đảo hãy hân hoan, vì ơn cứu độ đã được ban tặng cho thế giới.

Như lời thánh Gioan giải thích, "phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1,12). Trở nên con Thiên Chúa ư! Thật không thể tưởng tượng được, mầu nhiệm cao vời khôn thấu này. Thánh Gioan Kim Khầu nói : "Con Thiên Chúa đã trở nên con của loài người để làm cho con người trở nên con Thiên Chúa".

Thiên Chúa làm người. Các tác giả Tin Mừng đều chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa làm người không chỉ là mượn thân xác con người, mà làm một con người thực thụ, như bao con người khác sống trong kiếp nhân sinh, chỉ trừ tội lỗi. Mầu nhiệm này diễn tả mối tương quan gần gũi giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiện Giáng sinh không chỉ là một câu chuyện cổ tích, nhưng là sự hiện diện của Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại cho đến ngày tận thế.

Chúng ta tìm kiếm Người và khi đã tìm được thì hãy tiếp nhận Người : vì chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới có ơn cứu độ ; chỉ mình Chúa Giêsu mới mang lại cho chúng ta ý nghĩa đầy đủ về cuộc sống và khổ đau. Vì vậy, chúng ta hãy đọc Tin Mừng, chiêm ngắm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta và cố gắng sống theo lời Chúa dạy. Chúng ta sẽ thấy sự thật như thế nào khi chúng ta đang nỗ lực làm cho thế giới chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn.

Thánh Gioan còn khẳng định thêm: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.

Chính Ngôi Lời ấy đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, như Đức Chúa hứa qua lời ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en”. Ngài đã đến thế gian từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và từ nay sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại. Quả thế, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1c) “đã trở nên xác phàm” (1, 14) và sống thân phận làm người với sự mong manh, lệ thuộc vào không gian và thời gian.

Đó là một con người đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một nền văn hóa riêng như mỗi người chúng ta. Đó là một vị Thiên Chúa đã xuống thế mang thân phận làm người, để đưa con người lên với Thiên Chúa.

Mầu nhiệm nhập thể ấy thật thâm sâu, Ngôi Lời là nguồn Ân Sủng (Đức Giêsu) tái tạo sự sống cho nhân loại, một “mắt xích” nối kết con người với Thiên Chúa và con người với con người. Nhờ đó, trong sự thông hiệp chúng ta được nên một trong Đức Kitô và nên một trong Thiên Chúa.

Như vậy, Ngôi Lời nhập thể là niềm vui, là niềm hạnh phúc viên mãn mà con người luôn khát khao. Chúng ta kỹ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cũng với tâm tình như vậy, một niềm vui rộn rã vì Hài Nhi Giêsu đã và đang ở giữa chúng ta.

Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là mùa giáng sinh này.
Huệ Minh

Read 392 times Last modified on Thứ năm, 31 Tháng 12 2020 07:47