MỒNG HAI TẾT
HIẾU KÍNH VỚI TỔ TIÊN, ÔNG BÀ, CHA MẸ
(Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Ngày Mồng Hai Tết hằng năm, Giáo hội nhắc nhở và mời gọi chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ; bày tỏ lòng biết ơn đối với các ngài, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bởi vì, các ngài là những người đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh thành và nuôi dạy chúng ta. Các ngài đã dành cả cuộc đời để yêu thương, hy sinh cho con cháu, ước mong cho con cháu luôn được an mạnh, thành công và thành nhân, để giúp ích cho đời, cho người; để làm rạng danh cho gia đình, họ tộc, cho Giáo hội và quê hương.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
“Thờ cha kính mẹ hết lòng, Ấy là chữ Hiếu, dạy trong luân thường.”
Hầu như ai trong chúng ta cũng đã biết, cốt lõi của nền văn hóa Á Đông nói chung, và người Việt Nam chúng ta nói riêng, chính là Đạo Hiếu. Chữ “Hiếu” luôn được xem là nền tảng của đạo đức, còn gia đình là nền tảng của xã hội. Hiếu là nhân đức đứng đầu mọi nhân đức: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là (trong một trăm điều thiện thì hiếu thảo đứng đầu). Hiếu cũng chính là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự vui vẻ và bình an cho tâm hồn cũng như cho mọi thành viên trong gia đình. Và theo truyền thống Nho Giáo, trong các tội phạm đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.
Đặc biệt, đối với người Công giáo chúng ta việc hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ không chỉ là bổn phận phải chu toàn mà còn là điều răn Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha”. Dù là điều răn thứ tư, đứng sau ba điều răn thờ Chúa, nhưng là điều răn đứng đầu trong bảy điều răn dạy về đạo làm người. Sách Giảng Viên cũng nói: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”. Và thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô mà chúng ta vừa nghe, nhấn mạnh đến hiệu quả của việc tôn kính cha mẹ, đó là: “Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.
Chính Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cũng đã nhắc lại điều răn Thiên Chúa dạy trong sách Xuất Hành rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta, bởi Ngài luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và khi nhập thể làm người, sống tại Nazareth thì Ngài đã luôn kính trọng, vâng phục Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Luật đời và luật Chúa đòi buộc phận làm con phải hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng trong cuộc sống thực tế, nhiều lúc vô tình hay hữu ý, có những người con, người cháu đã có những lỗi phạm, có khi ngược đãi đối với các bậc sinh thành: trong lời nói, trong cách ứng xử, và thiếu sót trong bổn phận chăm sóc các ngài, đặc biệt lúc tuổi già.
Cách đây mấy tháng, cộng đồng mạng bức xúc trước clip về những hình ảnh con trai và con dâu ngược đãi mẹ già 88 tuổi ở Tiền Giang. Đánh đập mẹ già, có thể đây là chuyện cá biệt. Nhưng thử hỏi, nếu không có hình ảnh camera ghi lại sự việc trên để lên án, khuyến cáo, để thức tỉnh con người hôm nay thì sẽ như thế nào? Có bao nhiêu cha mẹ đang bị lợi dụng, bị hành hạ bởi những người con, người cháu của mình?
Chúng ta đang sống trong thời đại mà giá trị đạo đức, nhất là chữ “Hiếu” đang ngày một bị coi thường, bởi sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng, lối sống coi trọng vật chất, chạy theo những giá trị bên ngoài, chỉ mưu cầu cho nhu cầu bản thân; mà bỏ lại đằng sau nhiều giá trị sống tốt đẹp trong gia đình, trong đó có trách nhiệm đối với người thân. Nhiều người già hôm nay đang sống cô đơn giữa những người trong ngôi nhà của mình, như tối 30 cha xứ đã chia sẻ, họ thiếu cái gì đó!
Thưa họ thiếu tình thương, họ thiếu tinh thần liên đới, thiếu sự dâng hiến hy sinh, thưa quý ông bà và anh chị em. Mấy ai có thể dành thời gian nhiều hơn một chút để chịu lắng nghe nỗi niềm và tâm sự của cha mẹ khi về già?
Tác giả Hoài Thương trong bài viết: “Mai sau cha yếu mẹ già” trên trang tuoitre.vn đã đưa ra những thực trạng về chữ “Hiếu” trong thời đại hôm nay: “Ở TP.HCM, hiện có rất nhiều ông bà từ quê lên ở với con cái. Nói là lên sống với con nhưng thực tế là đỡ đần việc nhà cho con. Ông bà già 50-70 tuổi chăm con sinh nở, nấu nướng, giặt đồ, đón cháu đi học, lau nhà, đổ rác... Chuyện chăm cháu bây giờ trở thành “nghĩa vụ” của nhiều người già. Hay có câu chuyện kể rằng, một thầy chùa ngồi quan sát những người đi chợ: “Trong 10 người đi chợ thì có 9 người mua đồ ăn về cho con cái, chỉ có 1 người mua thức ăn về cho cha mẹ”. Chúng ta thấy thực tế là như thế, cha mẹ luôn quan tâm và dành trọn tâm tình, lo nghĩ cho con cái, nhưng mấy ai nhớ đến cha mẹ.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong ngày mồng hai Tết, ngày kính nhớ tổ tiên hôm nay, chúng ta cùng nhau suy gẫm và xem xét lại lối sống, cách ứng xử của chúng ta: chúng ta đã thực sự yêu thương, quan tâm đến ông bà cha mẹ như thế nào?
Cuối cùng, xin mượn lời bài hát “Gánh Mẹ”, khá nổi bật trong vài năm gần đây để gợi lại công ơn mẹ cha, cả đời vì con. Xin cho chúng ta một lần gánh, một lần cảm nghiệm sự lao nhọc, tình yêu của các ngài, để sống ý thức hơn, gần gũi hơn, quan tâm hơn, tâm tình hơn, yêu thương mẹ cha nhiều hơn: “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. Cho con gánh mẹ đầu non, cả lòng mẹ đã gánh con biển trời…”
Xin Chúa chúc lành cho quý ông bà và anh chị em! Xin Chúa trả công bội hậu cho các bậc đã sinh thành, xin cho các ngài luôn được sống an vui, mạnh khỏe, và cũng xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với đạo làm con. Amen.
Lm Giuse Trần Thanh Hải,SVD