8.1 Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
1 Ga 4:7-10; Tv 72:1-2,3-4,7-8; Mc 6:34-44
NHẠY CẢM VỚI THA NHÂN
Thiên Chúa đã chọn Môsê để dẫn dắt dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến về miền Đất Hứa. Trong hành trình sa mạc đầy khó khăn, thử thách, Thiên Chúa đã nuôi dân Người bằng manna và Người dùng Môsê để thể hiện quyền năng yêu thương che chở cho dân Người. Đến thời Tân Ước, đứng trước một cộng đồng nhân loại vất vưởng, lầm than, Thiên Chúa đã sai phái đến trần gian một vị Môsê mới là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng ‘chạnh lòng thương xót’. Ngài là vị Mục tử nuôi chiên bằng suối nước trong và cỏ đồng xanh mỡ màng. Hình ảnh vị Thiên Chúa ấy được thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu trong trình thuật tin mừng hôm nay - Người “thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (c. 34)
Đám đông đi theo Chúa Giêsu vì họ khát khao và say mê nghe Lời chân lý. Họ đi theo Người quên mọi khổ cực đường xa nhọc nhằn, quên cả trang bị những điều cơ bản cần thiết là lương thực cho bản thân. Tuy nhiên lòng nhiệt thành, sự say mê Lời của họ đã được đáp lại cân xứng quá lòng ước mong. Chúa Giêsu không những dùng Lời để nuôi dưỡng tinh thần của họ, mà Ngài còn dùng lương thực để nuôi dưỡng thể xác đang đói khát của họ.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một bầu khí thật náo nhiệt bởi vì sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các tông đồ kể lại cho Chúa Giêsu tất cả những việc các ông đã làm được. Cũng chính vì thế, mà dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu rất là đông, đến nỗi các ông không có thì giờ ăn uống.
Thế giới ngày nay là một thế giới đáng thương! Một thế giới đói khát Lời chân lý - Lời sự thật và tình thương nuôi dưỡng tâm hồn. Thế nhưng, sự tự mãn, bon chen, dành dựt ắp đầy trong lòng đã khiến tinh thần con người bị ‘thương thực’ không còn khả năng tiếp nhận Lời. Lời Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó, nhưng lại ‘rơi thõm’, mơ hồ trong một thế giới đầy những tiếng ồn ào của ‘động cơ’ vật chất, phô diễn đầy những bích chương quảng cáo hưởng thụ. Có người nói với tôi “lầm” khi tôi nói với họ về cách sống theo Lời Chúa, vì chẳng ai lại ‘dại gì’ sống như thế. Tôi trả lời họ “chân lý không thể lầm”, chỉ có “con người ta sống sai lầm” mà thôi.
Vì vậy, những người dám tiếp nhận Lời chân lý, dám tin vào Lời là những người dám “đi vào một cuộc phiêu lưu”, can đảm chấp nhận lội ngược dòng, dám chịu những thua thiệt mất mát, dám đón nhận những hy sinh và thậm chí bách hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, như những người say mê theo Đức Giê-su để nghe lời Người, họ sẽ được thỏa mãn dư dật gấp trăm về ân sủng của Thiên Chúa luôn mở rộng để ban phát cho những kẻ tìm kiếm Người. Bởi vì họ sẽ được Chúa chăm nuôi cả tinh thần lẫn thể chất.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người (chưa tính đàn bà và con trẻ) sau khi đã “dạy dỗ họ nhiều điều” của Đức Giê-su tiên trưng cho phép lạ Bí tích Thánh Thể Ngài thiết lập sau này. Ngày nay, Thiên Chúa – Chúa Giê-su Ki-tô vẫn tiếp tục chăm nuôi chúng ta cách đặc biệt trong bàn tiệc Thánh lễ. Nơi Thánh lễ Người ban phát cho chúng ta Lời của Người như kim chỉ nam cho cuộc sống, đồng thời Người thiết đãi chúng ta chính Thánh Thể của Người làm sức mạnh nuôi dưỡng bồi bổ tâm linh và là lương thực cho cuộc sống đời đời. Khi tham dự Thánh lễ với tấm lòng thanh, khát khao tìm kiếm Lời Chúa và Thánh Thể của Người, Đức Giê-su sẽ ban cho ta thỏa mãn dư đầy để chúng ta tiếp tục nối dài hiến lễ của Người bằng cuộc sống của chính mình trong sứ vụ cứu độ con người.
Ân sủng và quyền năng Thiên Chúa vẫn dư dật. Tuy nhiên, Ngài vẫn muốn sự cộng tác của con người, một sự cộng tác dù nhỏ nhoi cũng đủ để cho Ngài thực hiện những điều kỳ diệu. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé sẵn sàng cho đi không giữ lại cho riêng mình cộng với sự thiện chí tìm kiếm của các môn đệ, Đức Giê-su đã nuôi đủ hơn ‘mười ngàn’ nhân khẩu một cách mĩ mãn dư dật.
Vì thế, như giếng nước được khơi nguồn, càng kín múc nước ra càng trong mãi, Chúa muốn mỗi người chúng ta biết cộng tác với Người trong sự thiện chí biết quan tâm, chia sẻ và cho đi bằng hết khả năng của mình có – dù khả năng đó thật nhỏ nhoi và hạn hẹp – Chúa sẽ thực hiện những việc lạ lùng và lớn lao. Đời sống là quà tặng và ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta đã được lãnh nhận cách nhưng không thì chúng ta cũng phải biết cho đi cách nhưng không. Có thế, phép lạ ‘hóa bánh’ của Chúa Giêsu mới mãi được nhân rộng nhờ thiện chí chuyển trao Lời và chia sẻ ‘bánh’ của chúng ta cho thế giới còn nhiều ‘đói khát’ này.
Đối diện với những khó khăn, thánh đố của cuộc sống, nhân loại chúng ta thường gặp bế tắc, không lối thoát. Cụ thể, trong bài Tin mừng hôm nay, đối diện trước một đoàn người đông đảo đang đói khát, các môn đệ đề nghị Chúa giải tán họ vì các ông bế tắc, không thể lo nổi cái ăn cái uống cho họ. Nhưng thế giới này dù có những khốn khó nào chăng nữa mà để Chúa can thiệp vào thì mọi chuyện sẽ ôn thỏa và lòng người sẽ được toại nguyện. Cái đói cái khát của đám đông đã được giải quyết khi Chúa thánh hóa những chiếc bánh và con cá như là sự đóng góp nhỏ bé nhưng đầy tự do của các môn đệ.
Mặc dù nhân loại chúng ta đã được Thiên Chúa tặng bạn vị Môsê mới là Chúa Giêsu Kitô, nhưng sở dĩ vẫn còn đó những đau thương, khốn khổ giữa cuộc đời này là bởi vì chúng ta vẫn chỉ biết lầm lũi tự giải quyết các vấn đề cuộc sống của mình mà không chấp nhận cho Chúa dính dự vào. Bao lâu chúng ta hành xử như thế với Chúa, thì bấy lâu chúng ta còn gặp đủ thứ bế tắc trong cuộc sống và ngày qua ngày những khốn khó, khổ đau chống chất đổ xuống trên đầu ta.
Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy có tấm lòng nhạy bén trước những nhu cầu của tha nhân. Để từ đó, xã hội và mọi người sẽ có được một cuộc sống yên bình và hạnh phúc; như thế chúng ta đã đang và sẽ đưa Lời Chúa thực hành trong đời sống, có như vậy “dung mạo của lòng thương xót Chúa” mới được phản ảnh một cách sống động cho mọi người và ở mọi thời.
Huệ Minh