Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
Ga 3, 22-30
NGƯỜI LỚN LÊN CÒN TÔI NHỎ LẠI
Dừng lại một chút để nhìn cuộc đời Gioan Tẩy Giả. Ta thấy giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, Thánh Gioan đã nhận ra vai trò và sứ mạng của mình là làm tiền hô cho Thiên Chúa. Cả cuộc đời của ngài đều loan báo về Đấng Kitô. Điều nổi bật nơi Gioan mà chúng ta cần học hỏi đó là Ngài đã sống trong sự khiêm tốn, nhận ra vai trò của mình: “Tôi không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”. Thánh Gioan đã sống, làm chứng và chết về điều đó trong niềm vui sâu xa, miễn làm sao Đức Kitô được người khác nhận biết.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, Gioan luôn ý thức mình chỉ là tiền hô của Ðấng Cứu Thế, ông không có tham vọng, ảo tưởng về chính mình, hoặc muốn đề cao về mình. Gioan sống khiêm nhường, chân thành và sống đúng vai trò của mình: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Người đến sau tôi nhưng có trước tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người”. Ông còn khẳng định với các môn đệ của mình rằng: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do trời ban. Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người.”. Gioan muốn lui vào bóng tối, sau khi đã ‘hoàn thành’ sứ vụ của người tiền hô Thiên Chúa trao phó. Ông kiên trì với lòng trung thành công việc của mình cho đến cùng, bằng cái chết trong ngục, để Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng cứu độ nhân loại. Vì thế, Gioan được Chúa Giêsu khen: “Trong các người nam do người sinh ra, không ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả”.
Nực cười rằng trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.
Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi sống sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người, chúng ta đã sống sứ vụ ấy ra sao? Chúng ta có để cho Chúa được lớn lên không hay cái tôi của chúng ta che khuất những đòi hỏi của Tin mừng rồi?
Gioan là một trong những người tiên phong đi truyền giáo. Ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với mọi người: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). Gioan đã tuyên xưng Chúa cho mọi người biết Người chính là Đấng Cứu Thế, một hành động chúng ta tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng thực tế trong cuộc sống hiện nay xem chừng ra không dễ thực hiện vì ... thiếu lòng tin vào Chúa.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc truyền giáo đó là việc làm của Giáo sĩ, tu sĩ của những người có ơn gọi truyền giáo, những người tham gia Ban hành giáo, các hội đoàn. Còn tôi là học sinh sinh viên chỉ biết chuyện sách vở, học hành, kinh doanh chỉ biết chuyện trao đổi buôn bán, là nông dân chỉ biết chuyện rẫy ruộng mùa màng … làm sao tôi có khả năng để truyền giáo? Nếu chúng ta chỉ nghĩ cách thiển cận như vậy, thì ơn cứu độ của Chúa sẽ chẳng bao giờ được lan tỏa. Chúng ta nên hiểu rằng việc truyền giáo là việc chung của tất cả mọi người. Truyền giáo qua chính công việc mình đang làm. Muốn việc truyền giáo của chúng ta có hiệu quả. Ngoài việc canh tân đời sống đức tin và hoạt động truyền giáo. Mỗi người Công Giáo chúng ta hãy thể hiện qua những tấm gương sáng nơi cuộc sống hằng ngày.
“Người phải lớn lên”, lời tôn vinh của ông Gioan khi nói về Chúa Giêsu ngày trước, chính là lời nhắc nhở mỗi người tín hữu chúng ta sống trong thời đại hôm nay tự vấn lại cách sống và thực hành đạo cách nghiêm túc, hơn nữa lời Chúa Giêsu đã dặn dò trước khi về trời: “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Chúng ta có làm cho chân lý của Chúa được lan tỏa cho những người đang sống gần gũi với chúng ta chưa? Lời Chúa mà chúng ta đã được tiếp nhận học hỏi, có được tiếp tục rao truyền cho những người chưa nhận ra Chúa? Hay chỉ như nén bạc đã bị chôn vùi chẳng làm sinh lợi thêm được xu nào! (Mt 25,25a).
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.
Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.
Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang...
Người Giồng Trôm