Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 16 Tháng 1 2021 06:45

Đến và ở lại

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đến và ở lại


17 tháng 1

Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm

1 Sm 3:3-10,19; Tv 40:2-4,7-8,8-9,10; 1 Cr 6:13-15,17-20; Ga 1:35-42

ĐẾN VÀ Ở LẠI

Các bài đọc nói với chúng ta về những người, khi nghe thấy tiếng Thiên Chúa hay Đức Kitô mời gọi, đã trở thành môn đệ và bắt đầu phục vụ ngài. Khi nhìn thấy điều đó đã xảy ra thế nào và những con người được chất vấn đã trả lời ra sao với lời mời gọi, chúng ta được soi sáng về những cách thức mà Thiên Chúa và Con của ngài ngày nay vẫn còn đến gặp gỡ chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của ngài.

Trước hết, chính trong thinh lặng mà Samuel nghe thấy một tiếng nói mời gọi ông. Ông không biết rằng, tiếng nói này là tiếng nói của Thiên Chúa. Ông nghĩ rằng, chính thầy tư tế Heli gọi ông. Ông phải có thời gian và sự giúp đỡ của chính Heli để hiểu rằng, chính Thiên Chúa ngỏ lời với ông.

Trang Tin Mừng thánh Gioan tiếp nối những gì vừa nói trên đây. Lần này, thì chúng ta đang ở giữa ban ngày và chúng ta phải làm việc với những người đang đi tìm kiếm Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế của ngài. Những người này có đầu óc và con tim hướng về cái vô cùng. Hai người trong số đó là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri khắc khổ đã không ngần ngại nói về sự ăn năn thống hối để đón nhận Nước Thiên Chúa, đang rất gần.

Chính một lời nói của Gioan “Đây là Con Chiên Thiên Chúa” đã khởi xướng tất cả nơi hai môn đệ. Các ông đi theo Chúa Giêsu, nhìn xem nơi ngài ở và ở lại với ngài trọn ngày hôm đó. Đó là thời gian của một cuộc gặp gỡ thực sự, của một cảm nghiệm mãnh liệt và quyết định.

Để gặp được Chúa Giêsu, cần có người giới thiệu. Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình. Ông Anrê cũng đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em là Simon, và dẫn ông này đến gặp Ngài. Chẳng ai thực sự gặp được Chúa Giêsu mà lại không mong giới thiệu Ngài cho người khác.

Chúa Giêsu là kho tàng cứ mãi lớn lên khi được san sẻ. Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả và Anrê là thấy Chúa Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau. Họ chấp nhận tự xóa mình. Gioan chấp nhận chia tay với hai môn đệ yêu dấu. Anrê sau này chẳng được nổi tiếng bằng Simon.

Theo lời giới thiệu của Gioan, hai ông đi theo Chúa Giêsu. Chẳng rõ họ đã đi theo bao lâu và bao xa. Họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Chúa Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ. Chính Ngài đi bước trước, mở đầu cuộc đối thoại.

Sáng hôm sau, chính Anrê đã nói với Simon Phêrô, anh mình: “ Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Cứu Thế”. Phêrô theo Anrê, và đến lượt ông, ông khám phá ra Chúa Giêsu.

Khi đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, Anrê tự nhiên cảm thấy được thúc bách phải chia sẻ niềm tin cho em mình là Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê chắc chắn biểu lộ một sự thích thú rõ rệt. Ông đã sung sướng được gặp Chúa, ông đã khám phá ra Chúa là Đấng Mêsia, Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Dĩ nhiên, ông còn phải ở lại với Chúa Giêsu lâu hơn nữa, còn phải tìm hiểu, phải khám phá nhiều hơn. Nhưng giờ đây, ông cùng chia sẻ với em mình, cùng tìm hiểu, cùng khám phá với em và các bạn khác của ông. Niềm tin của ông càng được củng cố, càng lớn lên trong mức độ ông biết chia sẻ cho người khác.

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, các ông trở lại với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, từ nay không còn là cuộc sống như trước, vì cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm thay đổi tận căn. Giờ đây các ông sống với niềm tin Chúa Giêsu là Đấng Mêsia –Đấng Thiên Sai Cứu Thế- Chính niềm tin đó điều khiển cuộc sống và làm cho cuộc sống người môn đệ mang một ý nghĩa mới.

Chúng ta nhận thấy, cách thức tiến hành mỗi lần đều như nhau. Một nhân chứng chỉ cho môt ai đó sự hiện diện của Đức Kitô. Ngài mời gọi người đó quay hướng về ngài, và đến gần ngài để hiểu rõ ngài hơn. Điều đó không được thực hiện trong nháy mắt, mà phải có thời gian. Thời gian rất cần thiết. Cần phải ở lại bên cạnh Chúa Giêsu trong một thời gian thích hợp để biết rõ ngài là ai, và ngài mời gọi làm điều gì. Đồng thời cũng phải sẵn sàng để đi với ngài đến nơi mà ngài muốn chúng ta đi đến. Cảm nghiệm này có thể biến đổi cả một cuộc đời. Đó là trường hợp của Anrê đã trở thành một trong nhóm Mười Hai. Đó là trường hợp của Simon Phêrô, khi nhận lấy một tên mới “ Con là Phêrô”, được ủy thác cho một sứ mạng mới, sứ mạng là Đá, trên đó Giáo Hội đươc xây dựng.

Rõ ràng là, qua trung gian của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tiếp tục kêu gọi những con người đi theo ngài. Ngài thực hiện điều đó theo cách thức ngày xưa, luôn luôn có giá trị. Ngài thực hiện điều đó bằng cách ngỏ lời nhẹ nhàng trong tận thẩm sâu tâm hồn. Sau đó, khắp nơi trong thế giới và rất gần gũi với chúng ta, ngài khơi gợi lên những chứng nhân; qua những gì họ sống, qua những gì họ làm và những gì họ nói, những chứng nhân nói với chúng ta về ngài và mời gọi chúng ta quay nhìn về ngài.

Những kinh nghiệm này có liên quan đến chúng ta. Biết bao nhiêu lần, khi ngừng lại không chạy đôn chạy đáo, khi chúng ta trở về với lòng minh, khi thinh lặng trong cõi thâm sâu tâm hồn, chúng ta đã nghe một tiếng nói kín đáo mời gọi chúng ta sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, phục vụ anh em nhiều hơn, dành riêng một cách triệt để hơn cho những lý do quan trọng đối với nhân loại và với Thiên Chúa.

Trước những lời mời gọi mà Thiên Chúa trao gởi cho chúng ta, trong thinh lặng tâm hồn, thử hỏi đâu là thái độ của chúng ta ?- Có phải là không chịu lắng nghe ?- Hay làm bộ như không nghe ?- Hoặc cố tình bóp nghẹt cái tiếng nói đang cố gắng vạch ra một con đường đi đến với chúng ta ?- Tất cả những thái độ này đều có thể. Samuel đã chứng tỏ một sự sẵn sàng hoàn toàn, và đã để cho thầy tư tế Heli hướng dẫn. Điều đó đã cho phép ông nhận ra Thiên Chúa và đón tiếp Thiên Chúa đang đến với ông.

Cũng chính một cuộc phiêu lưu như thế có thể đã hơn một lần xảy đến với chúng ta, nếu chúng ta chọn thái độ giống như thái độ của Samuel: sẵn sàng đáp lại và đi theo.

Đức Kitô kêu gọi. Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài chất vấn chúng ta. Có thể là mọi sự vẫn như nguyên. Lời kêu gọi biến mất trong gíó. Lời kêu gọi không gây nên một âm vang nào cả, không một lời đáp nào cả. Đó là điều xảy ra khi chúng ta từ chối lắng tai nghe tiếng nói đang nhẹ nhàng và kín đáo đến với chúng ta, hay khi chúng ta không chấp nhận sống một kinh nghiệm mãnh liệt với Đức Kitô.

Sự gắn bó với Chúa cũng như với lời Ngài, sự lắng nghe để nhận ra ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa trong từng sự kiện, trong gừng biến cố của cuộc sống thường ngay phải là thái độ người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu cần phải có.
Huệ Minh

Read 925 times Last modified on Thứ sáu, 29 Tháng 1 2021 21:05