6.1 Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh
Is 60:1-6; Ep 3:2-3,5-6; Tv 72:1-2,7-8,10-11,12-13; Mt 2:1-12
HÃY LÀ SAO LẠ
Ngôi sao lạ dẫn đường các nhà đạo sĩ đi đến với Chúa Giêsu và Mẹ ngài đã kích thích sự tò mò các nhà chú giải Kinh Thánh và đã quyến rũ các người tín hữu từ lâu lắm. Đó có phải là một ngôi sao thật hay không ?- Xuất hiện khi nào ?- Tên là gì ?-
Ngày nay người ta không còn đặt những câu hỏi như thế nữa. Người ta nhìn ra ngôi sao như là một dấu chỉ được Chúa trao ban cho dân ngoại, để họ được hướng dẫn đi đến với Hài nhi bé nhỏ vừa mới sinh ra. Ngôi sao này nói cho chúng ta biết rằng, ngày nay, qua những dấu chỉ mà chỉ một mình ngài biết được bí mật, Thiên Chúa lôi cuốn nhân loại đến với Con của ngài một cách mầu nhiệm.
Còn các nhà đạo sĩ. Tên tuổi của họ không quan trọng. Cũng không cần biết xứ sở của họ ở đâu. Điều quan trọng cần phải biết là, họ không phải là người Do thái, quê hương của họ ở rất xa. Họ đại diện cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, cho đến ngày tận thế, sẵn sàng để cho ngôi sao dẫn đường chỉ lối đi đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Họ đại diện cho toàn thể nhân loại, cho dù không biết Đức Kitô, nhưng cũng được ánh sáng của ngài soi chiếu, và được mời gọi đến hưởng nhận những gì mà ngài đem đến cho gian trần. Không một ai bị loại trừ ra khỏi ơn cứu độ do Chúa Giêsu thực hiện. Không một ai được cứu thoát mà không nhờ ngài.
Các nhà đạo sĩ đi tìm vua dân Do thái vừa mới sinh ra. Vua dân Do thái này, bình thường họ phải tìm thấy trong cung điện đền đài. Họ phải nghe nói nhiều về ngài. Những người Do thái phải có thể chỉ cho họ biết ngài ở đâu. Nhưng không ! Không có gì cả ! Vị vua của người Do thái vừa mới sinh ra, và họ đang tìm kiếm lại là một kẻ vô danh. Không một ai đã nghe nói về ngài. Ngài không ở trong lâu đài, dinh thự, mà là trong máng cỏ. Ngài không sinh ra nơi những người giàu có sang trọng, mà là nơi những người nghèo hèn khốn khổ. Ngài chỉ là một em bé: một em bé không quyền lực, không thể tự vệ, không tiền bạc, không lính tráng.
Vì thế, chúng ta hãy ghi nhớ điều này. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật mà người ta có thể dễ dàng khám phá. Phải tìm kiếm ngài. Đôi khi phải rất lâu, trước khi gặp được ngài. Cũng hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu là một người gây ngạc nhiên, bối rối. Ngài không để cho người ta tìm thấy ngài trong sự giàu sang và sức mạnh, nhưng trong sự yếu đuối và nghèo hèn.
Một điểm khác cần lưu ý là, sau khi dâng các lễ vật: vàng, nhủ hương và mộc dược, các đạo sĩ đi đường khác về quê mình. Họ thay đổi lộ trình để tránh thoát Hêrôđê. Sự thay đổi lộ trình này cũng có nghĩa là thay đổi đời sống. Sau khi gặp được Con Thiên Chúa, các nhà đạo sĩ không thể tiếp tục sống như trước. Cuộc gặp gỡ đã biến đổi họ một cách sâu đậm. Đức tin vào Đức Kitô thay đổi con tim và thay đổi cuộc đời. Gặp gỡ Đức Kitô thực sự sẽ làm đảo lộn con tim và đảo lộn cuộc sống. Hãy nhìn lại xem, đức tin vào Đức Kitô đã làm thay đổi gì trong cuộc sống chúng ta ?- Và nó còn thay đổi gì nữa không ?- Nếu câu trả lời là phủ định, thì rõ rằng có một cái gì đó làm chúng ta lo lắng. Có một cái gì đó chất vấn tính cách đích thực của niềm tin chúng ta vào Đức Kitô.
Ngoài ra, còn có một nhân vật khác, tên là Hêrôđê. Nhân vật này chiếm rất nhiều chỗ trong biến cố Giáng sinh. Hêrôđê hiện thân cho một phần nhân loại muốn tẩy xóa con trẻ vừa mới sinh ra khỏi bản đồ thế giới. Con trẻ này quấy rầy ông ta. Con trẻ này đe dọa quyền hành đã được thiết lập. Hêrôđê không thành công trong ý đồ tiêu diệt Chúa Giêsu Hài Đồng. Tuy nhiên, khoảng ba mươi năm sau, giáo quyền Do thái đã giết hại ngài trên thập giá. Sự chiến thắng này sẽ chỉ là bề ngoài, hời hợt, nhất thời. Đấng bị giết chết sẽ sống lại ba ngày sau đó.
Người ta không thể giết chết Con Thiên Chúa. Người ta không thể giết chết Đấng là sự sống. Người ta không thể dập tắt ngôi sao chiếu sáng bầu trời, ngôi sao chỉ cho thấy, nhân loại có một Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
“Thấy” và “đến” là hai hành vi đã thúc đẩy các nhà chiêm tinh dấn bước vào hành trình tìm kiếm Đấng Cứu Thế. “Thấy ngôi sao”, hành vi không chỉ đơn thuần là những xung động của giác quan mà còn bao hàm cả một quá trình suy tư, phân định để đi tới nhận thức: đây chính là “ngôi sao của Ngài”. Lời trần tình của các nhà chiêm tinh -“chúng tôi thấy” và “chúng tôi đến”- nghe thật giản đơn và dễ dàng; thế nhưng, trong thực tế, họ đã phải trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm, có lúc đã tưởng chừng như tuyệt vọng, mới có thể “đến để thờ lạy” Vị Vua mới sinh này.
Các đạo sĩ cũng được gọi là ba vua, xưa đã đi tìm kiếm Đấng Cứu Thế, cũng chính là hình ảnh của nhân loại ngày nay thao thức đi tìm kiếm Chúa. Các vị đạo sĩ mới chỉ biết Chúa cách mơ hồ nhờ sự nghiên cứu các sự thay đổi tinh tú trên bầu trời rồi đối chiếu với Sách Thánh của dân Do thái, các ngài đã nhận biết Đấng Cứu Thế đã ra đời, và đã khăn gói lên đường đi tìm kiếm Chúa.
Việc các Đạo Sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia có viết như sau: “Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên” (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.
Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.” (Is 66, 1-3).
Đói với chúng ta hôm nay: Mục đích cuối cùng của cuộc đời mỗi người chúng ta là nhận biết tin thờ biết ơn Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất muôn vật, và tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su Ki-tô, để nhận được ơn giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập là Hội Thánh hôm nay, hầu sau này sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời vĩnh hằng, như lời Chúa Giê-su đã cầu nguyên với Thiên Chúa: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
Huệ Minh