3.2 Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 12:4-7,11-15; Tv 103:1-2,13-14,17-18; Mc 6:1-6
ĐỪNG THÀNH KIẾN NỮA
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa phán với loài người qua các ngôn sứ và các tổ phụ. Các ngôn sứ được Chúa sai đến thường bị bạc đãi và tẩy chay như ngôn sứ Êdêkien được: Sai đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại (Ed 2:3) Thiên Chúa. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Người đến mạc khải trực tiếp cho nhân loại về tình yêu và đường lối của Người.
Thánh Phaolô cũng chịu chung một số phận như các ngôn sứ: Bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô (2Cr 12:10). Khi Chúa Giêsu về thăm quê nhà như Tin Mừng hôm nay thuật lại, Người gặp thái độ nghi ngờ và tẩy chay của người đồng hương. Dân chúng không phàn nàn vì lời Người giảng dạy có tính cách nông cạn. Trái lại họ phải sửng sốt về những lời giảng dạy sâu sắc của Người. Dân chúng cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Người. Họ biết Người là con bà Maria nội trợ, con nuôi ông thợ mộc Giuse, không được đi học trường đạo tạo giáo sĩ hay kinh sư. Thế thì tại sao Người lại có thể biết nhiều về Kinh thánh như vậy? Vì thế họ không chấp nhận Người.
Những thành kiến của họ có tính cách cố định. Thành kiến đã làm trở ngại cho những cuộc tiếp xúc giữa Chúa Giêsu và người đồng hương. Chính những thành kiến đó làm cản trở ơn thánh đến với họ. Họ nuôi quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Ðấng cứu thế, thì họ từ khước Người.
Vì thế đối với họ, Chúa Giêsu không thể là Ðấng cứu thế. Thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Ðức Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6, 4). Phúc âm hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6, 5). Sở dĩ Ðức Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6, 6).
Ta có thể thầm trách đám đông trong Tin Mừng hôm nay đã tẩy chay Chúa. Tuy nhiên ta có thể mang tội giống như người trong Phúc âm hôm nay. Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi huy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.
Thiên Chúa không những hiện diện ở những nơi tầm thường như phố nhỏ Nadarét, mà còn ở nơi dơ bẩn, hôi hám như trong máng cỏ Bêlem. Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Ðó là điều Chúa nói trong Tin Mừng thánh Mát-thêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25, 35). Ðể có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn. Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Nếu ta để cho thành kiến và tính ganh tị lấn át, ta sẽ không nhìn thấy những ưu điểm và khả thể nơi tha nhân. Nếu ta phán đoán lời nói hay việc làm của người khác chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh của họ là ta để cho thành kiến len lỏi vào óc phán đoán của ta. Lời nói hay việc làm có giá trị thường mang tính chất khách quan chứ không tuỳ thuộc vào bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền hay gia cảnh của người nói hay làm.
Nếu như ta nghe những lời nói hay việc làm mang khuyết điểm của người khác mà đóng cửa lòng lại, không tìm đến với họ, không cho họ cơ hội để bầy tỏ lí do, thì có phải là quan niệm hẹp hòi chăng? Gặp người khác lướt qua một vài lần, nói mấy lời xã giao mà đã kết luận người đó tốt xấu, thì không phải là nhận xét nông cạn sao? Bỏ việc thờ phượng hay nghe lời giảng dậy ngày Chúa nhật chỉ vì thắc mắc về khả năng hoạt bát và trình độ học vấn của linh mục cử hành thánh lễ và rao giảng thì có phải là một quyết định không dựa trên đức tin chăng? Buồn giận một linh mục nào đó mà không tìm đến thờ phượng ở bất cứ nhà thờ công giáo nào khác thuận lợi, thì có phải là hành động giận cá băm thớt không?
Dân xưa tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. Chính cái biết này đã ngăn cản khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ nên quá khứ bình thường của Chúa Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người. Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu cần học lấy bài học của thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đấy là khả năng nhận ra sự thiện hảo tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.
Huệ Minh